Thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên

Cập nhật, 15:20, Thứ Năm, 25/05/2023 (GMT+7)

 

Tham quan mô hình trồng nấm chân dài và nấm mối đen của bạn Teang Bunhing.
Tham quan mô hình trồng nấm chân dài và nấm mối đen của bạn Teang Bunhing.

Khởi nghiệp (KN) là một trong những vấn đề hàng đầu luôn được các bạn trẻ quan tâm. Thời gian qua, đã có không ít đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) gặt hái được “quả ngọt” từ sự nhạy bén, tinh thần quyết tâm KN cùng với sự đồng hành của tổ chức đoàn. Tuy nhiên, thách thức trong hành trình KN của các bạn trẻ vẫn còn nhiều…

Đồng hành cùng ĐVTN

Đến thăm mô hình nuôi gà thả vườn của anh Nguyễn Ngọc Khánh Duy (xã Mỹ An, huyện Mang Thít) khi anh sửa sang chuồng trại chuẩn bị nuôi đợt gà mới. Anh cho hay, hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có ruộng đất, cộng thêm nguồn vốn ít ỏi nên anh quyết định KN từ mô hình nuôi gà thả vườn. “Tiếp sức” cho anh, tổ chức đoàn đã hỗ trợ một phần chi phí để mua con giống và xây chuồng trại…

“Gia đình tôi vừa mới xuất chuồng 300 con gà thịt. Gà đạt khoảng hơn 2 kg/con, với giá trung bình 58.000 đ/kg, gia đình có thêm khoảng thu nhập kha khá”- anh Duy cho biết.

Đồng hành với ĐVTN KN, lập nghiệp, các cấp bộ đoàn đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với nhu cầu ĐVTN địa phương. Bên cạnh, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các cấp bộ đoàn còn tổ chức các buổi tham quan, chia sẻ kinh nghiệm; tập huấn, phổ biến kiến thức về KN; thành lập các CLB thanh niên làm kinh tế…

Sau thời gian học tiếng Việt và chuyên ngành Nông học, bạn Teang Bunhing- lưu học sinh Lào tại Trường ĐH Cửu Long, còn nghiên cứu và triển khai mô hình KN của mình. Được trường hỗ trợ cơ sở vật chất, đoàn trường hỗ trợ một phần chi phí, bạn đã thực hiện trồng 1.500 phôi nấm chân dài và nấm mối đen. Đến nay mô hình này đã bước đầu mang lại hiệu quả. “Chính sự quan tâm thiết thực ấy đã tạo động lực cho em có thêm tinh thần KN vừa có thu nhập hàng tháng từ 3-4 triệu đồng”- Teang Bunhing chia sẻ.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Ngân (giữa) được hỗ trợ giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi để kinh doanh văn phòng phẩm.
Chị Huỳnh Thị Ngọc Ngân (giữa) được hỗ trợ giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi để kinh doanh văn phòng phẩm.

Còn chị Huỳnh Thị Ngọc Ngân (phường Thành Phước, TX Bình Minh) cũng được tổ chức đoàn hỗ trợ giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 100 triệu đồng để kinh doanh văn phòng phẩm. Chị cho hay, với số này, chị đã mua máy photo và các vật dụng cần thiết. Dù hoạt động chưa lâu nhưng cửa hàng kinh doanh của chị bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan.

Thúc đẩy và truyền cảm hứng, khát vọng KN trong ĐVTN, thời gian gần đây, các cấp bộ đoàn còn tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh định hướng nghề nghiệp, việc làm; tạo điều kiện cho các bạn trẻ được học tập, trao đổi kinh nghiệm, tại doanh nghiệp để tiếp cận với mô hình, dự án KN thành công…

Tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín do Tỉnh Đoàn tổ chức vừa qua, bạn Châu Nhật Hào- sinh viên Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Vĩnh Long, cảm thấy vô cùng thú vị và bổ ích. “Bởi khi trải nghiệm thực tế, em hiểu được khi KN cần trang bị những gì và lựa chọn mô hình sao cho phù hợp với lợi thế, với nhu cầu thị trường”- Nhật Hào bày tỏ.

 

Cần lắm sự hỗ trợ từ nhiều phía

Thời gian qua, phong trào KN, lập nghiệp của ĐVTN ngày càng phát triển sâu rộng. Thực tế, đã có không ít dự án KN, mô hình phát triển kinh tế do ĐVTN làm chủ đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, “nút thắt” đối với ĐVTN trong quá trình KN là nguồn vốn, dẫn đến không ít bạn phải bỏ cuộc giữa đường.

Bên cạnh đó, giá cả thị trường, đầu ra cho nông sản không ổn định… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hành trình KN của ĐVTN. Do đó, hơn bao giờ hết bạn trẻ rất cần có những chính sách hỗ trợ nhằm kịp thời “chắp cánh”, khơi dậy tinh thần KN trong ĐVTN để cùng xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Theo anh Nguyễn Ngọc Khánh Duy, khó khăn hiện nay của ĐVTN vẫn là thiếu vốn. Anh mong muốn tổ chức đoàn tăng cường các hoạt động hỗ trợ kinh phí cho các dự án, mô hình KN của ĐVTN.

Còn anh Nguyễn Việt Trung- Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, mong muốn tỉnh định hướng các kênh để ĐVTN có thể huy động nguồn vốn. Đồng thời, tạo cơ chế phù hợp để những người KN gặp khó được tiếp cận các nguồn vốn vay.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Hưởng (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít) cho rằng, bên cạnh nguồn vốn, ĐVTN còn gặp khó về đầu ra cho các sản phẩm trong các mô hình KN, nhất là sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa qua. “Để ĐVTN mạnh dạn đầu tư KN rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các ngành, địa phương trong việc hỗ trợ liên kết tìm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm”- chị Hưởng bày tỏ.

Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên năm 2023, ông Nguyễn Khắc Nhu- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết nguồn vốn quỹ hỗ trợ KN của tỉnh có khoảng 10 tỷ đồng, hiện có 4 dự án đã tiếp cận được nguồn vốn với số dư khoảng 2 tỷ đồng. Để tiếp cận với nguồn vốn này, các dự án đạt giải các cuộc thi ý tưởng và dự án KN phải kinh doanh, khai thác sản phẩm dự án trên địa bàn tỉnh và phải thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, ĐVTN có những dự án, ý tưởng tốt, khả thi có thể kêu gọi các nhà đầu tư bên ngoài.

Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cũng thông tin, UBND tỉnh giao Sở KH-CN xây dựng dự thảo nghị quyết để UBND tỉnh trình HĐND về cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới KN sáng tạo. Đặc biệt, Sở KH-ĐT, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Sở GD-ĐT, Hội Doanh nhân trẻ và Tỉnh Đoàn Vĩnh Long cũng có chương trình liên tịch đào tạo miễn phí cho các bạn trẻ có nhu cầu KN…

Tỉnh Đoàn tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế tại mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín.
Tỉnh Đoàn tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế tại mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín.

Anh Trần Công Khánh- Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long, cho biết thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ ĐVTN KN, lập nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các bạn trẻ được học tập, trao đổi kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp gắn với các ngành nghề đang học, với thực tiễn công tác.

Ngoài ra, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ vay vốn “tiếp sức” cho ĐVTN... Qua đó, không chỉ thắp lên tinh thần KN, ý chí vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, làm giàu cho ĐVTN mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế ở địa phương phát triển.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ