Xuân ấm trên quê mới Bình Tân

06:01, 22/01/2013

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, nhằm đưa nông thôn nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, từng bước tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.


Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, nhằm đưa nông thôn nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, từng bước tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn huyện Bình Tân đã có nhiều thay đổi. Đời sống, tinh thần của người dân được nâng lên từng ngày.

Quê hương Bình Tân trên đà đổi mới

Chúng tôi tháp tùng cùng đoàn cán bộ xã Thành Đông đến thăm gia đình chú Trần Hữu Nhượng (ấp Thành Khương, xã Thành Đông)- là một trong 228 hộ dân tiêu biểu của xã- tham gia phong trào hiến đất xây dựng NTM.

Trong tiết trời se lạnh buổi sớm, sau những lời chào hỏi, chúc phúc, câu chuyện mà người dân quê như chú mỗi khi gặp lại nhau thường nhắc đến đầu tiên là chuyện sản xuất, giá cả các mặt hàng nông sản.

Chú nói thân tình: “Tui thấy năm nay, dân xã Thành Đông làm ăn được lắm. Nhờ cuối năm này, khoai, heo, gà vịt đều lên giá, giá lúa cũng khá nên dân phấn khởi lắm!” Trong niềm hân hoan, chú tiếp lời: “ Ở phía sau vườn nhà chú, thấy mấy “ổng” có trồng nhiều hoa màu tết, giá cả như vầy chuẩn bị ăn tết khỏe re… Cũng như gia đình chú đây, nhờ có huê lợi, mới bán 600 dừa được 3 triệu bạc, còn bán lứa nữa...”

Chia tay gia đình chú Nhượng, ra thăm con đường NTM phía trước nhà, chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Ngô nhà ở gần bên, đang gọi thương lái đến bán mấy quả mít chín thơm nức vừa hái.


Chuẩn bị nhà cửa khang trang đón tết với niềm hy vọng một mùa xuân mới thắng lợi.

Cô cho biết: Trước đây, khi chưa có chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, con đường từ cầu Ngã Cạn vào đến ấp Thành Khương dài khoảng 8 cây số là con đường đan nhỏ hẹp, gồ ghề, đi lại khó khăn. Mỗi khi học sinh đến trường hay người dân quê ra chợ hay vận chuyển nông sản đều phải nhờ đến ghe xuồng.

Thế nhưng 3 năm nay, bộ mặt làng quê giờ đã dần thay đổi. Nhà cửa, cổng rào của bà con sạch đẹp, khang trang, hướng ra phía trước là con đường nhựa được trải đá nhuyễn, xe cộ qua lại bon bon. Nhờ vậy, đời sống, sinh hoạt, sản xuất, giao thương hàng hóa của người dân quê cũng có nhiều thuận lợi hơn.

Cô Nguyễn Thị Ngô cho biết thêm: “Từ hồi có con đường NTM này, dân dễ làm ăn lắm. Lúc trước không có xe vô, hàng hóa mình phải chuyên chở ra chợ tốn kém công sức, chi phí, còn bây giờ có xe 2 bánh, 4 bánh vô tới nơi dễ dàng, mình bán được giá, lợi nhuận cao hơn.

Riêng nhà tui, lúc trước có món gì cũng phải mất công mang đi chợ mới bán được, còn hiện tại… Hồi nãy có xe vô mua mít đó, chú thấy không? Nếu bà con mình làm ăn thuận lợi như vậy, tết này chắc vui vẻ hơn mấy năm trước nhiều!”

Chia tay bà con ấp Thành Khương, sáng hôm sau, chúng tôi có mặt thật sớm tại chợ xã Mỹ Thuận để tìm hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt, buôn bán của người dân địa phương vào dịp cuối năm.

Cũng như bao chợ khác của miền quê sông nước, sáng sớm, chợ tấp nập, đông vui và khi quá trưa bắt đầu thưa dần, rồi kết thúc. Phía trước chợ, nhộn nhịp lời mời chào của các tiểu thương bày bán những mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân quê đón Tết, như: quần áo may sẵn, chăn màn, đồ gia dụng…

 Hôm nay, chợ có thêm “thành viên mới” là vợ chồng anh Võ Văn Minh đến từ huyện Châu Thành (An Giang). Anh Minh cho biết: “Năm nay, mặt hàng mùn mền, chăn gối mà em đang rao bán, bán chạy lắm! Em bán khoảng 10 bữa, nửa tháng rút hàng- điện về cho xe tải bà chị trên quê chở xuống khoảng tấn tư, tấn rưỡi… rồi chuyển xuống ghe. Bán ở chợ này vài bữa, mình đưa ghe qua chợ khác!”

Cách đó không xa, hướng về phía bên phải ngoài nhà lồng chợ là gian hàng quần áo may sẵn khá rộng rãi của vợ chồng anh Lương Thành Tài- tiểu thương nhiều năm buôn bán ở chợ này. Khi chúng tôi hỏi về sức mua của bà con cho đến những ngày sát tết, không ngần ngại, anh nói như khoe: “Tới thời điểm hiện tại, tui bán thấy được.

Bà con mua sắm tương đối hơn so với năm rồi. Tui không làm nông, nhưng theo dõi qua báo đài tui biết, nhờ năm nay, bà con mình trồng được màu, được lúa, tuy có lúc khoai lang thua lỗ do rớt giá, nhưng nhìn chung, lúa, màu, cá các thứ đều có mang lại lợi nhuận cho nông dân. Vì vậy, từ đây cho tới tết, tui nghĩ mãi lực sẽ
tăng lên”.

Rời khỏi các quầy hàng phía trước, chúng tôi rảo một vòng quanh chợ. Tuy là chợ quê, song nơi đây bày bán khá đầy đủ các mặt hàng- nhất là hàng nông sản, thực phẩm tươi sống- phục vụ người dân theo kiểu “tự cung, tự cấp”.

Nhờ vậy, mỗi khi tết nhứt hay nhà có tiệc tùng, giỗ chạp, không phải ra chợ Cái Vồn (Bình Minh) xa 5- 7 cây số để mua sắm như trước nữa. Chợt thấy anh Nguyễn Minh Thành- người dân tại xã Mỹ Thuận- đang đi chợ, lựa mua mặt hàng chén, dĩa và luôn miệng nói cười vui vẻ với chủ hàng “la”, chúng tôi không bỏ qua cơ hội hỏi thăm về đời sống, sản xuất của bà con.

“Tui là người dân cố cựu xã này. Tui đi chợ thường xuyên nên thấy, năm nay bà con mình nói chung trồng hoa màu, sản xuất lúa cũng có thời điểm bán được giá cao, như thời điểm này chẳng hạn… Cho nên dạo rày ra chợ, thấy chợ sung túc, bà con đi mua sắm khá hơn mọi năm”- nói vừa dứt câu, anh lại cười giòn tan, rồi tiếp tục lựa hàng…

Ý Đảng, lòng dân- vững tin vào một mùa xuân thắng lợi!

Để có được con đường nhựa như của ấp Thành Khương hay chợ xã Mỹ Thuận đông vui hôm nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Bình Tân đã phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều.

Bí thư Đảng ủy xã Thành Đông- Nguyễn Thị Ngọc Bích- tâm sự, trong thời gian làm đường, Đảng ủy cùng với chính quyền, đoàn thể xã đã phải “miệt mài” với dân suốt mấy tháng liền, theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu” và nhờ vậy… “dân thương”, còn mình thì… “hoàn thành nhiệm vụ”.


Con đường “nông thôn mới” ở ấp Thành Khương. Ảnh: NGỌC TÀI (Bình Tân)

Nhờ ý Đảng, lòng dân đồng thuận, chỉ tính trong năm qua, bà con huyện Bình Tân đã đóng góp tổng cộng 92.980m2 đất, cùng nhiều vườn cây ăn trái và công trình kiến trúc trên đất, ước trị giá 11,5 tỷ đồng để xây dựng NTM. Có thể nói đây là đợt vận động sức dân tham gia vào sự nghiệp chung lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương.

Nhờ có quỹ đất, tạo điều kiện để huyện đầu tư xây dựng gần 100 công trình cơ sở hạ tầng lớn nhỏ, trong đó đáng kể là các công trình về giao thông, thủy lợi, trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học, điểm họp chợ… để phục vụ đời sống dân sinh.

Ông Lê Văn Thuận- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- tranh thủ giờ nghỉ giải lao khi đang dự buổi tổng kết năm của Phòng Công thương huyện- trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Khi được hỏi về công tác xây dựng NTM của huyện Bình Tân ông nói: “Như các đồng chí biết, Bình Tân hiện có 10/11 xã tham gia xây dựng NTM. Năm qua, nhìn chung, các xã đều đạt được nhiều tiêu chí quan trọng.

Trong đó, Mỹ Thuận và Thành Đông là 2 xã điểm của tỉnh, huyện đạt được 11 và 9 tiêu chí- cao nhất huyện. Bước sang năm mới 2013 này, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, Tỉnh ủy, huyện sẽ chọn các xã: Thành Đông, Mỹ Thuận thực hiện đạt thêm 4 tiêu chí, Tân Bình đạt 3 tiêu chí và các xã còn lại cũng đạt thêm 2 tiêu chí.

Giải pháp để thực hiện là tập trung dồn sức từ các nguồn lực nhằm vận động nhân dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của sự nghiệp xây dựng NTM. Từ đó, thực hiện được các tiêu chí khó, như: thu nhập, môi trường, quốc phòng- an ninh, giao thông nông thôn.vv... phấn đấu đến cuối năm 2014, các xã điểm trên sẽ cơ bản đạt đủ 19 tiêu chí xây dựng NTM”.

Một mùa xuân mới nữa lại về trên quê hương Bình Tân. Trong ánh nắng chan hòa của đất trời vào những ngày cuối năm, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt, nụ cười như rạng ngời niềm vui, hạnh phúc và có lẽ trong lòng của mọi người đều có chung một hoài bão, khát vọng, luôn tin tưởng vào thắng lợi mới.

CÔNG PHÚC

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh