Theo Tổ chức Y tế thế giới, 90% bệnh nhân (BN) mắc bệnh ung thư phổi, 75% BN mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là do sử dụng thuốc lá (TL). Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến TL. TL vẫn đang là gánh nặng kinh tế và sức khỏe của nhiều người hút và hít phải khói TL.
(VLO) Theo Tổ chức Y tế thế giới, 90% bệnh nhân (BN) mắc bệnh ung thư phổi, 75% BN mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là do sử dụng thuốc lá (TL). Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến TL. TL vẫn đang là gánh nặng kinh tế và sức khỏe của nhiều người hút và hít phải khói TL.
Sức khỏe suy kiệt do nghiện thuốc lá
Tại Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, theo các bác sĩ điều trị, có đến hơn 80% BN mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là bệnh COPD có tiền sử hút TL hoặc thường xuyên hút TL thụ động.
BS.CK 2 Trần Lê Minh Thái khuyên bệnh nhân N.V.T cố gắng cai bỏ hút thuốc để bệnh tình thuyên giảm, khỏe hơn. |
Hơn 10 năm điều trị bệnh COPD, không biết bao nhiêu lần ông M.V.M (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít) phải nhập viện vì các đợt cấp. Từ người có cân nặng hơn 60 ký, giờ ông chỉ còn “da bọc xương”. “Ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, hễ thời tiết thay đổi là tui vô viện. Mấy bữa trước khạc ra máu nên nhập viện tiếp. Giờ tui ráng bỏ hút thuốc chứ mỗi lần bệnh tui mệt, khó thở lắm”- ông M. than.
Nằm phòng kế bên, ông Thạch Ph. (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm) xuýt xoa: “Tui hút thuốc lá nhiều năm cũng ảnh hưởng sức khỏe bị bệnh phổi nặng, hễ mệt cứ nhập viện, mệt nhập viện”.
Theo BS.CK1 Phạm Văn Hoàng- Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, đối với những BN mắc bệnh COPD trong quá trình điều trị mà còn hút TL thì việc điều trị sẽ giảm rất nhiều. “Đặc biệt giảm 50% so với người không hút TL, có những BN 1 tháng vô nằm viện 20 ngày. 1 đợt điều trị mà BN ngưng hút thì mình điều trị ổn. Nhưng khi về nhà 5 – 7 ngày, họ nghiện TL hút lại thì ho mệt khò khè, lại phải vào viện”.
Những BN bị COPD đang gánh chịu hậu quả không nhỏ về sức khỏe do thói quen hút TL gây ra. Ai cũng có nhiều lần nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp và cả tim mạch.
Sức khỏe suy kiệt, mất sức lao động, điều trị bệnh ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và còn là gánh nặng của người thân.
Nằm điều trị bệnh COPD tại phòng bệnh nặng thuộc khoa Nội BVĐK Triều An- Loan Trâm, ông N.V.T. (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) thở dài: “Nằm viện, được các y, bác sĩ động viên tui đang cố gắng cai TL do mệt quá, khó thở phải thở oxy mới thở nổi.
Mấy lần trước nằm viện khỏe về nhà tui ghiền tui hút lại thì bị mệt, ăn uống không vô lại nằm viện tiếp. Kỳ này tui quyết tâm cai được thuốc chứ vừa bị COPD, vừa bị bệnh tim nữa, bệnh tật hoài khổ vợ con quá”.
Theo BS.CK 2 Trần Lê Minh Thái- Trưởng khoa Nội BVĐK Triều An- Loan Trâm, những chất độc hại trong khói TL không chỉ gây bệnh ở phổi mà còn có thể gây ra nhóm bệnh lý tim mạch, sức khỏe sinh sản và các loại bệnh ung thư.
Những thành phần trong khói thuốc sẽ làm tổn thương thành phần cấu trúc của các mạch máu lớn, dẫn đến những bệnh lý như nhồi máu cơ tim, bệnh lý mạch vành, xuất huyết não, tắc mạch chi…
Ngưng hút thuốc vì sức khỏe bản thân và cộng đồng
Không chỉ người hút TL mà người hít phải khói TL cũng bị ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đặc biệt là trẻ em. Theo các bác sĩ, khói TL trong môi trường là 1 trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Bệnh nhân bị bệnh COPD điều trị tại Bệnh viện Phổi Vĩnh Long. |
Ở trẻ em hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng chưa cao nên trẻ rất nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc.
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại TL cho thấy, tỷ lệ sử dụng TL điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng giảm.
Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng TL thế hệ mới, chủ yếu là TL điện tử, TL nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
BS.CK 2 Trần Lê Minh Thái khuyến cáo: “Người dân cần hiểu được những tác hại của việc hút TL trực tiếp cũng như thụ động.
Từ đó, tích cực tuyên truyền, vận động mọi người nâng cao ý thức, không hút thuốc lá tại nơi đông người, tiến tới bỏ hẳn thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Khi cai TL thì nên tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ và có những loại thuốc giúp cai TL hiệu quả”.
Với quyết tâm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại TL đến năm 2030. Trong đó, giảm tỷ lệ sử dụng TL trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng.
Bộ Y tế cũng kêu gọi các cơ quan, đoàn thể và mọi người dân vì sức khỏe của bản thân, của gia đình mình và cộng đồng, hãy tiếp tục có những hành động thiết thực xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của TL vì mục tiêu sức khỏe của toàn dân.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN