Võ Lâm Vũ (30 tuổi) - một chàng trai miền Tây không chút vốn liếng làm nông - đã bám trụ mảnh đất Măng Đen (Kon Tum) suốt 11 năm, kiên trì đeo bám con đường khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ từ khi mới 18 tuổi.
Võ Lâm Vũ (30 tuổi) - một chàng trai miền Tây không chút vốn liếng làm nông - đã bám trụ mảnh đất Măng Đen (Kon Tum) suốt 11 năm, kiên trì đeo bám con đường khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ từ khi mới 18 tuổi.
Trang trại Măng Đen Xanh áp dụng các quy trình canh tác hữu cơ hiện đại - Ảnh: L.V. |
Tốt nghiệp THPT năm 2012, đứng trước lựa chọn nghề nghiệp, Vũ đã chọn làm nông dân khi làm hồ sơ tham gia dự án Rau hoa xứ lạnh Măng Đen tại huyện Kon Plong (Kon Tum), và được giao 1.000m2 đất để làm nông nghiệp hữu cơ.
"Nông dân 4.0" làm nông nghiệp hữu cơ
"Tôi chưa từng trồng trọt sử dụng hóa chất bao giờ nên cũng không biết mô hình nông nghiệp hữu cơ của Măng Đen Xanh có năng suất hơn so với cách trồng trọt dùng hóa chất hay không". Đó là câu trả lời mà Vũ hầu như chẳng cần mất thời gian suy nghĩ, khi được hỏi về ưu điểm của mô hình hữu cơ so với trồng trọt dùng hóa chất.
Măng Đen Xanh là tên trang trại, cũng là cái tên mà Vũ chọn khi đăng ký thành lập công ty chuyên về nông nghiệp hữu cơ.
Cái duyên đến với Măng Đen của Vũ rất tình cờ. "Hồi còn học phổ thông, gia đình tôi đã từng du lịch lên Măng Đen và rất thích vùng đất này. Thế nên khi đọc được thông tin tuyển thành viên cho dự án Rau hoa xứ lạnh của huyện Kon Plong (Kon Tum), tôi và gia đình đã "ứng tuyển" và được lựa chọn".
Vũ kể thêm rằng khi "ứng tuyển", mọi người trong gia đình cũng hồi hộp, không biết được chọn hay không, nhưng đến khi thật sự đứng trước 1.000m2 đất được giao, gia đình lại không ai muốn làm. Chỉ riêng Vũ thì lại vẫn rất hào hứng và quyết tâm.
Lúc đó, Vũ đã nhập học Đại học Cần Thơ, nhưng khi dự án chính thức giao đất, anh đã không hề do dự rời giảng đường, lên Măng Đen chuẩn bị cho hành trình làm nông nghiệp hữu cơ.
Kiểm định cà chua ở trang trại Măng Đen Xanh - Ảnh: L.V. |
Khởi nghiệp làm nông từ con số 0, Vũ bắt đầu học làm nông dân. Anh mày mò học hỏi, tích cóp từng chút trên các hội nhóm làm nông. Rồi anh bắt đầu trồng những luống cà rốt, cà chua, bắp cải hữu cơ đầu tiên trên trang trại của riêng mình.
"Càng làm tôi càng bị cuốn vào công việc, và tích cực tìm hiểu thêm. Hễ đọc được bài báo về mô hình nông nghiệp hữu cơ nào hay, tôi tìm đến tận nơi để gặp gỡ, học hỏi. Đến bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen mỗi năm đi lại vài chuyến đến các trang trại hữu cơ để có thêm nhiều kiến thức thực tế, và học từ chia sẻ của những người khác", Vũ cho biết.
Thành quả của những năm học làm nông dân là sau vài năm Vũ đã trở thành nông dân tiên phong về mô hình nông nghiệp hữu cơ. Mô hình trồng rau của anh trở thành mô hình mẫu để mọi người quanh vùng đến tham quan, học hỏi.
Vũ không làm nông kiểu được chăng hay chớ. Anh đã nhiều lần nói về mục tiêu của mình rằng "muốn trồng cái gì cũng phải thật sạch, thật tốt như chính mảnh đất này".
Anh chàng "nông dân 4.0" áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, làm nhà lưới, mày mò liên kết với các tổ chức để các sản phẩm của trang trại được chứng nhận hữu cơ. Măng Đen Xanh của Vũ bắt đầu có nhiều đầu ra hơn, có khách hàng ở nhiều tỉnh thành lân cận và sau đó trang trại được mở rộng quy mô lên 4ha.
Kiên trì với hành trình nông nghiệp hữu cơ
Vũ (bên phải) đã có 11 năm gắn bó với nông nghiệp ở Măng Đen - Ảnh: L.V. |
Vũ kể rằng có nhiều thời điểm anh đã thất bại, "trang trại để trống trơn". "Đó là thời gian mà mọi người biết đến trang trại nhiều hơn, và tôi bắt đầu mở rộng quy mô cũng như mở rộng các hoạt động trải nghiệm, tham quan tại trang trại.
Năm 2015-2016, đã có hàng trăm lượt người tìm đến trang trại. Nó lớn nhanh quá và tôi lại không có kinh nghiệm để quản lý, nên mọi thứ trở nên quá tải. Tôi quyết định dừng lại tất cả", Vũ kể lại.
Nhưng cũng cùng một lý do như lúc bắt đầu, Vũ lại quay về vườn, tập trung vào việc trồng trọt, cung ứng cho các chuỗi cửa hàng thay vì mở rộng, ôm đồm quá nhiều hoạt động. Đến nay Măng Đen Xanh đã có đối tác là nhà máy thực phẩm, chuỗi cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Mỗi tháng trang trại cung cấp khoảng 10-12 tấn rau củ với khoảng 40-50 loại, từ cà chua, cà rốt cho đến bắp cải, bầu bí, rau rừng.... "Trang trại trồng xoay vòng, mùa nào thức ấy, chứ không độc canh một loại rau củ quả nào. Sản lượng không nhiều nhưng sản phẩm đa dạng, ngày nào cũng có thu hoạch đều đều cung cấp cho các chuỗi cửa hàng đối tác", Vũ chia sẻ thêm.
Những ngày cuối tháng 3-2023, Vũ đang tất bật đi tìm thêm địa điểm để mở rộng quy mô trang trại của Măng Đen Xanh với mục tiêu tăng sản lượng lên 20 tấn. Vừa duy trì cung ứng sản phẩm cho các chuỗi cửa hàng, nhà máy mà Măng Đen Xanh đang hợp tác, anh vừa bắt tay vào dự án Bếp trang trại với nhà hàng mang tên Sâm Măng Đen.
"Đây thực ra mới chỉ là một quán ăn địa phương với công suất khoảng 100-150 khách, phục vụ món sâm cùng các loại rau củ, thảo dược hữu cơ của trang trại.
Nhà hàng không nấu sẵn, chỉ phục vụ theo đơn đặt trước. Sâm Măng Đen sẽ vừa tăng thêm nguồn thu cho công ty, vừa là nơi quảng bá chất lượng các sản phẩm của trang trại", Vũ chia sẻ.
Theo VŨ THÚY/TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin