Tuổi trẻ và sống tự lập

05:12, 11/12/2015

Tự lập là yếu tố rất cần thiết ở các bạn trẻ mà không phải ai cũng có được. Bạn muốn rèn tính tự lập phải bắt đầu từ ý thức bản thân, gia đình và môi trường sống. Hãy vượt qua ranh giới trẻ con để thực sự trưởng thành!

Tự lập là yếu tố rất cần thiết ở các bạn trẻ mà không phải ai cũng có được. Bạn muốn rèn tính tự lập phải bắt đầu từ ý thức bản thân, gia đình và môi trường sống. Hãy vượt qua ranh giới trẻ con để thực sự trưởng thành!

Mùa hè xanh- nơi rèn luyện kỹ năng sống, tính tự lập cho sinh viên.
Mùa hè xanh- nơi rèn luyện kỹ năng sống, tính tự lập cho sinh viên.

Sống trong “màng phủ”

Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn hay khá giả thì nhiều bạn trẻ vẫn được chở che kỹ lưỡng trong tấm “màng phủ” gia đình. Có bạn đã học hết lớp 12 vẫn chưa thể tự chăm sóc bản thân, chưa tự nấu tô mì cho mình.

Bạn Nguyễn Thị Cẩm Nhung (Tam Bình) nói về mình những năm trước đây: “Trước đây tôi chưa phải mó tay vào bất cứ việc gì”. Mọi việc đã có bà nội và mẹ lo liệu, từ cái cỏn con như lặt rau, bạn cũng không tham gia. Nhung lại là con gái một, học giỏi càng được cha mẹ yêu chiều “không cho động móng tay”.

Rồi Nhung cũng vào ĐH, những ngày tháng đầu tiên xa nhà, mẹ Nhung không thể đi theo, phục vụ con gái nên mỗi tuần đều làm sẵn thức ăn cho con “hâm lại ăn dần”. Nhung cười: “Ban đầu, mỗi tuần tôi đem đồ dơ về nhà giặt nhưng dần dần thấy để đồ dơ cả tuần không ổn đành phải tự giặt tay. Nhớ lại những việc làm đầu tiên đó, tôi thật mắc cỡ với bạn bè trong nhà trọ”.

Có những người bà, người mẹ sẵn sàng rời quê, rời công việc vốn có hàng ngày để theo con cháu đi vào ĐH. Cô Nguyễn Thị Duyên (Long Hồ), đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú thì nghỉ làm đi theo con gái vào ĐH!

Cô ở cùng với con, ngày đi làm phụ quán một buổi còn một buổi thì ở nhà lo cơm nước và chăm sóc con. Tiền lương phụ quán, mỗi buổi chỉ được 30.000đ, không đủ cho mẹ con cô trang trải. Trong khi đó, nếu cô vẫn làm công nhân, lương trên 2 triệu/tháng. Cô Duyên cười: “Tôi muốn được ở gần và chăm sóc con, thấy nó bự xác vậy chứ còn nhỏ lắm, không biết gì đâu”.

Bạn Lê Trọng Nhân (Tam Bình) may mắn được sinh ra trong gia đình khá giả và luôn có người giúp việc. Khi Nhân vào ĐH, cha mẹ đặt hàng cho Nhân ở một ngôi nhà có thuê sẵn người giặt đồ, nấu cơm, dọn dẹp phòng với giá 4 triệu đồng/ tháng. Đến khi Nhân ra trường, gia đình làm ăn thất bại.

Từ một “công tử”, Nhân bỗng thành trắng tay và bạn chọn con đường du học sinh sang Nhật. Nhân cho biết: “Sang Nhật, tôi vừa học vừa chăm sóc bản thân, vừa làm thêm… vô cơm hộp- công việc đơn giản nhất ở đây mà vẫn như trên trời rớt xuống vì… không biết gì”.

Tự lập để trưởng thành

Cha mẹ không thể sống với ta cả cuộc đời này. Hơn thế nữa, con cái phải phụng dưỡng cha mẹ. Tập sống tự lập để ta trưởng thành hơn có gì là không tốt? Tự lập không có nghĩa là “ngắt ngang” những khoảng trợ cấp của gia đình khi mà bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tự lập trong những hành động, việc làm từ nhỏ nhất. Ở mỗi độ tuổi, ta có thể có những việc tự làm để trang bị cho mình.

Cẩm Nhung chia sẻ: “Sau này khi có con, dù trai hay gái tôi vẫn tập cho con làm việc nhà, ít nhất là khi ra đời cũng tự biết nấu cho mình một bữa cơm”. Nhung cũng cho rằng bạn trẻ nên tự lập trong suy nghĩ và hành động “Nhiều khi, mình quen nghe theo cha mẹ đến mức mình không nhớ mình thích gì và cần gì”. Sau 4 năm ra trường, bạn rút ra một kinh nghiệm sống: “Người khôn cũng chết, người dạy cũng chết chỉ có người hiểu biết mới tồn tại được thôi. May là, tôi kịp hiểu biết để thích nghi với xã hội”.

Để chọn hướng đi cho mình, bạn Nguyễn Khắc Duy (TP Vĩnh Long) đã thuyết phục gia đình để được học ngành mình yêu thích. Duy được tuyển thẳng vào ngành Khoa học Vật liệu ở ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Nhưng, bạn lại thích ngành Công nghệ chế tạo máy và quyết định xét tuyển vào ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Duy tự tin: “Mình tin vào quyết định của mình và sẽ cố gắng học tốt, làm tốt cho cha mẹ không buồn”.

Gia đình thuộc hộ khó khăn, không đất sản suất ngay từ ngày đầu nhập học, em Nguyễn Thanh Tâm (Trà Ôn) đã đi làm thêm để trang trải việc học. Tâm nói: “Ban đầu thì em đi bán thức ăn nhanh, sau đó, em xin đi dạy thêm và có thu nhập khá hơn nhiều. Bây giờ, mỗi tháng em không phải xin tiền nhà để đi học”. Ngoài làm thêm, Tâm cũng chi tiêu tiết kiệm để “phòng thân”.

Tâm cười: “Biết đâu, có lúc nào đó em thất nghiệp thì sao?”. Nhớ về cậu học trò ngày nào đi thi ĐH với 300.000 đ/10 ngày, Tâm cười: “Số tiền đó, em và mẹ đi cắt lúa mướn mà có, em cũng quen không biết chi tiêu gì ngoài ăn cơm và mua cơm ”.

Gia đình, cuộc sống đã dạy cho Tâm và nhiều bạn trẻ khác biết sống tự lập để trưởng thành và phát triển hơn. Bạn trẻ tự chăm lo và phát triển kỹ năng để thích nghi với cuộc sống thì có gì là không thể?

Anh Lê Thanh Tuấn- Hội trưởng Hội Từ thiện Cà phê Suối Mơ (TP Vĩnh Long): Hội có nhiều sinh viên, học sinh tham gia cho rằng tự lập là rất hay và rất cần ở các bạn trẻ. Hiện nay, còn nhiều bạn quá trẻ con và sẽ bỡ ngỡ khi vào đời sau này. Tuy nhiên, các bạn cũng cần điều tiết việc phù hợp, đừng để việc làm thêm ảnh hưởng đến việc học.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh