Xây văn hóa ở cơ sở từ xã hội hóa

06:02, 01/02/2017

Trong khi chờ sự đầu tư từ cấp trên, huyện Bình Tân đã bắt tay vào xây dựng văn hóa ở cơ sở dựa vào dân, gắn với xã hội hóa. Từ đó, Bình Tân đã có nhiều mô hình, tụ điểm sinh hoạt văn hóa hình thành tại các ấp, cụm ấp ở các xã. 

Trong khi chờ sự đầu tư từ cấp trên, huyện Bình Tân đã bắt tay vào xây dựng văn hóa ở cơ sở dựa vào dân, gắn với xã hội hóa. Từ đó, Bình Tân đã có nhiều mô hình, tụ điểm sinh hoạt văn hóa hình thành tại các ấp, cụm ấp ở các xã.

Nhiều điểm sinh hoạt văn hóa đã trở thành cầu nối gặp gỡ, thông tin giữa người dân nông thôn với Đảng, với Nhà nước; qua đó góp phần xây dựng một nông thôn mới giàu đẹp hơn.

Nhà dân, quán cà phê “nâng tầm” văn hóa

Theo đồng chí Đặng Văn Chính- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Tân, đầu năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng mô hình điểm sinh hoạt văn hóa ấp với hình thức xã hội hóa.

Theo đó, vận động nhân dân tự nguyện lấy nhà ở, quán cà phê làm điểm sinh hoạt văn hóa ấp hoặc cụm ấp. Huyện ủy chỉ đạo xã Tân Lược (chọn ấp Tân Vĩnh) và xã Tân Bình (chọn ấp Tân Phước) thí điểm xây dựng mô hình này.

Đây còn là nơi giao lưu tiếng đờn, lời ca tài tử.
Đây còn là nơi giao lưu tiếng đờn, lời ca tài tử.

Tại quán cà phê của ông Nguyễn Văn Thum- cũng là điểm sinh hoạt văn hóa ấp Tân Vĩnh (xã Tân Lược), chúng tôi ngồi cùng người dân nói chuyện xây dựng nông thôn mới.

Gần một năm nay, ban đầu từ quán cà phê của nhà, chính quyền huyện, xã chọn và vận động ông Nguyễn Văn Thum “nâng cấp” lên thành một tụ điểm sinh hoạt văn hóa ấp.

“Tại tụi tui khoái đờn ca tài tử rồi tập hợp anh em lại chơi. Dần dần được vận động xây dựng tụ điểm sinh hoạt văn hóa như vầy”- ông Nguyễn Văn Thum nhớ lại.

Điểm sinh hoạt văn hóa ấp Tân Vĩnh rộng 120m2, có 1 ti vi, 1 amply, 2 micro, 2 thùng bass, tủ sách báo, 7 bộ bàn ghế phục vụ truy cập Internet.

Trong đó UBND xã hỗ trợ 4 bộ bàn ghế, 1 tủ với hơn 200 đầu sách và nhiều đầu báo. Chủ hộ cũng là chủ nhiệm điểm sinh hoạt văn hóa trên sẽ quản lý tụ điểm.

Chúng tôi ra xã Tân Quới, rồi đi ngược về hướng xã nông thôn mới Thành Đông, chạy một đỗi thấy bên đường cũng có quán cà phê sinh hoạt văn hóa. Tiếp tục đi sâu vào nội đồng đến xã Thành Trung, chúng tôi ghé quán cà phê Hoa Sứ (ấp Thành Hiếu)- cũng là tụ điểm sinh hoạt văn hóa mới mở ở xã này.

Anh Nguyễn Hoàng Sang- chủ quán cà phê và cũng là phó chủ nhiệm mô hình sinh hoạt văn hóa ấp, nói: “Tôi thấy tổ chức như vầy thu hút người dân đến đông, bởi thoải mái tiện lợi hơn.

Họp dân hay cần thông tin tuyên truyền gì, huy động là dân đến ngay. Như vừa rồi ngày hội đại đoàn kết cũng làm ở đây, vui lắm!” Điểm này mỗi tháng tổ chức 2 lần sinh hoạt văn hóa, hội họp bà con.

Điểm sinh hoạt văn hóa ấp Tân Vĩnh tại nhà ông Nguyễn Văn Thum.
Điểm sinh hoạt văn hóa ấp Tân Vĩnh tại nhà ông Nguyễn Văn Thum.

Ông Ngô Văn Lợi- Chủ tịch UBND xã Thành Trung cho biết, từ xã hội hóa để quán cà phê Hoa Sứ thành nơi sinh hoạt văn hóa, xã đã hỗ trợ bố trí thêm bộ bàn ghế dài, tủ sách pháp luật, đặt bảng hiệu và bảng quy chế sinh hoạt.

Theo Chủ tịch MTTQ xã Thành Trung Thạch Trường Quân, mỗi lần họp ở điểm sinh hoạt văn hóa, quán cà phê Hoa Sứ luôn thu hút 50-60 người. Điểm này đã một lần tổ chức tiếp xúc cử tri HĐND cấp xã.

Ông Ngô Văn Lợi cho biết: Đảng ủy xã dự định mở rộng mô hình, có thể ở cụm ấp. Làm hiệu quả thì duy trì và có hướng nhân rộng. Khả năng địa phương tự lực được gì thì làm và cùng hợp tác với nhân dân.

Xây dựng và phát triển dựa vào cơ sở

Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Tân xác định: Điểm sinh hoạt văn hóa ấp là một thiết chế văn hóa ở cơ sở, là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, tiếp nhận thông tin của cộng đồng dân cư trong ấp, cụm ấp.

Những điểm này sẽ là nơi đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo của nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa. Đó cũng là nơi tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cập nhật kiến thức, giáo dục lối sống lành mạnh ở cơ sở...

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lược Phạm Văn Chuyến cho hay, tụ điểm sinh hoạt văn hóa tại nhà ông Nguyễn Văn Thum bước đầu hiệu quả.

Đó là nơi để anh em trong Câu lạc bộ Đờn ca tài tử gặp gỡ giao lưu; là nơi để chính quyền các cấp khi xuống cơ sở bàn bạc hay để nhân dân góp ý kiến giúp việc quản lý, xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội địa phương...

Cán bộ truyền thanh ở xã Thành Trung bên tủ sách pháp luật tại điểm sinh hoạt văn hóa quán cà phê Hoa Sứ.
Cán bộ truyền thanh ở xã Thành Trung bên tủ sách pháp luật tại điểm sinh hoạt văn hóa quán cà phê Hoa Sứ.

Còn ông Nguyễn Văn Thum vẫn kể câu chuyện: “Bí thư Tỉnh ủy hôm đến thăm, thấy chúng tôi nói cây đờn điện đã cũ là hỗ trợ ngay cho cây đờn”.

Ông Thum nói vui: “Hôm nào có dịp xin ông Bí thư Huyện ủy cái micro để hát cho xôm hơn”. Chủ tịch UBND xã Thành Trung Ngô Văn Lợi thì cho hay: “Xã đang phấn đấu có 9/9 ấp ở xã đều được công nhận chuẩn ấp văn hóa 5 năm liền”.

Theo Bí thư Huyện ủy- Đặng Văn Chính, trong khi kinh phí xây dựng nông thôn mới còn hạn hẹp không riêng gì với Bình Tân mà hầu hết các huyện thì việc xã hội hóa như trên đã phần nào cho thấy hiệu quả. Dựa vào nhân dân để phục vụ nhân dân. Lấy dân làm cơ sở, đó là cái gốc cho xây dựng và phát triển.

Chúng tôi chưa đi hết những điểm sinh hoạt văn hóa tại nhà dân hay các quán cà phê ở các xã, ấp; song chúng tôi cảm nhận “nhịp đập văn hóa” phấn khởi ở những nơi này, thấy vui lây vì được hòa mình vào các buổi sinh hoạt ấy.

Ở đó, chúng tôi nghe đờn ca tài tử, nghe chuyện trồng khoai, luân canh lúa màu, chăn nuôi dê,... Nghe nông dân nói thuận lợi, khó khăn trong làm ăn, sản xuất.

Hy vọng từ mô hình tụ điểm văn hóa này, người dân và chính quyền các cấp ngày càng xích lại gần hơn, để cùng xây dựng xóm làng phát triển, không chỉ về văn hóa mà trên mọi mặt đời sống, để nông thôn mới thật sự mới! 

Về xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa ấp bằng xã hội hóa, huyện Bình Tân đã kiến nghị tỉnh và sở ngành có thể xem xét cho nhân rộng ra các xã chưa có nhà văn hóa ấp cũng như hỗ trợ kinh phí cho điểm sinh hoạt văn hóa tương tự các nhà văn hóa- khu thể thao ấp.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh