Ngôi trường "nói không với rác thải nhựa"

07:10, 09/10/2019

Sau hơn 1 năm hoạt động, CLB Zero Waste- "Trường học không rác thải nhựa" của Đoàn Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) đã hình thành được ý thức trong toàn trường về "nói không với hộp xốp" và đề ra một "cuộc chiến" mới trong năm học 2019- 2020, "cuộc chiến" với ly nhựa!

 

 

Từ việc phân loại và cân ký rác thải gắn với chấm điểm thi đua, rác nhựa giảm đáng kể.
Từ việc phân loại và cân ký rác thải gắn với chấm điểm thi đua, rác nhựa giảm đáng kể.

Sau hơn 1 năm hoạt động, CLB Zero Waste- “Trường học không rác thải nhựa” của Đoàn Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) đã hình thành được ý thức trong toàn trường về “nói không với hộp xốp” và đề ra một “cuộc chiến” mới trong năm học 2019- 2020, “cuộc chiến” với ly nhựa!

Hành trình thay đổi ý thức

Tháng 8/2018, CLB Zero Waste- “Trường học không rác thải nhựa” được thành lập và đi vào hoạt động. Ban đầu, CLB chỉ có 10 thành viên là các bạn học sinh từ lớp 10- 12, do cô Mai Ánh Tuyết- Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, giáo viên Tổ Sinh học- làm chủ nhiệm.

Đều đặn 11 giờ 30 hàng ngày, một nhóm học sinh không vội vã ra về sau giờ tan học mà các em vào “ca trực” phân loại rác. Mỗi người một tay, tất cả đều linh hoạt, gọn gàng. Người thì phân loại rác, người thì cân, người ghi chép lại.

Chưa đến 30 phút, các em đã hoàn thành việc phân loại rác thải vào từng thùng. Dãy thùng rác xếp ngay ngắn với 3 màu khác nhau. Thùng rác màu vàng là rác tái chế, thùng màu cam là rác thải và thùng xanh chứa rác hữu cơ.

Cô Mai Ánh Tuyết- chủ nhiệm CLB- cho biết xuất phát từ nghiên cứu của học sinh Nguyễn Bá Vinh (một trong những học sinh xuất sắc tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia) về “nhận thức và hành vi của học sinh THPT”.

CLB không chỉ tuyên truyền về tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần, rác thải nhựa ra môi trường,… mà còn có những hình thức như kiểm tra, thống kê và trừ điểm thi đua những lớp có lượng rác thải nhựa nhiều.

Theo cô, ban đầu hoạt động của nhóm hiệu quả chưa cao vì “nói không với hộp xốp thì các em sử dụng bọc ny lông hay các sản phẩm thay thế một lần khác”. Khó khăn hơn nữa khi cô trò tập phân loại rác nhưng rồi “xe thu gom rác lại dồn chung hết cho lên xe. Học sinh nản, không ai trân trọng việc làm của mình”.

Cô Mai Ánh Tuyết kể: “Chúng tôi động viên các em và nghĩ ra hướng đi mới với những sản phẩm nhựa là bán ve chai làm kế hoạch nhỏ, đối với những ly nhựa không được mua lại chúng tôi trồng những cây kiểng mi ni bán hội chợ xuân của trường để gây quỹ”.

Rồi cái khó ló cái khôn, học sinh phân loại rác hữu cơ để xe rác mang đi, các loại như chai, lọ, giấy... thì mang bán ve chai, ly mì ăn liền không thể bán được thì dùng trồng rau, hoa để bán khi đến hội chợ xuân, cắm trại... góp vào gây quỹ trang trải cho các hoạt động của CLB.

Ly nhựa được sử dụng trồng cây xanh, bán gây quỹ; rác hữu cơ thì ủ phân; 100 chậu cây nhỏ, mỗi chậu giá 5.000- 10.000đ. “Sở dĩ CLB đề ra kế hoạch theo từng năm vì thay đổi thói quen của một người rất khó, phải từ từ! Đến nay, rất mừng vì trường học dường như không còn rác thải nhựa”- cô Mai Ánh Tuyết nói.

Em Nguyễn Thị Xuân Mai- học lớp 11A3- tham gia CLB từ những ngày đầu. Xuân Mai cho biết, thời gian đầu khi không sử dụng những vật tiện dụng như hộp xốp, ly nhựa… các bạn rất lúng túng. Dần dà chúng được thay bằng ly và ống hút inox đựng trong túi vải, hộp xốp đựng thức ăn thay bằng cà mên mang từ nhà.

“Bữa nào ra đường mà quên đem theo bình nước inox, dù thèm trà sữa thì tụi em cũng… nhịn, vì không muốn dùng ly nhựa”- Mai vui vẻ kể. Thay đổi thói quen đột ngột thì khó nhưng tập dần thì rất dễ dàng, đặc biệt là các em học sinh lớp 10 mới vào trường, khi được tuyên truyền vận động thì thực hiện rất tốt.

Xuân Mai nói: “Chỉ cần thấy thùng rác của một lớp nào đó có hộp xốp thì tụi em sẽ tra cho tới cùng xem hộp đó của ai mang vào và ghi chú cẩn thận để trừ điểm thi đua của lớp đó. Có thưởng, có phạt nên đây không chỉ là phong trào mà các bạn có động lực chấp hành rất nghiêm túc”.

Mọi nỗ lực của CLB sẽ không thành nếu thiếu sự đồng tình từ Ban giám hiệu nhà trường, “bật đèn xanh” để toàn trường vào cuộc. Thầy Hiệu phó Nguyễn Thế Chiến (Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng) cho biết: “Nhà trường luôn động viên khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo ý thức cho học sinh của CLB. Những cuộc họp trong trường cũng không sử dụng chai nhựa mà thay vào đó là ly thủy tinh”.

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

Theo em Lê Minh Phú (lớp 11A3), các bạn đã tập thói quen phân loại rác ngay trên lớp, sau mỗi buổi học, các bạn sẽ tập kết rác xuống kiểm tra lại trọng lượng và phân loại lại một lần nữa. Công việc mỗi ngày trở thành thói quen không chỉ ở trường mà dần dần được lan tỏa đến các thành viên trong gia đình và bạn bè.

“Qua những việc đã làm, chúng em mong các bạn học sinh trong trường và cả người thân của mình hình thành, lan tỏa thói quen giảm sử dụng rác thải nhựa và biết phân loại chúng, góp phần làm cho môi trường trở nên xanh, sạch, đẹp”- Phú chia sẻ.

Chị Phương- phụ huynh học sinh lớp 12D- kể về hành trình mình được con thay đổi “nói không” với việc sử dụng túi ny lông hay các sản phẩm nhựa một lần lúc nào mà không hay biết. Chị và con gái đã bỏ thói quen uống trà sữa “vừa không có lợi cho sức khỏe vừa có rác thải ống hút, ly nhựa”.

Rồi chị khoe trong cốp xe chị cũng có chai nước nhựa cứng cáp để sử dụng được nhiều lần. Thấy việc con làm có ý nghĩa, bảo vệ môi trường lại tốt cho sức khỏe nên mình cũng làm theo. “Lỡ tay sử dụng nhựa một lần, tôi lại cảm thấy như mình đang có lỗi vậy”- chị Phương nói.

Thấy con có ý thức, mình cũng ý thức theo con, giờ đây con chị Phương không chỉ “mắc cỡ” khi cầm bọc ny lông, chai nhựa vào trường mà ngay cả những “khi đi siêu thị con gái cũng không chịu lấy túi ny lông mà dùng túi vải, mua hộp để đựng thức ăn mang đến trường”. Chị Phương tự hào: “Vui nhất là tôi thấy nhiều học sinh các trường xung quanh cũng đã làm theo”.

Thói quen sử dụng đồ nhựa không thể thay đổi ngày một ngày hai. Bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất và phải kiên trì vận động, thuyết phục từ nhà trường đến gia đình. Thông qua những việc làm thiết thực, khi nhận thấy được tác hại của rác thải nhựa, phong trào không dừng lại ở khẩu hiệu mà sẽ cụ thể thành hành động ở từng lớp học và tạo thành thói quen theo các em về nhà.

Nhen nhóm từ hành động của tuổi trẻ, hy vọng một ngày không xa, từ trường học không rác thải nhựa, đến gia đình không rác thải nhựa và cả cộng đồng giảm thiểu rác thải nhựa một lần!

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh