Nắng nóng, dễ phát sinh nhiều bệnh

06:04, 06/04/2023

Nắng nóng gay gắt từ giữa tháng 3 là điều kiện cho virus, vi khuẩn gia tăng đặc tính lây nhiễm, dẫn tới ở các cơ sở y tế gia tăng người đến khám, điều trị bệnh.

Bệnh nhân chờ khám tại Khoa Khám bệnh BVĐK Vĩnh Long.
Bệnh nhân chờ khám tại Khoa Khám bệnh BVĐK Vĩnh Long.

(VLO) Nắng nóng gay gắt từ giữa tháng 3 là điều kiện cho virus, vi khuẩn gia tăng đặc tính lây nhiễm, dẫn tới ở các cơ sở y tế gia tăng người đến khám, điều trị bệnh.

Dễ bệnh do thời tiết oi bức

Tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình, mỗi ngày có tới từ 450-600 bệnh nhân đến khám. Ngoài các bệnh nhân lớn tuổi đến khám liên quan đến các bệnh lý nền, số trẻ dưới 6 tuổi đến khám chiếm hơn 20%.

Cầm thuốc trên tay, chú Đinh Văn Giàu (65 tuổi, ở TT Tam Bình) cho biết: “Tháng nào cũng vô bệnh viện nhận thuốc vì chú bị huyết áp, thoái hóa cột sống, trào ngược dạ dày.

Nay thấy trong người không khỏe, ho nhiều, bác sĩ nói bị viêm đường hô hấp trên và huyết áp tăng cao hơn. Vậy chứ nắng nóng phừng phừng trên đầu nên máu cũng lên, nhiều bệnh trong người nên tui cũng mệt, oải quá”.

Mỗi ngày Khoa Nhi- Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, tiếp nhận trên 100 bệnh nhi đến khám bệnh, trong đó đa số mắc các bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh về tiêu hóa.

Thời tiết nắng nóng, bệnh nhân đến khám tại BVĐK Vĩnh Long gia tăng.
Thời tiết nắng nóng, bệnh nhân đến khám tại BVĐK Vĩnh Long gia tăng.

Nhiều trường hợp có triệu chứng nặng phải nhập viện điều trị. Ngồi quạt mát cho con, chị Nguyễn Thùy Linh (phường Trường An, TP Vĩnh Long) cho biết: “Thời tiết quá nóng, oi bức, nên tụi nhỏ đi học bệnh cũng nhiều. Con tôi gần 5 tuổi rồi nhưng cũng bệnh rề rà hoài, hễ thay đổi thời tiết là con bệnh ho nhiều, lại sốt cao, sổ mũi, không chịu ăn nên đưa con đi khám”.

Con gái 9 tuổi nằm điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa, chị Đỗ Hồng Ngọc (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) nói: “Con nói có ăn bánh, xoài lắc trước cổng trường bị đau bụng, tiêu chảy, ói nhiều quá nên vợ chồng đưa con qua đây khám và nhập viện luôn. Bác sĩ nói con tôi bị rối loạn tiêu hóa”.

Không chỉ có trẻ nhỏ, người lớn cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài, điển hình là những người cao tuổi hoặc có bệnh tim, tăng huyết áp.

Theo BS.CK1 Nguyễn Minh Đức- Phó Trưởng Khoa Khám bệnh- BVĐK Vĩnh Long, nắng nóng kéo dài sẽ xuất hiện tình trạng nhiều bệnh nhân mất nước, rối loạn điện giải. Khi nhiệt độ cơ thể tăng, mồ hôi ra nhiều, việc vệ sinh không phù hợp dễ dẫn đến viêm phổi, bệnh về đường hô hấp, về tiêu hóa.

Phòng bệnh mùa nắng nóng

Để phòng bệnh mùa nắng nóng, BS.CK1 Nguyễn Minh Đức khuyến cáo hạn chế ra đường trong những giờ nắng cao điểm (từ 10-16 giờ hàng ngày). Nếu phải ra ngoài khi trời nắng nóng, mọi người cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội nón, đeo kính mát, sử dụng kem chống nắng…

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, thời tiết nóng oi bức cũng là lúc các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, tay chân miệng… và bệnh lây truyền qua côn trùng như bệnh sốt xuất huyết gia tăng.

Tiêm vaccine cho trẻ là biện pháp hữu hiệu phòng tránh các bệnh giao mùa. Trong ảnh, trẻ em tiêm vaccine tại Trạm Y tế xã Phước Hậu (Long Hồ).
Tiêm vaccine cho trẻ là biện pháp hữu hiệu phòng tránh các bệnh giao mùa. Trong ảnh, trẻ em tiêm vaccine tại Trạm Y tế xã Phước Hậu (Long Hồ).

Để phòng bệnh, các bậc cha mẹ cần chú ý dinh dưỡng hợp lý cho con, thực phẩm được chế biến phù hợp, vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên đúng cách, giữ ấm cơ thể cho trẻ.

Tiêm đầy đủ vaccine cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cũng như hạn chế bệnh chuyển nặng nếu không may mắc phải các bệnh truyền nhiễm.

“Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc điều trị”, BS Chí Công khuyến cáo.

Đối với người lớn, bác sĩ cũng lưu ý, để phòng bệnh cần uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức.

Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 giờ làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10-15 phút.

“Lưu ý khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ”, BS Minh Đức lưu ý.

Theo BS.CK1 Nguyễn Minh Đức- Phó Trưởng Khoa Khám bệnh- BVĐK Vĩnh Long

“Người lớn tuổi nhiều bệnh lý nền dễ bị huyết áp tăng cao, gây tai biến mạch máu não. Do đó, người có sẵn bệnh tăng huyết áp không được tắm nước lạnh đột ngột khi vừa đi ngoài nắng về, nằm máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải để ngừa các biến chứng nguy hiểm sức khỏe”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh