Bảo vệ con trong "thời đại số"

08:08, 03/08/2021

Trẻ em hiện nay không quá khó để tiếp cận với các thiết bị công nghệ. Bên cạnh những mặt tích cực thì những hệ quả từ thiết bị này mang lại cũng khôn lường khi phụ huynh lơ là việc đồng hành cùng con vào thời đại số.

 

Nên đồng hành cùng con vào thời đại số để trẻ phát triển toàn diện. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát).
Nên đồng hành cùng con vào thời đại số để trẻ phát triển toàn diện. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát).

Trẻ em hiện nay không quá khó để tiếp cận với các thiết bị công nghệ. Bên cạnh những mặt tích cực thì những hệ quả từ thiết bị này mang lại cũng khôn lường khi phụ huynh lơ là việc đồng hành cùng con vào thời đại số.

Phập phồng nỗi lo con yêu sớm

Ngày nay, các ứng dụng (app) kết bạn, làm quen, tìm người yêu qua Internet khá phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới. Công nghệ hẹn hò thời 4.0 có sức hút rất lớn với các bạn trẻ tuổi teen, những người đang có những rung động đầu đời. Thay vì xuất phát bằng những lá thư tay, rồi đến những chuyên mục kết bạn bốn phương qua radio và gần đây là các chương trình kết bạn qua sóng truyền hình... Giờ đây chỉ với chiếc điện thoại thông minh, các bạn trẻ có thể dễ dàng hẹn hò, quen biết người ở cách xa đến… nửa vòng trái đất.

Anh Nguyễn D.K.- xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình) bất ngờ khi cô con gái chưa tròn 16 tuổi để lại “tâm thư” và bỏ nhà đi. Con gái anh T. mới là học sinh lớp 10 thì bỏ học làm vợ chồng anh rất bất ngờ. Vợ anh khóc mấy ngày liền đến khi biết được chính xác tung tích của con. Thông qua những người bạn thân của con gái, anh K. mới biết T. và bạn trai đang “cùng xây dựng tương lai” ở Bình Dương. Anh phải tìm mọi cách liên lạc để biết địa chỉ của con gái. Chưa kịp lên tìm thì con gái anh đã quay về vì “tình yêu đã hết”. T. tự về nhà và bỏ ngang việc học, dù anh chị khuyên thế nào cũng không đi học lại.

Anh K. và vợ là nông dân và buôn bán nhỏ, “thời gian coi ti vi còn không được là bao”, anh chị không biết mạng xã hội là gì. Bao nhiêu tiền làm ra dành để nuôi các con đi học, trang bị cho con đầy đủ những mong con học tốt. Anh K. nói: “Hồi cấp 2, con tui là học sinh giỏi. Lên cấp 3, ngày nào cũng đi học sáng, học chiều rồi xin tiền học thêm, tiền mua điện thoại,… tui vẫn cố gắng cho con”.

Từ khi có điện thoại chụp hình đẹp, con gái anh K. thường xuyên lên mạng và hẹn hò làm quen bạn trai mà anh K. không hề hay biết. T. cũng “chặn kết bạn” với tất cả người thân nên cả nhà không biết em sống trên mạng thế nào. Đến một ngày, thầy chủ nhiệm của con gọi điện cho anh K. để thông báo tình hình, mới học kỳ 1 mà T. đã có 3 bạn trai, anh K. mới té ngửa, rầy la con. Kết quả là T. bỏ nhà đi sau khi anh K. nhắc nhở.

Qua sự việc, anh K. tâm sự: “Trước hết, phụ huynh phải biết chuyện hẹn hò, làm quen qua điện thoại, qua ứng dụng hẹn hò bây giờ là chuyện rất bình thường của giới trẻ. Quan trọng hơn là phụ huynh nên thường xuyên nói chuyện, tâm sự với con để con hiểu điều gì tốt cho mình và có chính kiến. Không thể nặng lời mà phải nhẹ nhàng giải thích cho con: Con nghĩ tình cảm của mình có thể đi xa không? Nếu đi xa sẽ cần đánh đổi những gì? Chỉ mới biết người ta qua mạng, nếu con bị “lừa tiền” và “lừa tình” thì con sẽ làm sao?”

Cùng con tránh những thói quen xấu

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là trẻ em dậy thì sớm và có quá nhiều thứ trên mạng để các em xem mà cha mẹ rất khó quản lý. Nhiều video của các youtuber với nội dung khiếm nhã, lời lẽ văng tục lại có hàng chục ngàn, trăm ngàn thậm chí hàng triệu lượt xem. Chị Nguyễn T.T. ở xã Tường Lộc (Tam Bình) bất ngờ khi con “chửi thề mướt rượt”, trong khi bé mới 10 tuổi và chỉ toàn ở nhà.

Sau khi để ý, chị T. mới biết, con trai thường xem video trên youtube của một game thủ. Chưa kể vấn đề nghiện game, youtuber này khi chơi thì nói nhiều từ ngữ mạng, văng tục, chửi thề,… Chị T. cho biết: “Giờ tôi giới hạn giờ chơi game hàng ngày và không cho xem những clip đó nữa. Khi con xem gì, nghe gì cũng phải quan tâm mới được”.

Còn rất nhiều những youtuber vì câu view nên làm clip nguy hiểm, trong khi trẻ em là đối tượng rất dễ học theo. Youtuber Thơ Nguyễn với những video “Cho đá khô vào chai nước kín”, “thử nghiệm đun lon nước ngọt” để theo dõi hiện tượng phát nổ,...

Mặc dù Thơ Nguyễn liên tục cảnh báo đến các bạn nhỏ “trò này khá nguy hiểm nên các em đừng tự thực hiện lại nhé”, tuy nhiên nhiều phụ huynh rất bức xúc và cho rằng đây chỉ là chiêu trò để duy trì những video dạng câu view. Bởi lứa tuổi thiếu nhi vẫn chưa đủ khả năng để phân biệt tính chất nguy hiểm của sự việc.

Phụ huynh là người có trách nhiệm lớn nhất theo dõi, chia sẻ với con việc sử dụng điện thoại, dùng mạng xã hội.
Phụ huynh là người có trách nhiệm lớn nhất theo dõi, chia sẻ với con việc sử dụng điện thoại, dùng mạng xã hội.

Chị Đ.T.T.H. (TP Vĩnh Long) thì chia sẻ: “Công nghệ giúp cải thiện cuộc sống nếu biết tận dụng đúng cách nhưng nó sẽ là cái bẫy nếu phụ thuộc. Các em và cháu luôn “bận rộn” với điện thoại, thức khuya đến mắt thâm quầng, ngủ thì hết buổi sáng không tập trung sâu cho việc học, không thể tập trung làm gì cho tốt, đến mức giặt đồ quên xà bông, nấu canh cũng quên để muối...”

Trong thời đại số, nhất là ở thời điểm dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, các con ở nhà nhiều hơn, phụ huynh là người có trách nhiệm lớn nhất sát cánh chỉ dạy, chia sẻ cùng con ngay ở việc sử dụng điện thoại, dùng mạng xã hội.

Bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội

Do trẻ không biết cách sàng lọc thông tin sẽ tiếp thu thông tin một cách sai lệch, bị động dẫn đến phát triển sai lệch về nhân cách, về ứng xử. Do vậy việc giám sát của phụ huynh sẽ giúp hạn chế những nội dung, thông tin xấu làm ảnh hưởng đến con trẻ. Phải giúp con khai thác tốt, ứng dụng những lợi ích của các thiết bị công nghệ số.

Bài, ảnh: PHÚC- THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh