285 năm Long Hồ dinh- tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 05:41, Chủ Nhật, 23/04/2017 (GMT+7)

Đảng bộ Vĩnh Long lãnh đạo nhân dân chống thực dân Pháp tái xâm chiếm lần thứ 2 (giai đoạn 1946-1954)

Thực dân Pháp bội ước, không thi hành Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946, đã liên tục gây hấn ở Hải Phòng, Hà Nội.

Ngày 18/12/1946, tướng Morlière- Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương gửi tối hậu thư cho chính phủ ta đòi chiếm một số bộ của ta và tuyên bố sẽ hành động vào sáng 20/12/1946.

Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng ngày 19/12/1946 tại Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định phát động toàn dân kháng chiến.

Thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy Khu 9, Đảng bộ Vĩnh Long vừa xây dựng vừa đẩy mạnh kháng chiến. Quán triệt tinh thần hội nghị Xứ ủy tháng 11/1947, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh, Trung đoàn 111 đã chỉ đạo việc tăng cường xây dựng, mở rộng phong trào dân quân, xây dựng nguồn lực dự trữ của ta.

Tỉnh đã thành lập Tỉnh đội dân quân, huyện đội dân quân, xã đội dân quân, xưởng dân quân tỉnh sản xuất vũ khí phục vụ chiến đấu.

Thực hiện chỉ thị về thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã phát động toàn quân, toàn dân đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng vùng độc lập phát triển rộng, mạnh. Đến cuối năm 1948, hội viên các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh là 93.851 người (chiếm gần 50% dân số toàn tỉnh).

Phong trào thi đua ái quốc phát triển nhiều hình thức phong phú như: Nhà nhà đều có hũ gạo kháng chiến, nuôi gà kháng chiến, trồng cây chuối kháng chiến, cây xoài kháng chiến... các tổ chức như: Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Chị chiến sĩ, đội thiếu niên làm việc nhỏ giúp đỡ kháng chiến.

Nhân dân ở đô thị hướng về kháng chiến, ủng hộ kháng chiến. Bằng những hoạt động thiết thực, nhiều trại cưa, nhà máy, lò gạch sẵn sàng gửi tiền, thuốc men vào vùng độc lập ủng hộ kháng chiến.

Có thể nói thời kỳ 1947- 1950 là một thời kỳ thi đua kháng chiến cực thịnh của Vĩnh Long. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, Khu ủy, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long đã tập trung cao độ sức người, sức của xây dựng vùng độc lập vững mạnh, trở thành một hậu phương vững chắc, với những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội khá ổn định.

Tuy thực dân Pháp cố tình “chia để trị”, lợi dụng dân tộc, tôn giáo gây cho ta nhiều khó khăn nhưng với khẩu hiệu đoàn kết lương giáo, dân tộc, chống kẻ thù chung giải phóng dân tộc đã quy tụ nhân dân dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh và đã bẻ gãy mưu đồ của thực dân Pháp.

Các chiến dịch Cầu Kè, Trà Vinh, Sa Đéc, Cầu Ngang đã chứng tỏ thế và lực của ta trong tương quan lực lượng. Trước nguy cơ thất bại, thực dân Pháp đã câu kết với đế quốc Mỹ, nhận viện trợ từ Mỹ nhằm cứu vãn cho tình hình, thực dân Pháp đã thực sự sa lầy ở Đông Dương.

Năm 1951, địch đã ra lệnh tổng động viên, coi Nam Bộ là địa bàn trọng tâm để bắt lính. Trong năm, chúng đã xây dựng được 68 tiểu đoàn các loại.

Địch xây dựng Vĩnh Long thành một khu do Trung tá Rôtơri chỉ huy, ở thị xã là phân khu do Thiếu tá Xamanhxki chỉ huy.

Chúng huy động trung đoàn thuộc địa thứ 2 (2e RIC), bán lữ đoàn Lê Dương thứ 13 (13e DBLE) càn quét, chiếm đóng hòng tiêu diệt chủ lực ta. Cuối năm 1951, chúng lấn chiếm vùng Trà Ôn, Cầu Kè, Thầy Phó, Cầu Vĩ và tuyến sông Mang Thít- Trà Ôn.

Thực hiện Quyết định số 174/NB51 ngày 17/6/1951 của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Trà trực thuộc Phân liên khu miền Tây. Đồng chí Phạm Thái Bường- Khu ủy viên- được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà.

Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Quân sự tỉnh đưa Đại đội 936 phân thành 3 trung đội về Cái Ngang, Tam Bình, Trà Cú cùng với bộ đội địa phương đẩy mạnh chiến tranh du kích lên một bước ở vùng Vũng Liêm, Tam Bình, Duyên Hải, Cái Ngang, xây dựng cơ sở nhân dân vũ trang vùng địch hậu, bao vây địch, vận động nhân dân tham gia chiến đấu, chống biệt kích, chống cướp lúa, làm công tác địch vận.

Trong 3 tháng đầu năm 1952, bộ đội, du kích, dân quân đã tác chiến 425 trận, diệt 549 tên địch, làm bị thương 423 tên, địch hàng 89 tên, phá hủy 11 lô cốt, 1 cứ điểm, phá sập 2 gốc đồn chánh, 1 trại lính, 1 dinh quận, 1 kho đạn, cháy 1 bót, thu 5 trung liên, 91 súng trường, 2 tiểu liên, 5 súng ngắn, 1.144 lựu đạn.

Trong tháng 4 và tháng 5/1952, ta đã tác chiến hơn 300 trận, diệt 331 tên. Nổi bật nhất là Vũng Liêm, Tam Bình, trong năm, bộ đội và du kích đã tác chiến và diệt 1.975 tên địch, làm bị thương 1.780 tên, bắt 319 tên,... tạo thế giằng co với địch trên chiến trường.

Trong chiến dịch Đông Xuân 1954, Vĩnh Trà đã đánh 149 trận, loại ra khỏi vòng chiến đấu 3.754 tên địch, trong đó tiêu diệt 330 tên, bị thương 219 tên, đầu hàng 331 tên, rã ngũ 2.874 tên, ta giải phóng cho 1.575 thanh niên bị bắt lính, diệt 42 đồn bót, bứt rút 201 đồn, phá hủy 1 cầu, 2 chiếc phà, 1 kho xăng và 6.000 lít dầu mazut, thu 331 súng, 50.000 viên đạn, 1.500 lựu đạn. 29 xã bị địch tạm chiếm đã trở thành căn cứ du kích, ta giải phóng hàng chục ngàn dân.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt buộc Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị Genève. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Trà đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội đó, ghi vào lịch sử tỉnh nhà như một trang chói lọi của thế kỷ XX.

(Còn tiếp)