Bóng đá xấu xí

Cập nhật, 19:26, Thứ Năm, 18/05/2023 (GMT+7)
Hình ảnh hỗn chiến giữa U.22 Indonesia và U.22 Thái Lan ở trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 32.Ảnh: TTO
Hình ảnh hỗn chiến giữa U.22 Indonesia và U.22 Thái Lan ở trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 32.Ảnh: TTO

(VLO) Trận chung kết SEA Games 32 giữa U.22 Indonesia và U.22 Thái Lan sẽ được NHM thể thao, giới chuyên môn nhắc nhiều và thật lâu sau này. Có thể xếp đây là trận đấu hay nhất lịch sử SEA Games, nhưng nó nổi bật ở mặt xấu xí như một vết nhơ của bóng đá Đông Nam Á.

Chúng ta không nhằm phê phán một cá nhân, một đội bóng của nước nào, mà cần phải xem như một bài học xương máu cho cầu thủ, nhất là ở sân chơi bóng đá trẻ.

Thật đáng tiếc, bởi lẽ ra chiến thắng của U.22 Indonesia năm nay đáng được tôn vinh và thật xứng đáng biết bao khi họ đã trình diện một đội bóng trẻ cực hay, được đầu tư chiều sâu và họ đã chính thức vượt qua 2 tượng đài bóng đá khu vực là cả Thái Lan và Việt Nam.

Ngôi vô địch sau 32 năm xứng đáng được chào đón của cả nước ngày trở về, nhưng giờ đây nó đã nhuốm màu u ám và thật sự đáng xấu hổ.

AFC sẽ làm việc nghiêm túc trước khi đưa ra mức phán xét cho cả đôi bên. Chúng ta nhìn nhận dưới góc độ người yêu chuộng bóng đá, đặc biệt chỉ là bóng đá đẹp, với tinh thần thể thao cao thượng.

Do đó, nghiêm túc nhìn nhận dù đây là sân chơi của bóng đá trẻ, nhưng “ngòi nổ” lại đến từ khu vực chỉ đạo của BHL.

Không thể biện minh vì lý do gì, đáng lẽ nơi đây chính là khu vực kiềm chế những cái đầu nóng trên sân, thì lại trở thành võ đài thực sự với những pha đấm đá rất chuyên nghiệp như những võ sĩ. Nghiêm trọng hơn khi nó tái diễn lần thứ hai và thực sự là cuộc hỗn chiến quá xấu xí.

Thế giới đang lan truyền tốc độ chóng mặt hình ảnh những cầu thủ trẻ Thái Lan tung những cú đấm knock out một vị trưởng đoàn khá lớn tuổi của Indonesia, khi vị này chạy vào can ngăn.

Thiển nghĩ, tương lai những cầu thủ trẻ này sẽ đi về đâu? Bởi lẽ, trong thế giới bóng đá này không có huyền thoại, một tài năng bóng đá nào được tạo dựng từ những tính cách có xu hướng bạo lực cả. Một nền bóng đá lớn cũng không bao giờ có xu hướng bạo lực.

Đó cũng là nét văn hóa. Mở rộng ra tại SEA Games này, BHL đội võ thuật Indonesia cũng từng xông qua tấn công đội ngũ Việt Nam khi trọng tài tuyên bố thắng cuộc thuộc về võ sĩ chúng ta. Và xa hơn, CĐV Việt Nam cũng đã từng bị vây đánh đổ máu ngay trên SVĐ Indonesia.

Chắc chắn vì bất kỳ lý do gì, người yêu chuộng thể thao, người yêu chuộng bóng đá trên hành tinh này không ai bênh vực cho những hành động bạo lực trên sân cỏ cũng như trên khán đài. Những cầu thủ trẻ cũng chẳng thể trở nên những tài năng lớn bằng những hành vi có xu hướng bạo lực, tiểu xảo xấu xí.

Chưa kể hậu quả sau đó là những án phạt nghiêm trọng từ các LĐBĐ khu vực và thế giới. Bài học này chắc rằng nền bóng đá Indonesia đã thấm thía
thế nào.

Bạo lực sân cỏ có thể nổ ra từ nhiều nguyên nhân, có những khoảnh khắc bùng nổ bất chợt do bốc đồng, có thể tính chất gây cấn của một trận đấu, có thể do sự điều khiển của tổ trọng tài, nhưng điều nguy hiểm hơn cả có những đội bóng có xu hướng bạo lực mang tính chất… truyền thống, bạo lực từ sân cỏ lên đến khán đài. Nền bóng đá đó dù có hay đến mấy cũng không thể xem là thành công.

Bóng đá Việt Nam được xây dựng hướng đến lối chơi đẹp và đặc biệt là khán giả Việt Nam những năm gần đây đã xây dựng được hình ảnh đẹp, thể hiện văn hóa, thân thiện, đoàn kết được truyền thông, chuyên gia bóng đá trong khu vực và thế giới ca ngợi. Đây là điều đáng mừng, đáng tự hào.

Có thể trong giải đấu nào đó, trong trận đấu nào đó, chúng ta chấp nhận “thua đẹp hơn là thắng xấu”. Bởi ở mỗi giải đấu, mỗi trận đấu luôn thể hiện hình ảnh của một dân tộc, một đất nước. Cần phải xây dựng hình ảnh, nét đẹp văn hóa, dân tộc trong thể thao, trong bóng đá, không chỉ có chuyện thắng thua.

NGỌC TRẢNG