Ngày Tết, mọi người thường tụ họp sum vầy với gia đình, người thân, bạn bè bằng những bữa ăn với rất nhiều chất đạm. Đáng lưu ý, chế độ ăn uống ngày Tết có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình, nhất là người mắc các bệnh lý tiểu đường, gout, huyết áp,...
Trong dịp Tết, cần cân đối lượng thịt và rau xanh, trái cây. Đặc biệt, người mắc bệnh mạn tính cần tránh xa rượu bia. |
(VLO) Ngày Tết, mọi người thường tụ họp sum vầy với gia đình, người thân, bạn bè bằng những bữa ăn với rất nhiều chất đạm. Đáng lưu ý, chế độ ăn uống ngày Tết có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình, nhất là người mắc các bệnh lý tiểu đường, gout, huyết áp,...
Người bệnh lý nền giữ sức khỏe dịp Tết
Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức - Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK Vĩnh Long, trong những ngày Tết, nhiều người ăn uống thất thường, nhiều chất đạm, không đúng bữa, lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, gia vị gây kích thích, ăn vặt/ sử dụng bánh kẹo mứt, ít chịu tập thể dục…
Qua đó, làm tỷ lệ mắc các bệnh đường tiêu hóa liên quan đến chế độ ăn uống tăng lên đáng kể như đầy bụng, khó tiêu, đau dạ dày, ngộ độc thức ăn, tăng men gan, viêm tụy cấp,…
Đáng lưu ý, những người có tiền sử bị tim mạch, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, gout,… “Trường hợp cấp cứu tim mạch, đột quỵ nếu không kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong tại nhà hoặc trên đường đi cấp cứu. Do đó, bệnh nhân cấp cứu cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt”, bác sĩ Lê Thanh Đức khuyến cáo.
Bệnh nhân tim mạch cần lưu ý không nên tự dùng thuốc nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Ví dụ đau ngực có rất nhiều nguyên nhân, có thể nguyên nhân từ tim mạch, có thể từ thành ngực, các nguyên nhân từ bệnh lý đường tiêu hóa, cũng có thể là phổi… vì thế cần xác định nguyên nhân đau ngực để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Để có một trái tim khỏe mạnh trong dịp Tết, người bệnh tim mạch cần tuân thủ việc uống thuốc theo đơn, đúng giờ, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá, vận động thể dục hợp lý.
“Sau một bữa tiệc có thể làm khởi phát một đợt cấp, khiến các khớp gối của người bệnh gout đau, sưng tấy, dẫn đến đi lại khó khăn trong những ngày Tết. Để phòng ngừa, người bệnh gout nên hạn chế dùng nhiều bia, rượu, ăn một lượng vừa phải chất đạm có nguồn gốc động vật, thủy hải sản.
Đặc biệt các loại nước dùng chế biến từ xương, thịt hầm, chỉ nên ăn vừa phải; uống nhiều nước lọc. Khi bị gout, nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như các loại cam, quýt, bưởi, và các quả chín khác và nhớ uống nhiều nước, tập thể dục đều đặn” - bác sĩ Lê Thanh Đức khuyến cáo.
Dinh dưỡng ngày Tết hợp lý
Theo các bác sĩ, những ngày nghỉ Tết là sum vầy, gia đình vui vẻ đầm ấm bên nhau với nhiều bữa tiệc nhưng lại chỉ tập trung trong thời gian ngắn.
Điều này làm chúng ta đối mặt với nhiều nguy cơ ngày Tết như tăng cân do dư thừa năng lượng, các bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa của các bệnh mạn tính không lây, ngộ độc thực phẩm...
Các cơ sở y tế của tỉnh sẵn sàng cấp cứu, điều trị trong dịp Tết. |
Theo BS.CK1 Võ Văn Hạnh Phúc - Phó Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BVĐK Vĩnh Long, để đón Tết lành mạnh, chúng ta nên chủ động phòng ngừa các bệnh thường gặp cũng như chuẩn bị sẵn các loại thuốc trong tủ thuốc gia đình.
Với những người bệnh tăng huyết áp thì cần hạn chế tăng cân trong những ngày Tết, hạn chế món ăn chế biến sẵn bởi đây là những thực phẩm có nhiều muối như giò chả, lạp xưởng, các loại khô, dưa chua…
Hạn chế đồ uống có cồn như rượu, bia. Hạn chế các đồ uống có gas, nên thay bằng nước lọc, các nước ép trái cây.
Ngoài chế độ ăn uống, người bị cao huyết áp cần có một chế độ sinh hoạt ăn ngủ điều độ, tránh thức khuya. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như thức ăn thừa phải để trong tủ lạnh, đồ tươi sống cần được trữ đông.
Đặc biệt người có bệnh tăng huyết áp cần nhớ uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ và kiểm tra sức khỏe thường xuyên bằng máy đo huyết áp.
“Riêng người bệnh tiểu đường nên cố gắng giữ nếp sinh hoạt như ngày thường: ăn đúng bữa, luyện tập nhẹ nhàng uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, thường xuyên kiểm tra đường huyết tại nhà để kịp thời xử lý. Không nên uống rượu và thuốc hạ đường huyết cùng lúc.
Nếu có dùng một số loại thuốc đặc biệt theo yêu cầu của bác sĩ, phải ngừng uống rượu hoàn toàn”- bác sĩ Hạnh Phúc khuyến cáo.
Theo BS.CK1 Võ Văn Hạnh Phúc, cùng với đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu… viêm tụy cấp được xếp vào nhóm những bệnh lý thường gặp nhất sau kỳ nghỉ Tết. Rượu bia, sỏi mật và tăng triglyceride máu là 3 nguyên nhân phổ biến gây viêm tụy cấp. Đó chính là lý do vì sao các ca bệnh nhập viện do viêm tụy cấp lại thường tăng lên vào dịp cuối năm, sau những bữa tiệc tất niên, tân niên với rượu bia và những món ăn thịnh soạn, nhiều dầu mỡ. Để tránh viêm tụy cấp, người dân vui chơi Tết nhưng sử dụng rượu bia trong kiểm soát, không quá mức; duy trì tập TDTT. Điều trị thường xuyên rối loạn lipid máu và kiểm soát chế độ ăn với người bệnh tăng triglyceride; phát hiện và điều trị sỏi mật, sỏi tụy… là biện pháp tốt nhất giúp bảo vệ bản thân khỏi viêm tụy cấp và có cái Tết an toàn, trọn vẹn. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin