Đổi mới sáng tạo, hun đúc tinh thần lập nghiệp

Cập nhật, 19:22, Chủ Nhật, 06/03/2022 (GMT+7)

Những năm gần đây, nhiều hoạt động được triển khai nhằm hỗ trợ cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của tỉnh. Khuyến khích người trẻ mạnh dạn đổi mới trong cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hun đúc tinh thần lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Anh Văn Hữu Tài khởi nghiệp với mô hình Tảo xoắn Mê Kông mong mang kiến thức về làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Văn Hữu Tài khởi nghiệp với mô hình Tảo xoắn Mê Kông mong mang kiến thức về làm giàu trên mảnh đất quê hương.

ĐMST nâng tầm giá trị cho sản phẩm

Đến Vĩnh Long chia sẻ về ĐMST và khởi nghiệp, ThS. Huỳnh Kim Tước- Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ (KH- CN) TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chủ một cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nói chung khi bằng lòng với thành quả mình đang có mà không ĐMST thì khó mà đi xa hơn được. Phải hiểu đúng doanh nghiệp của mình đang đứng ở đâu, cần thay đổi gì, chịu áp lực cạnh tranh và liên tục cải tiến”.

Theo ThS. Huỳnh Kim Tước, ĐMST có thể được định nghĩa đơn giản là “ý tưởng, công cụ hay phương pháp mới”. ĐMST còn được xem là sự áp dụng những giải pháp tiên tiến hơn cho những yêu cầu mới và nhu cầu chưa được đáp ứng hoặc chưa được khai phá của thị trường. Điều này còn được đáp ứng thông qua những sản phẩm, quy trình, dịch vụ, công nghệ hoặc các mô hình kinh doanh hiệu quả hơn và đã sẵn sàng để áp dụng cho thị trường, Nhà nước hoặc xã hội.

Ông Nguyễn Văn Giới- Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết: ĐMST đã được xác định là động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhận thấy được vai trò quan trọng của khởi nghiệp ĐMST, Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ mạnh mẽ để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam.

Tại Vĩnh Long, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST còn sơ khai, chưa có nhiều hoạt động thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp hiện hữu cũng như tạo đà để tăng tốc cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Tạo điều kiện, ươm mầm ĐMST

Theo ông Nguyễn Văn Giới, trong kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, giai đoạn 2021- 2025, phấn đấu đến năm 2025 có 100% sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố được tập huấn nâng cao nhận thức về khởi nghiệp ĐMST. Hỗ trợ 10 dự án khởi nghiệp ĐMST.

Hỗ trợ phát triển 10 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Hỗ trợ thành lập 3 vườn ươm tại các trường ĐH, CĐ và tổ chức KH- CN. Thành lập Trung tâm ĐMST của tỉnh hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, kết nối nguồn lực trong hệ thống các trung tâm khởi nghiệp ĐMST và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước.

Thế hệ trẻ là người tiếp cận nhanh với thông tin, KH- CN, tư duy đổi mới. Hoạt động thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng KH- CN, ĐMST được chú trọng ở nhiều trường ĐH. Thầy Trần Thanh Tùng- Trường ĐH Cửu Long cho biết, sinh viên trường tham gia nhiều năm và đạt giải ở Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka.

Thời gian qua, khởi nghiệp ĐMST của trường có 2 dự án nổi bật: Đó là dự án về khởi nghiệp dịch vụ ăn uống phục vụ cho sinh viên, bước đầu đạt kết quả tốt (bảo đảm dinh dưỡng khẩu phần ăn và các loại nước uống), phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của sinh viên. Hai là khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên khoa nông nghiệp như: “Nấm vui, nấm khỏe”, dự án đạt được kết quả bước đầu, nhà trường đã đầu tư 68 triệu đồng cho nhóm sinh viên này tiếp tục nghiên cứu…

Hội thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa được tỉnh Vĩnh Long duy trì nhiều năm liền để ươm mầm sáng tạo, khuyến khích những đổi mới mang tính ứng dụng từ những người trẻ.

Thầy Trần Hoàng Túy- Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và kết nối cộng đồng chia sẻ, BTC cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng vừa qua đã đến trường THCS Mỹ An (Mang Thít) để triển khai chuyên đề về Giáo dục STEM trong trường học làm nền tảng cho cuộc thi và nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nội dung được nhấn mạnh là đưa giáo dục STEM vào lớp học như thế nào để tạo hứng thú cho học sinh học tập, sáng tạo ra sao hay nêu ý kiến riêng qua thảo luận nhóm.

Trong đó, việc phối hợp kiến thức về toán học, khoa học, kỹ thuật và về công nghệ thế nào để có thể tạo ra một dự án, một đề tài, một sản phẩm. Các thầy cô giáo còn được hướng dẫn cách tận dụng cái đã có về phương pháp giảng dạy để kết nối với cách dạy liên ngành, cách tổ chức cuộc trải nghiệm với các đề tài có tại địa phương để có thêm ý tưởng sáng tạo gắn với thực tiễn cuộc sống…

Những người trẻ tuổi là những nhà đổi mới, nhà sáng tạo và nhà doanh nghiệp của ngày mai. Họ có sự sáng tạo, khéo léo, những quan điểm mới mẻ, giàu năng lượng, trí tò mò và ý thức “có thể làm được”. Từ những chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thúc đẩy những người trẻ tuổi thay đổi và tạo ra những con đường đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ