Khi bạn trẻ... xài "giờ dây thun"

Cập nhật, 13:53, Thứ Sáu, 20/09/2019 (GMT+7)

Ai cũng hiểu, ai cũng biết và không ai thích chờ đợi người khác hết, thế nhưng thực tế vẫn có không ít bạn trẻ vẫn cứ xài “giờ dây thun”. Trong các cuộc hẹn bạn bè, họp lớp hay tham gia hoạt động tập thể, các bạn trẻ cứ thản nhiên đến trễ. Nghe có vẻ vô lý nhưng sử dụng “giờ dây thun” dần trở thành căn bệnh của một bộ phận người trẻ hiện nay.

Bạn trẻ không nên sử dụng “giờ dây thun” dù là họp hội, đi chơi, lao động.
Bạn trẻ không nên sử dụng “giờ dây thun” dù là họp hội, đi chơi, lao động.

Những teen họ “rề”

Nói về cậu bạn T.Q. học cùng lớp, bạn Bảo Ngân (học sinh lớp 12, ở Phường 9- TP Vĩnh Long) bảo: “Người nổi tiếng là chúa trễ hẹn của lớp mình đó”.

Hầu như giờ giấc với T.Q. không bao giờ chính xác được. Hẹn đi học nhóm, đi chơi hay họp chi đoàn chưa khi nào T.Q. đến đúng giờ.

Như mới đây hẹn 3 giờ đi thăm cô chủ nhiệm, phải nửa tiếng sau mới thấy cậu bạn lò dò đến. Trong khi bạn bè ai cũng sẵn sàng xuất phát thì T.Q. lại bắt cả lớp phải chờ mình. Thế nên, về sau bạn bè đành xài chiêu hẹn sớm hơn một tiếng để khắc phục tình trạng trên.

Hỏi ra thì anh chàng cho rằng: “Đến sớm cũng chẳng làm được gì. Người này đợi người kia đến dài cổ. Thà để người ta chờ mình chứ không nên để mình chờ người ta”. Nghe anh chàng nói, ai cũng phải lắc đầu.

Còn K.N. (học sinh lớp 12, ở Trường An- TP Vĩnh Long) thì lý do xài giờ dây thun chỉ vì mải miết trau chuốt cho dung nhan của mình. Cô bạn cho biết “Trước khi muốn ra đường, mình còn trải qua bao nhiêu là công đoạn. Nào là kẹp tóc, xịt nước hoa, thoa kem chống nắng…

Riêng khâu trang điểm đã gần nửa tiếng rồi”. Chuẩn bị lâu đã đành, K.N. còn có tật đợi nước đến chân mới nhảy nên khi sát giờ hẹn, K.N. mới vội vã chuẩn bị. Thành ra lúc nào cô nàng cũng đến trễ gần một tiếng đồng hồ. Bạn bè than phiền thì cô nàng õng ẹo “chẳng lẽ không trang bị gì mà đi ra ngoài đường à”.

Vì bận này, bận nọ đã đành, một số bạn trẻ còn cố tình đến trễ để được trở thành nhân vật quan trọng hay chứng tỏ sự bận rộn của mình.

Có bạn chỉ vì muốn khoe chiếc áo mới mà “tình nguyện” đến trễ để được bạn bè chú ý. Có bạn thì muốn đến trễ để tỏ ra ta đây bận trăm công nghìn việc, để bạn bè thấy việc mình đến tham dự cuộc hẹn đó là rất vinh dự.

Cô nàng H.M. (sinh viên ngành kế toán) thì lại cố tình đến trễ vào những buổi họp nhóm hay phân công lao động để khỏi phải làm. Lấy lý do gia đình có việc hoặc xe hư, hết xăng… H.M. đã luồn lách để khỏi phải được giao việc hay làm gì.

Cô nàng thà mang danh “chúa đi trễ” chứ không thèm đến đúng giờ. Bởi theo cô nàng thì “bản thân không thích lao động chân tay”.

Tất nhiên sau vài lần thành công, biết ý cô nàng, các bạn trong lớp bàn nhau để dành sẵn công việc cho H.M. hẳn hoi khiến cô bạn không thể chối bỏ mà phải vào sớm để thực hiện.

Quả thật, xài “giờ dây thun” dường như trở thành thói quen của không ít bạn trẻ. Hội họp, liên hoan, văn nghệ, đi du lịch, picnic… cũng đều có người đến muộn so với giờ mời, giờ hẹn.

Không chỉ “con sâu làm rầu nồi canh” mà thậm chí còn có không ít hoạt động xã hội cũng sử dụng “giờ dây thun”.

 Còn nhớ cách đây không lâu một đơn vị của Đoàn về xã tặng quà cho người nghèo, giấy mời bà con là 8 giờ nhưng mãi đến hơn 9 giờ mới bắt đầu buổi lễ. Lý do bị trễ là vì… đường xa. Hay lần khác, giấy mời người dân đến nhận quà là 14 giờ nhưng mãi đến 15 giờ đoàn tình nguyện mới có mặt.

Sự chậm trễ của các bạn có khi do những vấn đề khách quan, nhưng có nhiều trường hợp do thói quen “giờ dây thun” vì nghĩ rằng “đi trễ chút cũng không sao”. Cũng chính vì thế mà ý nghĩa tình nguyện giảm đi rất nhiều.

Hãy tập thói quen đúng giờ

“Giờ dây thun” sẽ làm giảm đi ý nghĩa của các hoạt động xã hội. Ảnh minh họa
“Giờ dây thun” sẽ làm giảm đi ý nghĩa của các hoạt động xã hội. Ảnh minh họa

Khi trễ hẹn, nhiều bạn trẻ chỉ cảm thấy “ừ, thì mình có lỗi” mà đâu hiểu cảm giác của người chờ rất nôn nóng và khó chịu.

Thế nhưng, các bạn hãy thử đặt mình vào vị trí người khác, khi bị nhiều lần cho “leo cây” và chờ đợi nhiều tiếng trong nhiều lần, thì mình có còn muốn hẹn người như vậy nữa không?

Theo bạn Quỳnh Như (sinh viên năm nhất ngành chế biến thủy sản) thì: “Dù là vô tình hay cố ý thì đây cũng là một thói quen xấu, khiến nhiều người khó chịu”.

“Nếu bạn trẻ cứ mãi “giờ dây thun” thì sớm muộn gì cũng sẽ bị mọi người “tẩy chay” thôi”- Quỳnh Như nói quả quyết.

Trong cuộc sống, nếu một ai đó mà tác phong công việc chậm chạp, luôn trễ nải thì sẽ dễ bị mất điểm trong mắt người khác, thậm chí không ai muốn làm việc chung.

Đừng cho rằng bạn chỉ trễ hẹn khi đi chơi, gặp mặt bạn bè thì… hổng sao. Bởi nhiều lần “lân la” với việc trễ nải nó sẽ thành thói quen khó sửa. Mà lúc đó, người thiệt thòi nhất không ai khác chính là bản thân mình.

“Chính vì thế, một khi đã nhận được lời mời hay hẹn với ai, hãy sắp xếp công việc để đến đúng giờ”- bạn Thùy Linh (nhân viên văn phòng) cho biết.

Và theo Thùy Linh, để làm được điều này, mỗi người phải học cách quản lý lịch làm việc, sinh hoạt; đồng thời luôn cố gắng vượt qua những khó khăn của bản thân.

Tạo lập và duy trì việc đúng giờ để nó trở thành một thói quen, phong cách sống. Đó cũng là điều cần có ở một người trẻ hiện đại.

Thầy giáo trẻ Dương Minh Tâm (TP Vĩnh Long) cho biết: Việc đúng hẹn là tôn trọng chính bản thân mình, tôn trọng cả những người đang chờ mình nữa.

Để thực hiện được điều này không khó, chỉ cần các bạn biết cách xác lập và quản lý thời gian cho chính mình.

Hãy tuân thủ và thực hiện theo đúng những điều mình xác lập, trừ một số trường hợp không thể thực hiện thì hãy nhẹ nhàng thông báo cho người khác biết về điều đó trước giờ hẹn.

Hãy tập dần thói quen này và biến nó trở thành tính cách của mình, khi đó các bạn mới thực sự làm chủ được công việc, cuộc sống của bạn, đồng thời điều tiết được các mối quan hệ xung quanh.

Có lẽ ai cũng thấy được việc xài “giờ dây thun” là thói quen xấu. Vậy tại sao chúng ta không là người tiên phong từ bỏ thói quen xấu ấy?

Trong xã hội hiện đại, khi mà mọi thứ phát triển nhanh như tên lửa, nếu chúng ta luôn lề mề, chậm trễ thì sẽ chẳng thể đi đến đâu và làm được gì?

Hơn nữa, việc đúng hẹn là một tiêu chí để đánh giá người có văn hóa, biết tôn trọng người khác. Hãy đặt mình vào vị trí của người đang chờ đợi để ứng xử cho phù hợp bạn nhé!

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY