Sức khỏe và thuốc lá

Cô gái trẻ có thể già đi 36 tuổi chỉ sau vài giờ đột quỵ

Cập nhật, 11:03, Thứ Ba, 20/09/2022 (GMT+7)
Một bệnh nhân trẻ bị đột quỵ được can thiệp, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.
Một bệnh nhân trẻ bị đột quỵ được can thiệp, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

(VLO) Mỗi phút trôi qua, bệnh nhân đột quỵ mất khoảng 2 triệu tế bào não. Nếu không được can thiệp kịp thời, chỉ vài giờ sau đột quỵ, một cô gái trẻ có thể sẽ trở thành bà lão, tuổi thọ rút ngắn khoảng 36 năm.

Thông tin trên được PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng- Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh, đưa ra tại Chương trình đào tạo y khoa liên tục Cập nhật chẩn đoán và điều trị đột quỵ “Từ lý thuyết đến thực hành” diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ, PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện phương án phòng bệnh hơn chữa bệnh.

“Những người có nguy cơ cao của bệnh đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có các bệnh lý nền khác cần chủ động tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ.

Những người hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, dư cân cần bỏ thuốc, giảm rượu bia, thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học để tránh nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra”- bác sĩ Huy Thắng khuyến cáo.

Theo PGS. Nguyễn Huy Thắng, quá trình lão hóa của cơ thể là quy luật sinh học và não bộ của con người cũng vậy.

Quá trình lão hóa sẽ khiến các tế bào thần kinh chết dần theo độ tuổi ngày càng cao của con người. Tuy nhiên, tính toán của các nhà khoa học cho thấy, đột quỵ sẽ đẩy nhanh đến mức chóng mặt tốc độ lão hóa não bộ.

“Khi mỗi người càng lớn tuổi thì tế bào não chết càng nhiều dẫn đến trí nhớ ngày càng giảm. Điều đó cho thấy, trong quá trình lão hóa bình thường, các tế bào não cũng chết đi nhưng khi bị đột quỵ chỉ trong một thời gian rất ngắn tế bào não đã mất đi quá nhiều.

Tổng số tế bào não của cơ thể lão hóa mất đi trong thời gian 36 năm mới bằng 1 lần đột quỵ. Do đó, một cô gái mới khoảng 25 tuổi nhưng chỉ cần 1 lần đột quỵ có thể trở thành bà già ngoài 60 tuổi”- bác sĩ Huy Thắng thông tin.

Tại Việt Nam, vì nhiều lý do, rất ít bệnh nhân đột quỵ gặp được bác sĩ điều trị trong khung giờ vàng. Tại TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cả về mạng lưới điều trị đột quỵ lẫn thường thức y tế trong cộng đồng mà tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị trong khung giờ vàng chỉ 14%.

Trong khung giờ vàng ấy, điều trị đột quỵ tốt nhất hiện nay là tái thông mạch máu não. “Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Thế nhưng chỉ khoảng 2% người được tái thông mạch máu.

98% bệnh nhân đột quỵ còn lại chỉ được điều trị theo hướng bảo tồn, tức là cố gắng nhất có thể để giữ lại phần não bộ chưa bị tổn thương. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận các di chứng của đột quỵ nặng nề hoặc tử vong”- PGS. Huy Thắng thông tin.

“Chính vì lẽ đó, ngoài nỗ lực nâng cao hơn nữa tỷ lệ điều trị tái thông thành công bằng các tiến bộ y học, việc quan trọng nhất mà thế giới vẫn đang làm là dự phòng đột quỵ.

Đây là điều cần nhất mà mọi người trong chúng ta điều có thể làm để phòng tránh đột quỵ. Rõ ràng là, không xảy ra đột quỵ thì không ai trong chúng ta phải đối mặt với những rủi ro của bệnh lý này”- PGS. Huy Thắng chia sẻ.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG