Một thời sông nước đã xa…

Cập nhật, 06:34, Thứ Tư, 01/02/2017 (GMT+7)

Trong một thời gian không dài, giao thông nông thôn Vĩnh Long đã tạo nên bước đột phá ngoạn mục: xe máy, ôtô về tận ngõ. Cuộc sống của giai đoạn mới văn minh hơn, hiện đại hơn nhưng cũng báo hiệu đời sống văn hóa “sông nước” đã lùi về quá khứ...

Chuyện thời xưa…

Thật ra cũng không xưa lắm. Bởi những người ở độ tuổi trung niên trở lên luôn có cảm giác: hình ảnh đời sống của người nông thôn gắn liền với sông nước như mới hôm qua.

Ghe tàu chở gạo xuất khẩu ken đặc trên sông Chợ Gạo (Tiền Giang). Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ghe tàu chở gạo xuất khẩu ken đặc trên sông Chợ Gạo (Tiền Giang). Ảnh: PHƯƠNG NAM

Nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước, giao thông cực kỳ khó khăn. Ông Lương Văn Biết- cán bộ huyện Bình Minh lúc đó- vẫn nhớ như in: “Ngay trong một huyện, khi đến công tác ở một số xã vùng sâu như Tầm Vu, Tân Thành hay Tân Hưng là phải đi bữa nay, mai làm việc, mốt mới về được.

Mà chủ yếu là ngồi vỏ lãi, chớ có đường bộ, xe cộ đâu mà đi. Thời gian chờ và chạy vỏ khoảng 4- 5 tiếng đồng hồ, nếu gặp lúc nước cạn thì còn lâu hơn!”

Còn tại Phú Quới (Long Hồ) muốn đi xuống Cái Ngang (trung tâm 2 xã Mỹ Lộc, Hậu Lộc thuộc huyện Tam Bình) chỉ cách khoảng 6 cây số thôi cũng phải “lụy đò” hơn 2 giờ mới tới.

Tương tự, từ thị trấn Trà Ôn đi các xã Hòa Bình, Xuân Hiệp bằng vỏ lãi cũng phải mất gần 3 ngày mới hoàn tất chuyến đi- về, dù công việc có gấp đến đâu… cũng vậy.

Còn từ cầu Mây Tức (huyện Vũng Liêm giáp huyện Càng Long) vô xã Trung An chỉ hơn 5 cây số đường sông thôi nhưng phải đi từ trưa hôm nay đến 9 giờ sáng hôm sau mới trở ra được, do đò chạy phải theo con nước.

Người dân từ xã Quới An (Vũng Liêm) muốn đi chợ Mang Thít hoặc Vĩnh Long, nhất định phải thức đốt đuốc ra bến tàu chợ từ 1- 2 giờ khuya, trễ chuyến đò dọc là phải chờ tới bữa sau…

Nói đâu xa, từ chợ Vĩnh Long sang các xã cù lao Bình Hòa Phước, Đồng Phú (Long Hồ) cũng phải đi từ sáng sớm đến 5 giờ chiều mới về được thị xã.

Có hôm trễ đò phải ngủ lại nhà người quen chờ hôm sau về sớm. Chuyến tàu khách huyết mạch từ TX Vĩnh Long chạy về thị trấn Trà Ôn hoặc xã Hựu Thành theo tuyến sông Long Hồ đi Cái Ngang- Ba Kè, ra sông Mang Thít ngang Tam Bình, đúng 12 giờ trưa hàng ngày xuất phát, đến nơi cũng đã tầm chạng vạng.

Tàu khách nhanh nhất là tuyến Trà Ôn- Cần Thơ (16km) cũng trên dưới 2 giờ, còn tuyến Trà Ôn- Bình Minh phải mất hơn 3 giờ...

Đi xa là vậy, đi gần thì sao? Nếu đi từ nhà trong ấp ra chợ xã hay lên chợ huyện, hầu hết phải chèo xuồng hoặc chạy ghe máy đuôi tôm, nhất là vào mùa mưa nước nổi, không có ghe xuồng đi lại, ắt phải ngồi nhà.

Bởi sông nước là đặc thù của miền Tây và ĐBSCL có hàng ngàn sông rạch đan xen như mạng nhện, có con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi; có ghe xuồng ngày đêm xuôi ngược trên sông…

Tất cả đã hình thành nên nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước, gắn liền với đời sống. Sông rạch là đường giao thông chính, là “mặt tiền” của nhà cửa cư dân, tất cả đều hướng ra sông, trước nhà đều có bắc cầu...

Bến sông là nơi gắn liền mọi sinh hoạt hàng ngày của người lớn lẫn trẻ nhỏ và cũng là nơi ngày ngày người ta xuống ghe, lên đò đi lại đó đây.

Có lẽ vui nhất vẫn là những ngày giáp tết, đón xuân. Trên sông, xuồng máy chạy liên hồi, bến chợ quê, chợ huyện buổi sáng ghe xuồng neo đậu chật kín.

Những nơi có chợ nổi, xuồng ghe, người từ tứ xứ đổ về tấp nập kẻ bán người mua, khách đi thưởng ngoạn chợ tết,…

Tất cả đã tạo nên nét văn hóa sông nước sôi động, hữu tình, độc đáo, riêng có của miền Tây. Rồi từ đó, đã để lại biết bao ký ức, kỷ niệm đẹp theo suốt cuộc đời của không ít thế hệ người Việt Nam.

Đời sống văn hóa sông nước cuồn cuộn ấy còn là nguồn cảm hứng làm nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh đặc sắc cho hôm nay và mai sau.

Chuyện ngày nay…

Ngày 21/5/2000- cầu Mỹ Thuận đã ghi mốc “đỉnh cao”- chấm dứt thời “sang sông thì phải lụy phà” trên sông Tiền ở Vĩnh Long. Ảnh: VINH HIỂN
Ngày 21/5/2000- cầu Mỹ Thuận đã ghi mốc “đỉnh cao”- chấm dứt thời “sang sông thì phải lụy phà” trên sông Tiền ở Vĩnh Long. Ảnh: TRẦN ÚT

Ông Huỳnh Văn Hoàng- tuổi trên lục tuần, nhà gần cầu Lầu (Phường 4- TP Vĩnh Long), từ nhỏ đã sống nhờ vào bến tàu khách Vĩnh Long, bùi ngùi cho biết: “Hồi xưa, bến đò này sung lắm.

Hàng ngày, có mấy chục tàu khách đến- đi các nơi. Còn bây giờ đã vắng tanh!” Đúng là bến tàu khách này giờ chỉ còn lác đác vài chiếc ghe nhỏ nhận rau củ quả từ chợ Vĩnh Long về các xã cù lao hoặc thỉnh thoảng có một vài ghe tải ghé giao nhận cá hay phân bón cho một đại lý nào đó.

Bến đò ngày xưa, nay vắng khách; ôtô đưa đón khắp mọi nhà!
Bến đò ngày xưa, nay vắng khách; ôtô đưa đón khắp mọi nhà!

 

Bến đò ngày xưa, nay vắng khách; ôtô đưa đón khắp mọi nhà!
Bến đò ngày xưa, nay vắng khách; ôtô đưa đón khắp mọi nhà!

Bến tàu khách Trà Ôn cũng tương tự, ông Nguyễn Văn Nam- một người đã sống ở đây khá lâu năm chia sẻ: “Hồi đó, bến tàu khách Trà Ôn có số tàu chạy các nơi nhiều hơn hết, nhất là đi Cần Thơ. Cứ một tiếng đồng hồ xuất bến một chiếc, lúc cao điểm 30 hoặc 45 phút có một chiếc chạy.

Còn bây giờ người ta đi xe, lẹ hơn. Đây đi Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn, Cà Mau,… cứ “a lô” là có xe đò, xe máy đến phục vụ, đi trong buổi, trong ngày về tới nơi rồi. Cho nên hổng ai còn muốn đi lại bằng tàu đò hết!”

Từ năm cuối của thập niên 90 cho đến bây giờ- chỉ khoảng hơn 20 năm- nhưng đời sống cư dân vùng sông nước ngày nào đã đổi thay quá nhiều. Nhiều công trình giao thông đồ sộ như: cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu,… đã giúp miền Tây không còn cách trở.

Mạng lưới điện quốc gia phủ kín vùng xa, các tuyến quốc lộ, đường tỉnh được đầu tư nối dài và mở rộng. Đặc biệt, qua “2 cuộc cách mạng” về giao thông nông thôn từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến thực hiện “chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” đã huy động được nhiều nguồn lực trong dân, cơ bản hoàn thiện hệ thống giao thông bộ thông suốt… thật sự tạo ra diện mạo mới cho tỉnh nhà và cả ĐBSCL.

Địa bàn tỉnh Vĩnh Long giờ đây không còn nơi nào gọi là “vùng sâu, vùng xa”. Mỗi mùa xuân đi qua đã góp phần làm “dày” lên sự đổi thay diện mạo quê hương. Ngẫm nhìn lại bức tranh đời sống văn hóa sông nước ngày nào, để hôm nay thấy được quê hương Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đã hòa cùng tiến trình đổi mới của đất nước.

Vĩnh Long có hơn 10 con sông lớn, 40 kinh và 152 rạch, tổng chiều dài trên 954km, mật độ bình quân 0,491 km/km2, thuộc loại cao nhất nước. Thời gian gần đây, ngoài các quốc lộ do Trung ương đầu tư, Vĩnh Long đã phát triển 262km đường tỉnh, với 51 cây cầu có tổng chiều dài 2.631m; 329km đường huyện với 150 chiếc cầu có tổng chiều dài là 5.480m; 1.420km đường xã, 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm, 28% số xã có đường ôtô liên ấp và hầu hết số ấp còn lại ở nông thôn được đan hóa thông xe 2 bánh quanh năm.

Bài, ảnh: VÂN AN