Bỗng nhiên thấy con mình có các biểu hiện như: chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, hành vi... nhiều phụ huynh ngộ nhận có thể tìm được cách chữa như làm lễ cúng, kêu thầy gọi thợ mong trẻ sẽ được điều trị khỏi hoàn toàn.
Bỗng nhiên thấy con mình có các biểu hiện như: chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, hành vi... nhiều phụ huynh ngộ nhận có thể tìm được cách chữa như làm lễ cúng, kêu thầy gọi thợ mong trẻ sẽ được điều trị khỏi hoàn toàn.
Chị Lan Anh cùng con gái tập các bài tập phục hồi chức năng tại trung tâm chăm sóc đặc biệt cho trẻ - Ảnh: HÀ THANH |
Theo các bác sĩ, sau dịch COVID-19 nhiều trẻ bị ảnh hưởng.
Làm lễ cúng, gọi thầy về chữa bệnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, BS Tôn Nữ Vân Anh, phó trưởng khoa nhi thần kinh tự kỷ - Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết việc phụ huynh có con mắc các bệnh lý về chậm phát triển tìm cách đưa con đi khám, chữa bệnh nhiều nơi (không phải đến bệnh viện) khá phổ biến.
Thậm chí nhiều gia đình làm lễ cúng, kêu thầy gọi thợ về để mong rằng con sẽ khỏi bệnh. Thế nhưng thực tế, các bệnh lý về chậm phát triển ở trẻ không giống như những bệnh lý khác là có thể điều trị "đích".
Trẻ mắc các bệnh lý chậm phát triển phổ biến như chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển về ngôn ngữ, vận động. Có thể do hội chứng tự kỷ; bại não; Down; câm, điếc bẩm sinh... mỗi trẻ sẽ có mức độ chậm phát triển khác nhau.
Bà Phạm Thị Kim Tâm - chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam - cho biết trong giai đoạn dịch COVID-19 nhiều trẻ mất cơ hội giao tiếp, học hỏi nên có thể sẽ phát triển chậm hơn độ tuổi. Với trẻ chậm phát triển cần can thiệp cũng bị mất cơ hội can thiệp kịp thời, làm cho tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, sau dịch COVID-19 nhiều trường bị đóng cửa, giáo viên bỏ nghề, nên có tình trạng thiếu chỗ can thiệp, thiếu giáo viên can thiệp. Cha mẹ phải trả nhiều chi phí hơn để tìm giáo viên, khiến gia đình càng thêm khó khăn.
Chậm phát triển có điều trị được không?
Theo bà Kim Tâm, chỉ điều trị cho trẻ chậm phát triển để cho hết bệnh và để phát triển như bình thường là chưa đầy đủ. Theo đó, đối với trẻ chậm phát triển can thiệp y tế chỉ là một phần, phần khác là can thiệp giáo dục và các phương pháp hỗ trợ khác.
"Can thiệp trẻ chậm phát triển sẽ dễ hơn trẻ tự kỷ. Phụ huynh và giáo viên cùng đưa ra các mục tiêu, kỹ năng vừa sức với trẻ, thống nhất cách dạy và cùng dạy, tốc độ chậm và chia nhỏ bài học để trẻ dễ tiếp thu. Áp dụng những kỹ năng đã học được vào cuộc sống. Phụ huynh cần vui vẻ, lạc quan, chấp nhận khả năng của trẻ để đừng đặt mục tiêu, kỳ vọng quá cao", bà Tâm cho biết.
Theo BS Vân Anh, hiện nay sau khi sinh tại các bệnh viện có thể phát hiện sớm những khuyết tật bẩm sinh của trẻ qua xét nghiệm máu gót chân. Nếu cha mẹ phát hiện sớm, bác sĩ sẽ tư vấn và can thiệp sớm để trẻ phục hồi bằng các phương pháp khoa học hiện đại.
Đối với trẻ mắc các hội chứng tự kỷ, bại não hay chậm phát triển trí tuệ cần có thêm thời gian để theo dõi, đánh giá. Những trẻ này thường có biểu hiện sớm như trẻ sơ sinh không khóc đòi bú, không tương tác bằng ánh mắt; trẻ đến tuổi vẫn chậm về hành động: chậm lẫy, ngồi, đứng, đi... hay chậm phát triển ngôn ngữ, chậm nói, diễn đạt khó khăn...
Trẻ kém hiểu biết về các quy luật xã hội căn bản, không ý thức được hậu quả hành vi của mình, chậm chạp, ít linh hoạt... Với bất kỳ biểu hiện nào trẻ phát triển không đúng lứa tuổi thì cha mẹ nên theo dõi và đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để đánh giá.
Với những trẻ chậm phát triển nhẹ như khó nói, khó đọc, chậm giao tiếp... được can thiệp sớm trẻ có thể khắc phục và hòa nhập tốt.
Đối với những trẻ chậm phát triển nặng hơn như mắc các hội chứng bại não, tự kỷ, Down, hầu hết các can thiệp chỉ giúp trẻ về kỹ năng, khắc phục tình trạng khiếm khuyết của trẻ chứ không thể hoàn toàn khỏi bệnh như nhiều người đồn thổi.
Trách nhiệm của phụ huynh?
Theo bà Đinh Thị Lan Anh, chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, cho rằng vụ việc đáng tiếc mới đây gây tử vong cho trẻ tại tỉnh Lâm Đồng là một hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh. Bản thân cũng có con mắc bệnh bại não (một bệnh lý chậm phát triển cả về vận động và trí tuệ), bà Lan Anh thấu hiểu được cảm xúc, tâm lý của cha mẹ khi con mình không may mang bệnh.
Theo bà Lan Anh, khi cha mẹ nhận thấy con có những biểu hiện mắc các hội chứng tự kỷ, bại não hay các bệnh lý chậm phát triển khác đều có tâm lý là không chấp nhận sự thật rằng con mình mắc bệnh.
Lúc này, cha mẹ có suy nghĩ: "Con tôi không thể mắc bệnh này được" hay tin rằng sẽ có một phép màu xảy ra. Vì vậy, cha mẹ thường sẽ không tìm hiểu ngay về bệnh lý mà con gặp phải, thay vào đó sẽ đưa con đi "vái tứ phương" để điều trị bệnh.
Trong Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, không ít những cha mẹ đăng lên diễn đàn hỏi về phương thuốc điều trị, về ông này bà kia điều trị có tốt không, có khỏi bệnh không. Lúc ấy, cha mẹ vẫn còn một niềm tin rằng con sẽ được chữa khỏi và trở thành người bình thường.
Tuy nhiên, đối với trẻ mắc các hội chứng tự kỷ hay bại não thì không có phương thuốc nào điều trị khỏi. Những đứa trẻ chỉ có thể cải thiện được những khiếm khuyết khi mắc các hội chứng này.
Bởi vậy, việc đầu tiên khi cha mẹ phát hiện con có những biểu hiện bất thường, cần xác định con mắc phải bệnh gì. Sau đó hãy bình tĩnh, chấp nhận rằng sẽ đồng hành cùng con để cải thiện tình trạng của con.
Nhiều cơ sở chăm sóc trẻ chậm phát triển không có sự kiểm soát Theo BS Vân Anh, hiện nay rất nhiều trung tâm chăm sóc cho đối tượng trẻ gặp các vấn đề về chậm phát triển không được cấp phép, hoạt động không có sự kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết việc chăm sóc cho trẻ lại chưa được chú trọng. Trong khi đó, nếu trẻ được chẩn đoán sớm (trước 2-3 tuổi), được can thiệp chăm sóc đặc biệt trẻ có thể hòa nhập cuộc sống tốt hơn. "Hiện nay ở Việt Nam vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc như trẻ bị lợi dụng, hay thậm chí tử vong như trường hợp vừa xảy ra", BS Vân Anh nói |
Theo DƯƠNG LIỄU - THU HIẾN/Báo điện tử Tuổi trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin