Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết ngay từ bây giờ

Cập nhật, 06:52, Thứ Hai, 13/02/2023 (GMT+7)
Người dân cần lưu ý phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
Người dân cần lưu ý phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.

(VLO) Theo ngành y tế tỉnh Vĩnh Long tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt. Song, bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm nay diễn biến khó lường ngay đầu năm và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH.

1 tháng đầu năm, SXH tăng hơn 10 lần

Tại Khoa Nhiễm BVĐK Vĩnh Long, bệnh nhân mắc SXH luôn chiếm hơn 50% số bệnh nhân điều trị tại khoa. Trong đó, có nhiều trường hợp bệnh nặng phải điều trị tích cực và theo dõi sát bệnh nhân mới dần hồi phục.

Đang điều trị ngày thứ 4 tại đây, chị Lê Thị Lắm (33 tuổi, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) cho biết: “Mới đi làm ngày đầu tiên thì trưa người uể oải sốt, nhưng ráng làm cho xong ca.

Nghĩ mình chỉ bị cảm thông thường tôi đến hiệu thuốc tây gần nhà mua thuốc về tự điều trị. Dù có giảm nhưng sốt, ớn lạnh khó chịu tôi mới vô viện khám và biết mình bị SXH, bác sĩ cho nằm viện luôn”.

Rồi chị tiếp lời: “Nãy bác sĩ cho hay tôi còn bị tiểu cầu thấp thêm cái đang hành kinh nên bác sĩ căn dặn kỹ nằm nghỉ ngơi tại giường, ăn cháo súp lỏng, dễ tiêu để nhanh khỏe”.

Nằm phòng kế bên, em Hồ Thái Sang (24 tuổi, TP Vĩnh Long) nhập viện điều trị khi bệnh đã trở nặng. Em Sang cho biết, 5 ngày trước, em có biểu hiện sốt, tay chân rã rời, nghĩ bị cảm do thời tiết nên chỉ ở nhà uống thuốc tự điều trị.

Tuy nhiên bệnh không khỏi mà còn diễn tiến nặng và được gia đình đưa đến bệnh viện khám, mới biết mình mắc SXH nặng, vô sốc phải truyền dịch và điều trị tích cực. Hiện sức khỏe em đã ổn định.

BS.CK2 Lê Thị Thu Trang - Trưởng Khoa Truyền nhiễm - BVĐK Vĩnh Long, cho biết, thông thường sau Tết là chu kỳ đi xuống của bệnh SXH, nhưng hiện tại số ca mắc vẫn luôn ở mức cao.

Bệnh SXH hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi các dấu hiệu của bệnh.

Khi thấy các triệu chứng nguy hiểm cần tới bệnh viện ngay, gồm: thấy khó chịu hơn mặc dù giảm sốt hoặc hết sốt; không ăn, uống được; nôn, đau bụng nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ; lú lẫn, vật vã hoặc li bì; khó thở.

“Người mắc SXH không được tự ý truyền dịch, truyền đạm tại nhà, không tự đi mua thuốc về uống.

Điều nguy hiểm của SXH là bệnh chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh, lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận…” - bác sĩ Thu Trang lưu ý.

Theo ngành y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 150 ca SXH, tăng gấp 10,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, đã có 1 trường hợp tử vong. Bệnh phân bố tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Đã phát hiện xử lý trên 40 ổ dịch SXH nhỏ, khống chế nguồn lây.

Chủ động phòng bệnh

Có con gái 12 tuổi vừa khỏi bệnh sau 7 ngày điều trị SXH sốc tích cực tại Khoa Nhi - BVĐK Vĩnh Long, chị Tuyết Loan (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm) thở dài: “Cũng do tôi chủ quan, cứ nghĩ con sốt cảm thông thường nên cứ uống thuốc và con sốt 3 ngày mới đi bệnh viện Vũng Liêm.

Tối đó, con bị sốc phải chuyển cấp cứu lên BVĐK tỉnh, vô nằm hồi sức gần 3 ngày mới ra phòng thường nằm”.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công - Phó Khoa Nhi - BVĐK Vĩnh Long, ngay khi trẻ xuất hiện dấu hiệu sốt, phụ huynh cần nghĩ ngay tới SXH.

Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, suy đa tạng, xuất huyết não... thậm chí là tử vong.

Người dân tuyệt đối không được chủ quan vì SXH có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ em cho tới người già. Người đã từng mắc SXH vẫn có khả năng tái nhiễm các lần sau.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Y tế, SXH hiện không còn là bệnh xảy ra theo mùa mà lưu hành quanh năm, nên việc phòng ngừa SXH chủ động từ chính quyền địa phương và mỗi người dân là rất quan trọng:

“Ngành y tế chuẩn bị đầy đủ phương tiện thuốc vật tư y tế, nhân lực được tập huấn đào tạo để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.

Lĩnh vực dự phòng cũng phát hiện sớm các ổ dịch để khống chế kịp thời, hướng dẫn, thông tin rõ ràng cho người dân, để cùng tham gia phòng chống bệnh SXH”.

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng khuyến cáo, phòng bệnh mỗi ngày là giải pháp căn cơ để ngăn chặn SXH. Người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh. Cần diệt muỗi, lăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Khi bị bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, tự điều trị tại nhà mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng dẫn từ bác sĩ.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN