Những hành trình xuân đong đầy ý nghĩa

Cập nhật, 06:55, Thứ Ba, 24/01/2023 (GMT+7)
Tết về, Thanh Nguyên (giữa) được thỏa sức đam mê biểu diễn lân sư rồng lại trang bị thêm nhiều vốn sống.
Tết về, Thanh Nguyên (giữa) được thỏa sức đam mê biểu diễn lân sư rồng lại trang bị thêm nhiều vốn sống.

(VLO) Mùa xuân muôn hoa khoe sắc thắm, cỏ cây đâm chồi nảy lộc xanh biêng biếc. Mùa xuân là mùa của yêu thương, của ước mơ, niềm tin và hy vọng. Đây cũng chính là thời điểm khởi đầu cho các hành trình trải nghiệm bổ ích của bạn trẻ.

Góp hương xuân cho mảnh đời khốn khó

Khi không khí xuân tràn ngập khắp nẻo đường, chị Lê Thị Ánh Quyên (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm) lại bắt đầu hành trình mang yêu thương đến với người cao tuổi neo đơn, các hoàn cảnh khó khăn ở xã nhà.

Chị Ánh Quyên (bên trái) đến thăm hỏi, trao quà cho gia đình chú Nguyễn Văn Than.
Chị Ánh Quyên (bên trái) đến thăm hỏi, trao quà cho gia đình chú Nguyễn Văn Than.

Đến nhà trao quà tận tay cho mỗi hoàn cảnh, chị ân cần thăm hỏi sức khỏe và chúc bà con năm mới an vui, hạnh phúc. Những phần quà gồm gạo và các nhu yếu phẩm, tuy nhỏ nhưng là tất cả tấm chân tình mà chị gửi đến cho mọi người.

Chị cười tươi cho biết: “Quà này là do mình làm cầu nối, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ. Mỗi phần quà trao tay, thấy bà con vui làm mình cũng vui lây”.

Mùa xuân của những mảnh đời kém may mắn ở địa phương trở nên ấm áp hơn bởi những cuộc thăm hỏi, động viên của chị.

Trong căn nhà cũ kỹ, vợ chồng chú Nguyễn Văn Than (xã Hiếu Nghĩa) đang tách vỏ lụa hạt điều kiếm sống. Nhanh tay cho những hạt điều vào rổ, chú Than nói thất nghiệp từ khi dịch bệnh đến giờ, còn vợ chú thì bị nhiều căn bệnh nên cuộc sống gia đình chật vật lắm.

Cũng nhờ địa phương quan tâm, nhất là sự giúp đỡ kịp thời của chị Quyên mà gia đình chú mới vơi bớt được phần nào lo toan. “Nay nhận thêm được quà Tết như thế này, vợ chồng tui ấm lòng lắm”- chú Than nói.

Trong hành trình trao yêu thương, Thúy Duy càng thêm đồng cảm và tự nhủ bản thân tiếp tục góp chút công sức cho các hoàn cảnh khó khăn.
Trong hành trình trao yêu thương, Thúy Duy càng thêm đồng cảm và tự nhủ bản thân tiếp tục góp chút công sức cho các hoàn cảnh khó khăn.

Tết đến gần, các bạn trẻ lại bắt đầu những hành trình “trao yêu thương - nhận về hạnh phúc”. Xuân này, bạn Nguyễn Thị Thúy Duy (xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm) cũng đến nhà tặng quà cho hơn 40 người già neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt ở huyện nhà. Trước đó, bạn đã lên kế hoạch tìm hiểu các hoàn cảnh, vận động hỗ trợ rồi bắt đầu hành trình sẻ chia ý nghĩa…

Và trong chuyến đi ấy, dẫu phải qua phà, len lỏi từng con hẻm nhỏ hay băng qua những đoạn đường quanh co, Thúy Duy vẫn luôn nở nụ cười.

Bởi “mỗi chuyến đi ấy cho em rất nhiều niềm vui vì được mang hơi ấm tình thương, tiếp thêm nghị lực cho bà con mình vươn lên.

Đặc biệt, những hành trình tình nguyện mùa xuân như thế giúp em suy nghĩ chín chắn, thấu hiểu và đồng cảm hơn, qua đó thấy mình phải sống có ích thêm nữa” - Thúy Duy bộc bạch.

Chính nhờ sự hỗ trợ của Thúy Duy mà chú Nguyễn Văn Trình (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) có cái Tết ấm áp hơn. “Mỗi lần cháu Duy đến thăm đều tặng quà, chú mừng lắm. Tấm lòng của cháu Duy thật đáng quý nên chú xem Duy như con cháu trong nhà vậy” - chú Trình vui vẻ cho biết.

Tết thêm nhiều vốn sống

Tết đến, bạn Lâm Quốc Thọ - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long luôn đi làm thêm để phụ giúp gia đình trang trải chi phí học tập. Lúc thì chạy bàn cho quán ăn, phục vụ nhà hàng, khi thì làm nhân viên cho dịch vụ nấu tiệc…

Quốc Thọ cho biết: Quê em ở Sóc Trăng, hoàn cảnh gia đình khó khăn vì vậy mà sau khi kết thúc học kỳ là em đi làm thêm. Công việc không quá vất vả nhưng thu nhập lại cao hơn ngày thường. Mỗi ngày, em làm khoảng 6 - 7 tiếng, thu nhập khoảng 200.000đ.

“Thường thì 29 Tết em mới về quê. Dù biết sẽ rút ngắn thời gian ở bên gia đình nhưng bù lại đây là cơ hội để em có thêm chút đỉnh để dành đi học. Với lại, đi học xa nhà mà Tết về có tiền lì xì cha mẹ, có quà cho em gái thì còn gì bằng” - Quốc Thọ cười tươi, nói.

Tết đến, nhiều bạn trẻ năng động háo hức tìm cho mình công việc làm thêm để “có thêm chút đỉnh, vừa được cọ xát thực tế” hay chỉ là thêm vốn sống.

Yến Nhi đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm cho tương lai
Yến Nhi đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm cho tương lai

Những ngày qua, bạn Nguyễn Trần Yến Nhi - Trường ĐH Cửu Long đã và đang “chạy Tết” để chuẩn bị nền tảng tốt nhất cho tương lai. 5 giờ chiều sau khi tan học, Yến Nhi đến một cơ sở ngoại ngữ ở xã Phú Quới (Long Hồ) để làm trợ giảng.

Cô sinh viên năm ba cho hay, không đặt nặng vấn đề mưu sinh mà làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Bởi Yến Nhi định hướng sau này ra trường sẽ xin dạy môn Ngôn ngữ Anh. “Ngành của em phải đi thực tập nên em rất lo không biết có đủ tự tin để giao tiếp hay không.

Thế nên em quyết định đi làm thêm để thử sức mình. Mới đầu cũng run lắm, nhưng rồi quen dần và tự tin hơn. Giờ em đã dạn dĩ, còn kỹ năng truyền đạt cũng tiến bộ rõ rệt và bây giờ em có thể tự tin để bước vào kỳ thực tập tới...” - Yến Nhi tâm sự.

Với bạn Phạm Thanh Nguyên - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, những ngày xuân là khoảng thời gian đầy ắp tiếng cười và vô cùng đáng nhớ. Bởi, Thanh Nguyên lại cùng với các bạn trẻ trong đội lân sư rồng Hiền Anh Đường (TP Vĩnh Long) đi biểu diễn khắp đó đây.

Thanh Nguyên cho hay, múa lân sư rồng là môn nghệ thuật đặc biệt. Khi xuất hiện ở đâu, nó cũng mang đến sự rộn rã, niềm vui và nụ cười cho mọi người.

Và hơn 10 cái Tết, Thanh Nguyên đã cùng đoàn biểu diễn các tỉnh ĐBSCL và cả ở miền Đông Nam Bộ. Trong những chuyến biểu diễn ấy, không chỉ được thỏa sức đam mê với bộ môn nghệ thuật đặc biệt này, Thanh Nguyên còn có cơ hội mở rộng tầm nhìn và học rất nhiều những kinh nghiệm bổ ích.

Đó là sự đoàn kết của các thành viên hay được khám phá thêm nhiều vùng đất mới, con người mới, văn hóa mới…

Thanh Nguyên kể lại: Nhớ nhất là chuyến đi ở Bình Phước năm trước, nắng nóng oi bức, còn đường đi thì đồi dốc nên gặp khó trong việc di chuyển, biểu diễn.

Thế nhưng với quyết tâm, cả đoàn đã mang đến những tiết mục lân sư rồng mãn nhãn cho người xem. Người lớn thì vỗ tay, còn các em nhỏ thì tròn xoe mắt nhìn rồi reo hò… Thật là vui.

“Dù không có nhiều thời gian để đón Tết với người thân, bạn bè nhưng niềm vui lớn nhất của em là được góp thêm hương vị mùa xuân cho mọi người, được giữ lửa đam mê môn nghệ thuật dân gian và còn được trang bị thêm vốn sống cho bản thân”- Thanh Nguyên bộc bạch. 

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Các tin khác: