Những người yêu du lịch gọi Phan Vũ Minh là "người truyền cảm hứng" hay "phượt thủ đặc biệt nhất Việt Nam". Phan Vũ Minh đã chinh phục 30 tỉnh, thành khắp cả nước trên chiếc xe lăn, khiến mọi người cảm phục bởi tinh thần lạc quan, luôn hướng về phía trước với suy nghĩ "điều hối tiếc nhất chính là những điều mình không dám làm".
Những người yêu du lịch gọi Phan Vũ Minh là “phượt thủ đặc biệt nhất Việt Nam”. Ảnh nhân vật cung cấp |
(VLO) Những người yêu du lịch gọi Phan Vũ Minh là “người truyền cảm hứng” hay “phượt thủ đặc biệt nhất Việt Nam”. Phan Vũ Minh đã chinh phục 30 tỉnh, thành khắp cả nước trên chiếc xe lăn, khiến mọi người cảm phục bởi tinh thần lạc quan, luôn hướng về phía trước với suy nghĩ “điều hối tiếc nhất chính là những điều mình không dám làm”.
Mất đôi chân ở tuổi 20
Phan Vũ Minh sinh năm 1991 tại ấp Trung Tín, TT Vũng Liêm. Năm 12 tuổi, sau nhiều ngày đau lưng, đi lại khá khó khăn, Minh đi khám và được chẩn đoán mắc dị dạng mạch máu tủy sống. Đây là căn bệnh khá hiếm tại Việt Nam, bác sĩ cho biết tại thời điểm đó Minh là trường hợp thứ hai trên cả nước mắc bệnh.
Mọi hy vọng của Minh chính thức bị dập tắt vào năm 20 tuổi, khi anh không thể đi lại được nữa. “Trong một lần phẫu thuật, tủy sống bị phù lên, đặt dấu chấm hết cho đôi chân của tôi.
Bác sĩ nói bây giờ chỉ có chờ kỳ tích xảy ra vì chân mình thực sự đã không còn đi được nữa, không còn cơ hội nào để phục hồi”- Minh kể lại.
Trước khi chuyển về quê Vĩnh Long sinh sống, anh có thời gian dài sống và học tập tại TP Hồ Chí Minh.
Phải từ bỏ bao nhiêu ước mơ, hoài bão, Minh rơi vào buồn bã, chán chường, tự ti vô cùng và e ngại ánh nhìn của mọi người: “Hồi đầu mình ở nhà miết, mấy năm liền sống khép mình và không có nhu cầu giao tiếp với ai.
Khoảng năm 2015, tôi nhận ra có một thứ đáng sợ hơn bệnh tật đó là trạng thái sống như đã chết và đánh mất chính bản thân”.
Thế là anh tự nhủ phải cố gắng, tin vào chính mình: “Vượt qua chính mình trước đã rồi mới có thể làm được mọi thứ”. Cùng với lời động viên của gia đình và bạn bè, chàng trai gác lại những ngày tháng buồn bã, tập sử dụng xe lăn thuần thục, cố gắng tạo tâm thế thoải mái nhất kèm tập vật lý trị liệu để có thể tự lo sinh hoạt cá nhân.
Minh rèn luyện sức khỏe, thời gian rảnh dành để chăm sóc khu vườn nhỏ quanh nhà, trồng thêm kiểng lá để kinh doanh. Nguồn thu ổn định từ cây trầu bà Nam Mỹ, giúp Minh thu về hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Kinh phí này giúp anh tự lo cho bản thân và nghĩ đến sở thích mà bấy lâu chưa thể thực hiện… đó là những chuyến đi phượt.
Những chuyến đi “chữa lành”
Minh tự nhận mình là “kẻ liều lĩnh” bởi anh dám nghĩ và dám làm. Minh nhờ một người anh học cơ khí chế tạo chiếc xe 3 bánh từ xe lăn.
Chuyến đi phượt đầu tiên của Minh diễn ra vào năm 2017 đến Bạc Liêu để thăm một người bạn. Trước những chuyến đi, anh chuẩn bị sức khỏe, rồi lên lịch trình nơi cần đến, kiểm tra xe, mang theo quần áo và những thứ cần thiết.
Minh cùng người bạn đặc biệt là chiếc xe 3 bánh đã chinh phục nhiều vùng đất xa xôi.Ảnh nhân vật cung cấp |
Minh kể: “Đi trên quãng đường dài, tôi sợ thời tiết làm ảnh hưởng sức khỏe và đi xa thì xe bị hư. Ngồi lâu quá, sợ có thể tạo ra vết loét nhưng điều sợ nhất là buồn ngủ, vì đi đường dài, bạn có thể ngủ lúc nào mà không hay biết”…
Nhưng vượt qua tất cả nỗi sợ hãi, những khó khăn chẳng là gì so với niềm hạnh phúc được đặt chân đến những vùng đất mới. Cảm giác “thiệt là đã” khi thưởng thức những món ăn ngon và kết bạn bốn phương là chẳng có gì thay thế được.
Tuyệt vời thay, Minh cùng “người bạn đặc biệt” là chiếc xe 3 bánh đã chinh phục những vùng đất xa xôi của Tổ quốc: đảo Phú Quốc, An Giang, Đà Lạt, rồi Đà Nẵng, Huế…
Con đèo đầu tiên Minh vượt qua là đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng). Gian nan đến nỗi chỉ muốn xé toạc bàn tay, đau kinh khủng. Chạy một đoạn, Minh lại dừng, khiến hành trình bị đứt quãng.
Những lần sau, Minh lần lượt vượt đèo Hải Vân (Đà Nẵng), đèo Cả (Hà Tĩnh), đèo Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Con đường thử thách lớn nhất là đỉnh Langbiang (Lâm Đồng).
Chuyến đi dài nhất của anh là hành trình từ quê nhà Vĩnh Long chạy đi Tây Nguyên, qua miền Trung và điểm cuối là đến Huế và quay về.
Hành trình hơn 1 tháng, anh trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, vừa tò mò những thứ mình sẽ gặp, những món ăn, những người bạn, những tai nạn trên đường đi và cả nỗi nhớ nhà.
Những chuyến đi “chữa lành” giúp Minh thêm tự tin và thêm yêu quê hương. Ảnh nhân vật cung cấp |
Mỗi chuyến đi, anh gặp gỡ rất nhiều người bạn, những ông bà cụ tuy xa lạ nhưng lại coi anh như gia đình. Những chuyến đi như “chữa lành”, xoa dịu tất cả những điều phiền muộn đã xảy đến.
“Khi chạy xe, tôi không nghĩ mình là người khuyết tật. Tôi thấy mình vui và tự tin được là chính mình, luôn háo hức, háo hức và háo hức... Mọi người có hỏi vì sao lại tự đi xe chi cho cực thế mà không chọn xe khách hoặc máy bay. Đó là vì tôi không muốn phải lệ thuộc vào giờ giấc, hành trình của người khác. Chỉ có tự lái xe mới có quyền chủ động, muốn đến đâu thì đến”- Minh chia sẻ.
Những hình ảnh, những câu chuyện Minh chia sẻ trên mạng xã hội, anh mong muốn truyền tải niềm tin đến mọi người, nhất là những bạn có hoàn cảnh giống mình rằng: “Trước khi tôi có được ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua rất nhiều nỗi buồn và khó khăn.
Khi mình tin vào bản thân, muốn sống cuộc sống cho riêng mình thì cứ mạnh dạn làm bất kỳ điều gì dù cho thất bại đi nữa. Đó sẽ là một bài học, chứ sợ hãi mà không dám làm thì bạn sẽ hối hận vì những điều mình đã không làm hơn là những gì mình đã làm”.
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, Minh luôn dành thời gian cho gia đình và tận hưởng không khí xuân trên quê hương. Xuân mới lại mang theo ước vọng mới.
Dù không thể bước đi trên đôi chân nhưng điều kỳ tích cũng đã đến với một trái tim can đảm. Phan Vũ Minh dự định năm 2023 sẽ thực hiện một ấp ủ lớn đó là chuyến đi xuyên Việt để ngắm nhìn trọn vẹn dải đất hình chữ S này…
PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin