Khi người trẻ làm giàu từ nét đẹp văn hóa quê hương

Cập nhật, 08:54, Thứ Năm, 03/02/2022 (GMT+7)

Tình yêu văn hóa truyền thống, yêu quê hương như dòng máu nóng thôi thúc những bạn trẻ ở Vĩnh Long bắt đầu khởi nghiệp. Sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những bạn trẻ không chỉ lan tỏa nguồn năng lượng tích cực mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp quê nhà.

Trình diễn gói bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long tại Lễ hội bánh dân gian Cà Mau.
Trình diễn gói bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long tại Lễ hội bánh dân gian Cà Mau.

Kim Ngọc Vạn Phát- Lưu giữ vị bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long

Yêu hương vị bánh tét quê nhà, yêu nghề truyền thống mấy mươi năm của mẹ, muốn lưu giữ hương vị ấy và mang đi xa hơn, nên chàng trai 25 tuổi Kim Ngọc Vạn Phát- sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh Trường ĐH Cần Thơ, đã về quê nhà tại Long Hồ- Vĩnh Long khởi nghiệp với… bánh tét. Với Phát, bánh tét không chỉ là món ăn chơi mà còn có ý nghĩa như món quà tặng mang dấu ấn miền Tây, mang đậm bản sắc dân tộc.

Nhận thấy hương vị và diện mạo của bánh tét cổ truyền cần thay đổi để đòn bánh đi xa hơn, nên Phát điều chỉnh vị bánh thanh hơn và “cách tân” làm đẹp cho bánh sao cho vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt. Ngoài những vị truyền thống, Phát mày mò làm ra đòn bánh tét ngũ sắc với màu hoàn toàn từ thiên nhiên, nổi bật với sắc tím, xanh, đỏ, cam, vàng. Theo Phát, nguyên liệu từ thiên nhiên không chỉ tạo ra mùi thơm đặc trưng, bắt mắt mà còn rất an toàn cho sức khỏe. “Người tiêu dùng không chỉ ăn bằng vị mà còn ăn bằng mắt nên phải làm sao có nét riêng, khiến cho khách hàng cắt bánh ra nhìn thôi là muốn ăn ngay và nhớ hoài vị lẫn sắc”- Phát chia sẻ.

Kim Ngọc Vạn Phát giữ nghề bánh tét của gia đình.
Kim Ngọc Vạn Phát giữ nghề bánh tét của gia đình.

Nhiều lần mang bánh tét đến các hội chợ thương mại, hội bánh dân gian, Phát học hỏi thêm những kinh nghiệm, chia sẻ từ những nghệ nhân làm bánh. Chàng trai Khmer cũng tích cực ghi nhận ý kiến của khách hàng, cập nhật thị hiếu người tiêu dùng trên Internet. Không chỉ vậy, Phát còn đang nghiên cứu cách bảo quản bánh được lâu hơn, với mong muốn: “Bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long không chỉ góp mặt tại thị trường Việt Nam mà còn bước sang các nước lân cận”.

Hồ Phương Thảo- Giới thiệu văn hóa Việt Nam qua… game

Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, nhưng sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Tài chính- Marketing, Hồ Phương Thảo quyết định ở lại TP Hồ Chí Minh để lập nghiệp. 7 năm trước, dù đang làm ở một công ty lớn với thu nhập ổn định 15 triệu đồng/tháng nhưng cô gái này vẫn quyết định từ bỏ để theo đuổi đam mê khởi nghiệp.

Hồ Phương Thảo sáng tạo game, tarot, artbook lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hồ Phương Thảo sáng tạo game, tarot, artbook lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thảo là người khởi đầu trào lưu board game (dạng trò chơi tương tác trực tiếp giữa hai hay nhiều người với nhau, sử dụng xúc xắc, quân cờ, thẻ bài…) tại TP Hồ Chí Minh và lan tỏa khắp cả nước. Với ý tưởng tạo ra cộng đồng giao lưu, kết bạn và sản xuất, phân phối những board game do chính người Việt tạo ra, dự án của Thảo đã đoạt giải nhì cuộc thi “Khởi nghiệp thành công cùng Intel năm 2015” và lọt vào bán kết cuộc thi “Startup Wheel 2016”. Qua thời gian đầu đầy khó khăn, công ty của Thảo đã có doanh thu khoảng 500 triệu đồng/tháng. Đến nay, gần 80.000 bộ board game có mặt ở 100 đại lý trên khắp cả nước.

Thảo còn là tác giả của game Sử hộ vương- Trò chơi thẻ bài, lấy cảm hứng từ những sự kiện, nhân vật lịch sử và huyền sử Việt Nam. Thảo cũng là đồng tác giả của Tarot Kiều- bộ bài tarot đầu tiên có nội dung của tác phẩm văn học Việt Nam. Sản phẩm kết hợp giữa văn hóa dân gian phương Tây và văn hóa Việt Nam của Thảo được nhiều quốc gia đón nhận như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Ba Lan... Dự án gần nhất mà Thảo vừa giới thiệu vào ngày Giỗ Tổ sân khấu 2021 là artbook song ngữ Việt- Anh: “Gánh hát lưu diễn muôn phương” với 30 nghệ thuật diễn xướng và 6 lễ hội dân gian bằng tranh minh họa màu đẹp mắt.

Trong hành trình tìm về nguồn cội thông qua việc tạo nên những tác phẩm văn hóa, giải trí cho giới trẻ như game, tarot, artbook, Thảo luôn tin rằng “còn trẻ thì đừng ngại dấn thân và trải nghiệm điều mới”. Cô gái Vĩnh Long nỗ lực để người trẻ ngày thêm hiểu và trân trọng nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.

Nguyễn Minh Tuấn- Lan tỏa nét đẹp quê nhà

Rời TP Hồ Chí Minh hoa lệ, trở về quê sau biến cố, anh Nguyễn Minh Tuấn (xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm) trở thành “nông dân nghiệp dư”. Lấy cảm hứng từ “game nông trại”, anh Tuấn xây dựng khu vườn từ nền đất cạnh nhà chỉ 200m2.

Cảnh quê êm đềm hiện ra với vườn rau, ao cá, chuồng gà… Không bon chen, ồn ào, một ngày ở quê của anh Tuấn bắt đầu yên ả. Hừng sáng, khoác vội chiếc áo, đội nón lá, anh Tuấn ra vườn nhặt những chiếc lá úa, bắt sâu rồi cắt mớ rau còn ướt sương mang vào nhà chuẩn bị bữa cơm. Ở khoảng sân ngập nắng, bên bếp lửa bập bùng có những món ăn chan chứa yêu thương của một người mẹ quê như: canh chua, cá nướng, ếch xào lá cách,…

Anh Nguyễn Minh Tuấn chăm chút cho vườn nhà.
Anh Nguyễn Minh Tuấn chăm chút cho vườn nhà.

Qua bàn tay của mẹ, những món ăn quê đạm bạc dân dã mà thơm ngon bội phần. Hai mẹ con vừa ăn những món ngon miền Tây vừa rôm rả chuyện trò. Có hôm, cả xóm quây quần chuẩn bị cho ngày giỗ ông bà… Tất cả hình ảnh gần gũi, thân thương, quen thuộc ấy được anh Tuấn quay video và đăng tải trên kênh Youtube “Cuộc sống miệt vườn”.

Với hơn 70.000 người theo dõi kênh, anh Tuấn vui vẻ chia sẻ: “Số view trên mỗi clip tuy không cao lắm nhưng luôn có một lượng khán giả nhất định. Những thước phim được yêu thích đôi khi không phải những gì độc, lạ mà nó tìm được sự đồng cảm và chạm vào hoài niệm từ tất cả mọi người. Xã hội càng phát triển thì mọi người lại muốn tìm về những gì xưa cũ”.

“Nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả là những người con xa quê, những người chưa từng đến miền Tây, tôi thấy rất vui và có thêm động lực. Từ đó tôi mong muốn mang những nét đẹp của văn hóa dân tộc, cảnh quê hương mộc mạc, bình yên đến cộng đồng cũng như bạn bè quốc tế, để mọi người cùng biết quê hương Việt Nam đẹp lắm, người miền Tây gần gũi, thân thương lắm!”- anh Tuấn tâm tình.l

PHƯƠNG THẢO