Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm. Với phụ nữ mang thai khi mắc bệnh này thì càng có nhiều nguy cơ hơn.
Sản phụ Vĩnh Long mắc sốt xuất huyết nặng vượt cạn thành công tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ.Ảnh bệnh viện cung cấp |
(VLO) Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm. Với phụ nữ mang thai khi mắc bệnh này thì càng có nhiều nguy cơ hơn.
Cấp cứu sản phụ mắc SXH nặng
Sản phụ (27 tuổi, trú tại Vĩnh Long) vào Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ trong tình trạng dọa sinh non và có sốt. Qua thăm khám ban đầu, sản phụ được chẩn đoán: Con so, thai 35 tuần 4 ngày, ngôi đầu, dọa sinh non... Sản phụ được nhập tại đơn nguyên điều trị dọa sinh non với sự phối hợp của các bác sĩ sản khoa và nội khoa đã được chẩn đoán xác định SXH.
Trong quá trình theo dõi, tiểu cầu của sản phụ giảm dần, tình trạng SXH bắt đầu có dấu hiệu cảnh báo với các triệu chứng đau nhiều vùng gan, tiểu cầu giảm dần. Sản phụ được theo dõi sát tại khu vực hồi sức tích cực để đảm bảo tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.
Song, số lượng tiểu cầu tiếp tục giảm thấp báo động kèm theo dấu hiệu chuyển dạ, các bác sĩ đã tiến hành phối hợp với BV Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ và Khoa Nhiễm BVĐK TP Cần Thơ để truyền tiểu cầu cho sản phụ.
Sản phụ được truyền tổng cộng 3 khối tiểu cầu gạn tách và 9 khối tiểu cầu đậm đặc, đồng thời theo dõi sát sức khỏe mẹ và thai. Bằng nghị lực của người mẹ, sản phụ đã sinh thường thành công một bé gái khỏe mạnh.
Theo các bác sĩ BV Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), SXH trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. SXH khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu ở những tháng đầu thai kỳ, tăng nguy cơ sinh non ở giai đoạn sau của thai kỳ.
Nếu vào thời điểm cuối thai kỳ và trong khi chuyển dạ có thể gây xuất huyết nhiều, băng huyết sau sinh có nguy cơ tử vong cả mẹ và con.
Phòng bệnh SXH ở thai phụ
Theo BS.CK2 Lê Thị Thu Trang - Trưởng Khoa Truyền nhiễm BVĐK Vĩnh Long, đối với SXH, người dân không nên lơ là, sẽ khiến bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng như giảm tiểu cầu, cô đặc máu, chảy máu tự nhiên thậm chí xuất huyết não, sốc, suy đa cơ quan; đặc biệt đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai có thể dễ diễn biến nặng hơn.
Biểu hiện của bệnh SXH ở phụ nữ mang thai cũng tương tự như các bệnh nhân khác. Vì vậy, thai phụ cần cẩn trọng hơn, đi khám bệnh ngay nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm siêu vi.
Việc dùng thuốc trong thai kỳ cũng rất nghiêm ngặt nên nhất thiết thai phụ phải đến gặp bác sĩ, không tự mua thuốc uống. Dưỡng bệnh đúng cách, kỹ lưỡng cũng là cách bạn hạn chế những nguy cơ cho mình và con.
“Nếu sốt trên 38 độ C cần dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, uống thật nhiều nước và các loại nước trái cây giàu vitamin C; ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng; mặc thoáng mát, nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại...
Đồng thời giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé, tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế”- bác sĩ Thu Trang khuyến cáo.
Trên hết, thai phụ cần giữ tâm trạng bình tĩnh, không quá lo lắng, tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc trị bệnh SXH lẫn thầy thuốc theo dõi thai. Nếu đã gần kỳ sinh nở mà đang bệnh, nên sắp xếp để đi sinh tại bệnh viện phụ sản lớn, bệnh viện tuyến tỉnh, nơi có đầy đủ phương tiện và nhân lực để ứng phó với các tình huống xấu.
Hiện nay, thời tiết mưa nhiều, là điều kiện để muỗi vằn sinh sản và truyền bệnh SXH ở trẻ em và cả người lớn. Vì vậy, mọi người cần chủ động phòng chống SXH, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai.
Bệnh nhân SXH Dengue ở phụ nữ có thai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con. Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo các thai phụ nên chủ động phòng ngừa SXH. Nên báo cho nhân viên y tế những triệu chứng nghi ngờ như sốt, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp... Phụ nữ mang thai cũng nên uống nhiều nước, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân. |
THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin