Thay đổi lối sống phòng ngừa đột quỵ

06:02, 17/02/2023

Ghi nhận tại các bệnh viện (BV), dịp nghỉ lễ dài ngày cùng với yếu tố thời tiết, thói quen sinh hoạt, ăn uống thất thường khiến số người đột quỵ sau Tết tăng lên, trong đó có nhiều người trẻ tuổi.

Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần khẩn trương đến bệnh viện có chuyên khoa điều trị đột quỵ trong “giờ vàng”.
Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần khẩn trương đến bệnh viện có chuyên khoa điều trị đột quỵ trong “giờ vàng”.

(VLO) Ghi nhận tại các bệnh viện (BV), dịp nghỉ lễ dài ngày cùng với yếu tố thời tiết, thói quen sinh hoạt, ăn uống thất thường khiến số người đột quỵ sau Tết tăng lên, trong đó có nhiều người trẻ tuổi.

Sau Tết, bệnh đột quỵ tăng

Tại Khoa Nội Tim mạch - Lão khoa (BVĐK Vĩnh Long), những ngày sau Tết khoa tiếp nhận điều trị trên 150 ca nhồi máu não, trong đó phải can thiệp 12 ca bị đột quỵ cấp được chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Bệnh nhân (BN) N.N.N. (91 tuổi) đã được ekip các bác sĩ BVĐK Vĩnh Long cứu sống kịp thời. BN bị nhồi máu não với nhiều bệnh lý nền.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán BN bị đột quỵ cấp, tổn thương nhồi máu não, được chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Sau đó, BN hồi phục sức cơ, lần lượt giơ được tay chân và đi đứng lại được. Thành công của ca bệnh này nhờ BN đến BV trong thời gian vàng, được xử trí nhanh chóng nên hồi phục sức khỏe.

Theo BS.CK2 Huỳnh Kim Phương - Trưởng khoa Nội Tim mạch - Lão khoa (BVĐK Vĩnh Long), trong dịp Tết, chế độ sinh hoạt ăn uống, thuốc men có sự thay đổi, cùng với đó là thời tiết thay đổi nóng, lạnh là những nguyên nhân khiến người cao tuổi phải nhập viện ngay trong và sau Tết.

Bởi người cao tuổi do tình trạng lão hóa, chức năng của một số cơ quan suy giảm, dễ bị tổn thương mạch máu, cơ chế điều hòa tuần hoàn não cũng kém hơn bình thường dẫn đến tai biến, đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề.

Theo TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ, những ngày đầu của năm mới, BN đột quỵ nhập viện tăng cao.

Trước Tết, trung bình mỗi ngày BV cấp cứu 30 ca đột quỵ, song trong và sau Tết, con số này lên đến 50 ca. Đặc biệt, những trường hợp đột quỵ nhập viện muộn, qua “thời gian vàng” tăng gấp đôi so với ngày thường.

Trong hơn 2 tuần qua, BV đã cấp cứu cho 639 trường hợp, trong đó có 310 trường hợp đột quỵ. Số ca đột quỵ do nhồi máu não là 232 trường hợp (chiếm 75%), 78 ca xuất huyết não (chiếm 25%).

Nhiều BN được cứu sống trong giờ vàng

“Nhiều BN khởi phát đột quỵ, tái đột quỵ lần thứ hai, nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng cao nhưng nhờ vào viện sớm, được bác sĩ can thiệp kịp thời.

Ðiều đặc biệt, cơ hội sống, thoát nguy kịch của người bệnh, chính nhờ sự hiểu biết của chính bệnh nhân và thân nhân về những dấu hiệu ban đầu của bệnh và khẩn trương đến BV có chuyên khoa điều trị đột quỵ trong “giờ vàng” - BS Chí Cường cho biết.

Mùng 6 Tết, BVĐK Quốc tế SIS cứu một doanh nhân 41 tuổi bị đột quỵ. Do công việc nên anh uống bia, hút thuốc lá khá thường xuyên.

Gần đây anh cảm thấy mệt mỏi, hay choáng váng, mất thăng bằng, bị đột quỵ nhẹ trong Tết và đã khám ở một BV khác nhưng chẩn đoán chưa rõ ràng.

Sáng mùng 6 Tết thấy tê yếu nửa người nên vào BV. Qua kiểm tra phát hiện BN bị hẹp động mạch não giữa, đồng thời bị đái tháo đường mà không hay biết. Trước mắt, BN sẽ được điều trị nội khoa tích cực, theo dõi kỹ.

Một trường hợp khác, nam BN 37 tuổi (ở TP Cần Thơ), may mắn thoát cửa tử sau 2 lần xuất huyết não cách nhau hơn 1 tháng.

Lần đầu tiên, BN cảm thấy đau đầu, sốt, người tê lạnh, gia đình đưa vô BV địa phương, được cho về theo dõi sốt xuất huyết nhưng vợ anh không yên tâm, đã đưa chồng đến cấp cứu tại BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ.

BN được chẩn đoán đột quỵ, được can thiệp, qua nguy kịch, xuất viện về nhà. Hơn 1 tháng, bệnh lại tái phát với những triệu chứng nghi ngờ đột quỵ, vợ BN lại đưa chồng nhập viện. Vợ BN cho biết, thời gian trước, BN thường xuyên uống nhiều rượu bia.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, đây là trường hợp điển hình xuất huyết não khoang dưới nhện. Có thể BN có phình mạch máu não từ trước, cùng với yếu tố uống nhiều rượu bia đã làm xơ gan, gây rối loạn đông máu. “Rất may BN được vợ đưa đến BV kịp thời.

Qua chụp lại CT, MRI, ghi nhận có xuất huyết não tái phát, tiếp tục được cứu sống lần 2. Trường hợp này, ngoài can thiệp nội mạch, BN không thể được điều trị bằng phương pháp khác vì lượng tiểu cầu rất thấp, không thực hiện cuộc mổ não được. Sau can thiệp, BN hồi phục sức khỏe, xuất viện về nhà ăn Tết cùng gia đình” - BS Trần Chí Cường thông tin.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh (BVĐK Tâm Anh TP Hồ Chí Minh), tỷ lệ đột quỵ những năm gần đây khá cao, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi do mắc bệnh tăng huyết áp sớm, hút thuốc lá, nhậu nhiều và thói quen ít vận động, gây ra xơ vữa mạch máu, mỡ máu tăng, đột quỵ.

Nhiều người chủ quan với bệnh, không điều trị tích cực, lơ là nên số người trẻ tuổi mắc đột quỵ cũng ngày càng gia tăng.

Bác sĩ khuyến cáo, phòng ngừa vẫn là điều quan trọng nhất và có thể được thực hiện hiệu quả. Các bạn trẻ ngày nay nên vận động nhiều hơn, kiểm soát tốt huyết áp, có bệnh phải điều trị, theo dõi kịp thời, giảm nhậu nhẹt, thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe, giảm mỡ, giảm tinh bột và chất béo.

Giảm chế độ ăn thịt đỏ (heo, bò, trâu, dê), ăn thịt gà, cá, không ăn mặn và ăn nhiều rau, quả, trái cây hơn, ăn thịt trắng, dầu oliu, dầu thực vật.

Đối với điều trị đột quỵ, theo BS Minh Đức, đột quỵ có thể tái phát lại cho dù được điều trị hiệu quả lần này. Do đó, người bệnh cần phải tích cực phối hợp với bác sĩ, điều trị ổn định các bệnh lý nền, mãn tính như tiểu đường, huyết áp, mỡ máu cao. Nếu lơ là, nguy cơ tái đột quỵ ngày càng cao và tình trạng nặng hơn.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh