Không chủ quan với bệnh dại

Cập nhật, 14:46, Thứ Sáu, 10/02/2023 (GMT+7)
Vaccine ngừa dại đang được lưu hành hiện nay là loại thế hệ mới, có tính miễn dịch và an toàn cao.
Vaccine ngừa dại đang được lưu hành hiện nay là loại thế hệ mới, có tính miễn dịch và an toàn cao.

(VLO) Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. Do đó, nếu chẳng may bị chó cắn, mèo cào… cần tiêm vaccine ngừa bệnh dại càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, để chủ động phòng bệnh dại, người dân cần tiêm vaccine phòng dại định kỳ cho chó mèo và không thả rông vật nuôi.

Gia tăng số người đi tiêm ngừa dại sau Tết

Sau Tết Nguyên đán 2023, số lượng người dân đi chích ngừa dại do bị chó, mèo cắn, cào tăng đột biến. Tại các điểm tiêm ngừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, số lượng người đi tiêm vaccine dại tăng hơn gấp đôi so với tháng trước.

Nguyên nhân được xác định do nhiều người đi chơi dịp Tết bị chó, mèo cắn/cào hoặc liếm vào vết thương hở. Với nhận thức về bệnh dại đã tăng nên bà con chủ động đi tiêm phòng.

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Vĩnh Long), ghi nhận mỗi ngày có từ 100 - 130 người đến tiêm vaccine dại. Trong đó có hơn 40 người tiêm mới, còn lại là người tiêm nhắc cho đủ mũi.

Vừa tiêm xong mũi 1 vaccine ngừa dại, chú Lê Ngọc Bạc (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) cho biết: “Chiều qua tui qua nhà hàng xóm chơi bị chó mới đẻ nó hung nó phập cái ngay cẳng. Nãy bác sĩ có khám vết thương rồi cho chích. Dù chó đã có chích ngừa rồi nhưng tui chích để ngừa bệnh dại cho bản thân”.

Đưa cháu ngoại Lê Nguyễn Hoàng Huy (7 tuổi, TP Vĩnh Long) đi tiêm mũi thứ 3 ngừa dại, cô Cao Thị Phương Hồng xuýt xoa: “Cháu cô thương chó mèo dữ lắm, đòi nuôi mà cả nhà sợ không cho. Qua nhà hàng xóm chơi, nựng bị chó quào xước cổ tay nên cô dẫn đi chích ngừa”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2022, cả nước có 40 người tử vong do bệnh dại ở 16 tỉnh thành, trong đó khu vực phía Nam ghi nhận 20 ca tử vong.

Bộ Y tế nhận định, những nguyên nhân khiến bệnh dại có chiều hướng tăng là do nhận thức của người dân về bệnh này còn hạn chế, công tác quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm vaccine dại trên chó còn thấp...

Bên cạnh đó, tâm lý e ngại tác dụng phụ của vaccine phòng dại sẽ gây ảnh hưởng đến trí nhớ, thần kinh cũng là một rào cản khiến người dân ngại đi tiêm phòng.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (TP Vĩnh Long) đưa con gái 8 tuổi đến VNVC Vĩnh Long tiêm vaccine ngừa dại. Chị cũng cho biết bé bị chó cắn khi về quê chơi Tết.

“Vết thương chỉ trầy xước chút ở chân, vài người cũng khuyên chị rằng bé còn nhỏ, không nên chích ngừa dại vì có thể giảm trí nhớ. Nhưng không chích chị không an tâm nên chị về đưa con đi tiêm ngay”- chị Thảo cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, hiện giờ tất cả vaccine đều dùng vaccine mới và công nghệ tế bào. Các vaccine này đều an toàn cho người lớn, trẻ em và kể cả phụ nữ mang thai. Cho nên vaccine này có thể chỉ định cho tất cả các đối tượng.

Phòng ngừa bệnh dại bằng vaccine an toàn

Khi tiêm vaccine ngừa bệnh dại cần phải tiêm đủ liều theo chỉ định của nhân viên y tế, tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật.
Khi tiêm vaccine ngừa bệnh dại cần phải tiêm đủ liều theo chỉ định của nhân viên y tế, tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật.

Theo Phó Giám đốc CDC Vĩnh Long - Huỳnh Thanh Tân, nếu chẳng may bị động vật cào/cắn dù chỉ trầy xước nhẹ hoặc liếm lên vết thương hở, cũng cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại, tốt nhất là ngay trong ngày đầu tiên.

Theo CDC Vĩnh Long, sau khi bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn, cần tiêm vaccine dại với liệu trình là 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28. Sau khi tiêm vaccine dại, cần tránh làm việc quá sức, không uống rượu, bia và các chất kích thích. Lưu ý, không được dùng các thuốc ức chế miễn dịch; nếu bắt buộc phải dùng, cần có ý kiến của bác sĩ điều trị.

Một số người thường nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm ngừa rồi thì không sao hoặc có thói quen theo dõi khi bị động vật cắn, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế tiêm ngừa, như vậy rất nguy hiểm.

Đây là các quan niệm không đúng, vì vaccine khi dự phòng trên động vật chỉ làm giảm nguy cơ bị dại, mức độ cảnh báo thấp hơn nhưng không đảm bảo hoàn toàn.

Điều đặc biệt nguy hại là thời gian ủ bệnh dại từ 3 ngày đến hơn 3 tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài nhiều năm.

Một khi phát thành bệnh với triệu chứng như sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, tăng tiết nước bọt. Người đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, người dân nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy kết hợp với xà bông liên tục trong 15 phút, sau đó rửa sạch vết thương với cồn 70 độ C, cồn i-ốt hoặc nước muối pha đặc.

Người dân không nên cố gắng nặn máu, nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn tiêm vaccine phòng dại kịp thời.

Ngoài ra, ngay cả người thường xuyên tiếp xúc với động vật cũng cần chủ động tiêm dự phòng trước khi bị cắn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân.

“Cách phòng tránh duy nhất là tiêm vaccine. Nếu tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ, có thể phòng bệnh 100%.

Hiện vaccine phòng dại thế hệ mới rất an toàn với liệu trình 3 - 5 mũi, hoặc phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại khi cần. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại” - bác sĩ Huỳnh Thanh Tân lưu ý.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo gia đình nên tiêm ngừa đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông động vật ra đường, chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Hạn chế giỡn, trêu chọc chó, mèo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN