Giúp thanh niên nông thôn phát triển kinh tế

09:10, 09/10/2015

Làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương đang là lựa chọn của không ít đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nông thôn. 

 

Thanh niên nông thôn cần sự hỗ trợ vốn, đầu mối tiêu thụ sản phẩm để an tâm phát triển kinh tế.
Thanh niên nông thôn cần sự hỗ trợ vốn, đầu mối tiêu thụ sản phẩm để an tâm phát triển kinh tế.

Làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương đang là lựa chọn của không ít đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nông thôn.

Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp gặp khó trong quá trình phát triển kinh tế. Hỗ trợ thêm vốn sản xuất, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra cho nông sản là mong muốn của hầu hết ĐVTN.

Thiếu vốn, lo đầu ra

Hiện nay, nhiều mô hình kinh tế đang được ĐVTN quan tâm, áp dụng nhằm lập nghiệp, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, thiếu vốn sản xuất là một trong những trở ngại lớn của thanh niên. Đến thăm mô hình kinh tế của anh Lê Chí Cường (xã Tân Long- Mang Thít) vào một ngày nắng nhẹ.

Là kỹ sư xây dựng nhưng anh lại quyết định về quê chăn nuôi, phát triển kinh tế. Anh cho biết, những năm qua nhờ chí thú làm ăn mà cuộc sống gia đình anh cũng ổn định. Hiện tại, anh muốn đầu tư mở rộng mô hình nuôi thỏ, dê, bồ câu thành trang trại nhưng lại gặp khó trong việc xoay xở vốn.

Vì theo anh, số tiền đầu tư ấy khoảng vài chục triệu đồng. “Đây không phải là khó khăn của tôi mà còn là khó khăn của thanh niên nông thôn muốn phát triển kinh tế. Nếu được hỗ trợ vốn, tôi sẽ tập trung phát triển mô hình hiệu quả và đưa kinh tế ngày càng đi lên”- anh chia sẻ.

Theo tình hình chung ở các địa phương, nhu cầu ĐVTN vay vốn thì nhiều mà số ĐVTN được vay vốn thì ít. Hoặc nếu được vay vốn thì số vốn ấy cũng chưa đáp ứng được nhu cầu để phát triển mô hình hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Thành (xã Chánh Hội- Mang Thít) vừa được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hộ 20 triệu đồng để làm kinh tế. Tuy nhiên theo anh, số tiền đó không đủ để anh đầu tư nuôi bò. Vì hiện tại, 1 con bò giống tốt cũng trên số tiền đó rồi. “Nếu có thể, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thêm để có thể gầy dựng mô hình làm ăn hiệu quả hơn”- anh nói.

Bên cạnh việc thiếu vốn, ĐVTN còn gặp không ít khó khăn trong việc tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, chịu ảnh hưởng biến động giá cả thị trường... Về xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) hỏi thăm CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi chắc hẳn ai cũng biết. Bởi, CLB đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều ĐVTN địa phương.

Theo Phó Bí thư Xã Đoàn- Châu Võ Hoài Duy, CLB với gần 20 ĐVTN chuyên trồng mít Thái. Trước kia, mạnh ai nấy làm nên năng suất chưa cao vì kỹ thuật sản xuất hạn chế. Nay nhờ phối hợp tốt với nhau nên năng suất đã tăng lên. Anh Nguyễn Duy Thanh là người hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Xã Đoàn, hiện nay việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn. Hơn nữa giá cả bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá cũng khiến nhiều thành viên điêu đứng. Bản thân anh Thanh cũng đã chuyển một phần diện tích trồng mít sang trồng dừa.

Với mô hình kinh tế tự phát, nhiều thanh niên nông thôn cũng chịu thiệt về giá cả khi tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Những năm qua, anh Nguyễn Hoàng Quý (xã Phước Hậu- Long Hồ) phải bán rau cho đầu mối với giá bằng phân nửa hoặc thấp hơn.

Chẳng hạn, cải ngọt ngoài thị trường có giá 6.000 đ/kg thì anh chỉ bán với giá 3.000 đ/kg. Anh cho biết, mặc dù chịu thiệt nhưng cũng phải bán vì tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm rất khó, nếu không bán thì tiến độ sẽ bị chậm trễ ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch rau.

Gỡ khó cho thanh niên nông thôn

Những năm qua, Đoàn thanh niên, Hội LHTN các cấp đã tích cực hỗ trợ ĐVTN tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Song, thực tế, nguồn vốn cho ĐVTN vay đầu tư phát triển kinh tế còn rất hạn chế.

Phó Bí thư Xã Đoàn Phước Hậu (Long Hồ)- Nguyễn Minh Châu cho biết: Xã có 30% ĐVTN có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ĐVTN được tiếp cận vốn vay còn ít do điều kiện cho vay đối với đối tượng ĐVTN. Thanh niên phải thuộc dạng hộ nghèo, nếu chưa tách hộ thì không thể tiếp cận vốn khi trong gia đình có đoàn thể khác vay vốn... “Trong thời gian tới, cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa về chính sách vay vốn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh, tăng số vốn được vay cho ĐVTN”.

Mong muốn của anh cũng là mong muốn của nhiều ĐVTN nông thôn “khát” vốn khi bắt tay vào phát triển kinh tế hoặc thiếu vốn để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.

Bày tỏ trăn trở của ĐVTN khởi nghiệp làm kinh tế, anh Quý chia sẻ: Để phát triển mô hình trồng rau của gia đình, bản thân anh phải lo vốn đầu tư và kỹ thuật chăm sóc. Hiện, vườn rau của anh bước đầu mang lại thu nhập ổn định nhưng anh vẫn mong muốn được hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

Theo anh, có thể kết hợp tổ, nhóm thanh niên để chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và được định hướng đầu ra bền vững để thanh niên an tâm sản xuất.

Theo anh Bùi Văn Chiều- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, thời gian qua tổ chức Đoàn- Hội đã hỗ trợ cho ĐVTN vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ kỹ thuật, định hướng nghề nghiệp... Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ĐVTN.

Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để ĐVTN lập thân lập nghiệp. Đồng thời, kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan nhà nước...

ĐVTN là lực lượng trẻ, dám nghĩ, dám làm xung kích trên mọi mặt trận. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi, chắc chắn sẽ là nguồn nhân lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Thiết nghĩ, việc hỗ trợ và tạo điều kiện để ĐVTN lập thân lập nghiệp cần sự quan tâm hơn của các cấp, các ngành để họ có thể ổn định cuộc sống và cống hiến sức trẻ góp phần xây dựng quê hương.

Theo báo cáo, 5 năm qua, Tỉnh Đoàn đã tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho trên 18.670 lượt ĐVTN. Tính đến cuối 2014, tổng dư nợ do tổ chức Đoàn quản lý trên 88,4 tỷ đồng, với 332 tổ và 7.752 hộ còn dư nợ.

 

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh