"Người nhện" leo núi ở Cát Bà

05:12, 13/12/2015

Tay không, chân trần, không dây bảo hiểm, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Vũ (24 tuổi) búng nhẹ người lên bám vào vách núi, rồi thoăn thoắt leo lên đỉnh núi gần như dựng đứng ở vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng).

Tay không, chân trần, không dây bảo hiểm, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Vũ (24 tuổi) búng nhẹ người lên bám vào vách núi, rồi thoăn thoắt leo lên đỉnh núi gần như dựng đứng ở vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng).

Người nhện Nguyễn Văn Vũ đang đu người giữa vách núi cheo leo không dây bảo hiểm - Ảnh: Tiến Thắng
Người nhện Nguyễn Văn Vũ đang đu người giữa vách núi cheo leo không dây bảo hiểm - Ảnh: Tiến Thắng

Cả đoàn du khách nước ngoài tròn mắt, ngửa mặt dõi theo từng động tác leo núi của Vũ. Những tràng pháo tay vang lên xen lẫn những tiếng xì xồ “super man” (siêu nhân), “spider man” (người nhện), “very good” (quá giỏi)...

Hướng dẫn viên leo núi

Chúng tôi đặt chân lên đảo Cát Bà cũng là lúc Vũ đang chuẩn bị đồ nghề để dẫn một đoàn khách chín thanh niên nước ngoài ra vịnh leo núi. Chúng tôi nhập đoàn và một tiếng đồng hồ sau, tàu đưa chúng tôi đến một hòn đảo nhỏ cách khá xa bến Bèo.

Ném các balô từ tàu xuống bãi cát, Vũ nói: “Chúng ta sẽ leo núi và chèo kayak cả ngày hôm nay tại đây”.

Trong khi đoàn khách chuẩn bị áo quần, giày, mũ, dây đai thì Vũ cùng hai hướng dẫn viên người Mỹ nhanh chóng lấy từng bó dây lớn ra. Vũ đeo đai, móc chuyên dụng rồi thoăn thoát leo dần lên vách núi cao.

Chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút, Vũ đã chuẩn bị dây an toàn cho năm đường leo với độ cao thấp và khó dễ khác nhau. Sau đó, anh hướng dẫn khách cách buộc dây, cách đặt chân, cách bám tay vào các hốc đá như thế nào.

Vừa giữ dây an toàn cho khách, mắt vẫn ngước theo từng động tác của người leo, Vũ cười, giọng Huế nhỏ nhẹ nói: “Đoàn khách này mới biết leo nên hôm nay chỉ leo ở điểm này với những đường leo khá đơn giản. Tuy vậy, người hướng dẫn như bọn em vẫn phải để ý từng chút một. Có dây an toàn, không thể ngã rơi xuống, nhưng nếu tuột tay người leo mất đà vẫn có thể bị va đập vào vách núi bị thương. Vì thế không thể rời mắt khỏi họ”.

Cũng theo Vũ, nhiều đoàn khách đã biết leo núi thì sau khi khởi động với những đường leo dễ Vũ sẽ chuyển sang những vách núi khó hơn, cỡ “bảy, tám chấm” (độ khó này đặt theo tiêu chuẩn của môn leo núi đá ngoài trời, độ khó nhất là “chín chấm”) để nâng “tay nghề” cho họ.

Đam mê chinh phục

Vũ đến với môn leo núi từ bảy năm trước. Nhà Vũ ở phường Phú Hậu (TP Huế), có sáu anh chị em nên cuộc sống khá khó khăn. Cuối năm 2008, khi Vũ đang làm nghề sửa xe ở Đà Nẵng thì chị gái gọi ra Cát Bà làm nghề hướng dẫn viên du lịch.

Đầu năm 2009 Vũ ra Cát Bà cùng làm với chị. Khi dẫn khách đi, thấy những vách núi ở vịnh Lan Hạ lác đác có khách Tây leo núi thì Vũ cũng học leo.

“Những vách đá cheo leo trên vịnh Lan Hạ luôn quyến rũ những người ưa thích môn thể thao mạo hiểm. Và em thì lại rất thích núi, sau khi tập leo, cứ mỗi khi bám người trên vách núi cao nhìn xuống là em lại rất phấn khích. Thấy khách Tây leo cao, mình cũng leo theo. Có những chỗ khó leo, họ bỏ thì em vẫn cố gắng rèn luyện để chinh phục. Và khi chinh phục được rồi thì 
cảm giác rất thoải mái”, Vũ kể.

Khi được hỏi về bí quyết, chàng trai xứ Huế cười: “Phải có thể lực dẻo dai và sự kiên trì luyện tập. Nhưng quan trọng nhất là không sợ hiểm nguy”.

Vũ tâm sự suốt bảy năm qua, từ khi đến với môn leo núi là anh phải tự tập luyện mỗi ngày, tự lên mạng mày mò, tìm hiểu kỹ năng. “Phải được huấn luyện cẩn thận mới có thể thực hành. Ngay cả những nhà leo núi chuyên nghiệp, chỉ một phút sơ suất cũng phải đánh đổi mạng sống hoặc bị thương tật 
suốt đời” - Vũ nói.

Kết thúc một ngày leo núi, Vũ dẫn chúng tôi về chỗ trọ. Tại nhà trọ của mình, Vũ dựng cả một vách núi nhân tạo bằng gỗ gắn các mấu nhựa mà anh tập luyện hai giờ mỗi ngày sau giờ làm việc.

“Đây là môn nguy hiểm nên cần phải tập luyện thường xuyên để rèn kỹ năng, sự bền bỉ dẻo dai. Em rất muốn nhiều bạn trẻ Việt Nam biết đến môn leo núi để chinh phục các đỉnh cao. Chính vì vậy em mới quay clip đưa lên mạng để quảng bá, giới thiệu và em thấy hiệu ứng của việc này rất tốt. Đó cũng là cách em quảng bá phong cảnh tuyệt vời của vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà...”, Vũ cho biết.

Lương hướng dẫn viên leo núi hiện tại của Vũ chỉ có 5 triệu đồng/tháng (công ty bao ăn, ở) nhưng Vũ rất bằng lòng vì “được leo núi, được thỏa đam mê là em thấy 
OK lắm rồi”.

Nguyễn Văn Vũ biểu diễn tư thế “người dơi”

Vũ đưa chúng tôi đến điểm leo mà anh và các đồng nghiệp người Mỹ vừa mở mấy tháng trước, với độ khó nhất ở vịnh Lan Hạ. Đó là một vách núi cao, nhưng ở phía dưới chân núi có dạng vòm mà khi thủy triều xuống tàu lớn vẫn chui vào được.

Khi tàu vào gần, Vũ bỏ dép đứng trên mũi tàu tung người một cái hai tay bám ngay được vào gờ đá. Anh đu người lên bằng hai tay rồi thực hiện động tác di chuyển dưới vòm đá bằng hai tay với quãng dài khoảng 15-20m.

Có lúc, như mỏi quá, anh dừng leo, chỉ dùng một tay giữ cả người và buông tay còn lại để thả lỏng. Rồi Vũ “biểu diễn” cài hai bàn chân vào hốc đá, buông ngược người, hai tay thõng xuống phía mặt biển. Sau đó, Vũ dùng cả chân hỗ trợ để leo bò ra phía ngoài, tiếp tục leo lên vách cao dựng đứng.

Chỉ khoảng 10 phút, Vũ đã leo lên được 30m rồi lại leo ngược trở xuống, đáp nhẹ nhàng xuống mũi tàu. Cả đoàn khách nước ngoài được dịp há hốc mồm kinh ngạc, vỗ tay cổ vũ ào ào, nhiều người ôm chầm lấy Vũ 
bày tỏ sự khâm phục.

Nhìn Vũ đu người trên vách, chị Carolyn (đồng nghiệp người Mỹ cùng công ty du lịch với Vũ) bảo: “Vũ là số 1. Chỉ mình Vũ có thể leo lên vách núi không cần dây bảo hiểm, không mang giày. Vũ có kỹ năng leo núi mà người khác phải học rất nhiều năm mới có được. Cậu ta sinh ra là để leo trèo. Vũ có thể thoăn thoắt trên những vách đá như đi bộ trên đường bằng khiến những người được đào tạo bài bản trong nghề cũng phải kính nể”.

Clip quay lại những cảnh leo núi của Vũ được bạn bè đưa lên mạng Internet chỉ một thời gian ngắn đã có đến trên 80.000 
lượt xem.

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20151213/nguoi-nhen-leo-nui-o-cat-ba/1019734.html

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh