Bước đột phá trong điều trị bệnh tim mạch, đột quỵ

Cập nhật, 06:02, Thứ Tư, 21/09/2022 (GMT+7)
Lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP Cần Thơ cùng các chuyên gia cắt băng khánh thành robot Corindus GRX và phòng DSA 3 tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.
Lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP Cần Thơ cùng các chuyên gia cắt băng khánh thành robot Corindus GRX và phòng DSA 3 tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

(VLO) Ngày 15/9, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quốc tế S.I.S Cần Thơ trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sở hữu robot can thiệp mạch máu Corindus (thế hệ thứ hai, trị giá khoảng 1 triệu USD). Đây là robot hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á tại thời điểm này (đã được chứng nhận FDA và CE để sử dụng trong can thiệp DSA).

Hình ảnh chi tiết kết hợp với sự can thiệp có hỗ trợ của robot giúp tăng độ chính xác cho liệu pháp xâm lấn tối thiểu, giảm nguy cơ tiếp xúc với tia xạ cho cả bệnh nhân (BN)- bác sĩ (BS) và có thể can thiệp từ xa.

Giảm mức độ phơi nhiễm bức xạ ngoạn mục

TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, can thiệp động mạch vành qua da được thực hiện rộng rãi hơn 2 thập kỷ với hàng triệu BN trên thế giới được cứu sống. Đặc biệt trong năm vừa qua, kỹ thuật này có bước tiến không ngừng, nhất là chứng kiến sự ra đời của robot Corindus.

Robot Corindus có nhiều ưu điểm như: Chuẩn xác, hỗ trợ BS thực hiện kỹ thuật cao trong can thiệp mạch máu thời gian nhanh nhất.

Những ca can thiệp mạch vành đầu tiên được triển khai thành công ngay tại BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ do PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng- Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đảm trách cùng ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường- Trưởng khoa Tim mạch và ê kíp của bệnh viện với sự hỗ trợ từ BS. Ravikant Patil- Ấn Độ. Ông là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng dụng robot Corindus trong can thiệp mạch.

Với tính năng có thể điều khiển từ xa, robot Corindus sẽ tiếp cận đến tiêu chuẩn chất lượng can thiệp cho bệnh nhân trên toàn cầu.
Với tính năng có thể điều khiển từ xa, robot Corindus sẽ tiếp cận đến tiêu chuẩn chất lượng can thiệp cho bệnh nhân trên toàn cầu.

PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng đánh giá cao vai trò của việc ứng dụng Corindus: “Nếu không có robot, bác sĩ can thiệp phải đứng trực tiếp trong phòng DSA với áo chì nặng 6- 8kg, liên tục tạo ra gánh nặng trên cột sống, chịu tác động trực tiếp của tia xạ trong suốt hàng chục năm sự nghiệp.

Nhờ việc ứng dụng robot trong can thiệp, không chỉ BN, mà ngay cả BS cũng không còn lo ngại các chấn thương về tư thế đứng hay các bệnh lý như u não, viêm mống mắt, viêm màng bồ đào do tiếp xúc với tia xạ trong thời gian dài”.

Ngoài ra, can thiệp bằng robot sẽ giúp tăng khả năng đo đạc, tính toán chính xác tổn thương hẹp mạch máu để xác định đúng số lượng stent cần đặt.

Thời gian thực hiện các ca can thiệp phức tạp có sự hỗ trợ của robot sẽ nhanh hơn thực hiện thủ thuật can thiệp bằng tay, đặc biệt là đối với những ca can thiệp mạch vành cần đặt 2 stent.

Hơn nữa, can thiệp bằng robot giúp tăng độ chính xác và ổn định chất lượng trong can thiệp, nhất là các ca tái tưới máu cấp cứu cho BN hội chứng mạch vành cấp hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Đây là những điểm khác biệt mà Corindus mang lại.

Đáng chú ý, độ chính xác của robot Corindus có thể đạt đến từng sub-milimet. Đồng thời hỗ trợ BS chọn đúng kích thước stent vì đo được độ dài tổn thương trực tiếp trong lòng mạch.

Đối với BN, việc ứng dụng robot sẽ giúp thời gian thực hiện các trường hợp phức tạp nhanh hơn, đặc biệt đối với những ca can thiệp mạch vành cần đặt 2 stent. Nhờ thời gian được rút ngắn, nguy cơ phơi nhiễm bức xạ cũng giảm đến 21%.

Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ và internet, BS có thể điều khiển từ xa giữa các bệnh viện với nhau, nhờ đó BN không cần di chuyển quá nhiều lần mà vẫn tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu thế giới đang sử dụng robot như: Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản...

Qua đó, giúp các BS có thể trực tiếp hội chẩn và điều khiển cánh tay robot để thực hiện các kỹ thuật can thiệp mạch máu phức tạp.

Bước đột phá mới trong điều trị bệnh tim mạch, đột quỵ

Các bác sĩ có thể trực tiếp hội chẩn và điều khiển cánh tay robot để thực hiện các kỹ thuật can thiệp mạch máu phức tạp.
Các bác sĩ có thể trực tiếp hội chẩn và điều khiển cánh tay robot để thực hiện các kỹ thuật can thiệp mạch máu phức tạp.

“Việc BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ là đơn vị đầu tiên ứng dụng robot Corindus tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á sẽ tạo nên bước đột phá trong can thiệp những bệnh lý tim mạch, ngoại biên và thần kinh phức tạp, mở ra cơ hội điều trị bằng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả cho người bệnh”- TS.BS Trần Chí Cường khẳng định.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông- Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nhận định, ngày hôm nay Việt Nam đã gia nhập vào bản đồ ứng dụng robot trên thế giới trong lĩnh vực can thiệp mạch, điều này mang lại lợi ích không chỉ cho BN mà cả các BS.

Tham dự lễ khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống robot Corindus, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, những bệnh về tim mạch, đột quỵ hiện là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, thậm chí có trẻ em chỉ mới 4 tuổi cũng bị đột quỵ do tắc tĩnh mạch nội sọ, điều trước đây vô cùng hiếm gặp.

“Báo cáo của 1.400 bệnh viện gửi về cho Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho thấy, 70% BN hiện nay ở các bệnh viện là bệnh không lây nhiễm, bao gồm tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, chấn thương- tai nạn, béo phì…” - lãnh đạo Bộ Y tế nói.

Trong đó, bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Các kỹ thuật can thiệp tim mạch kinh điển được thầy thuốc Việt Nam triển khai từ rất sớm và rất thành công với những đôi bàn tay khéo léo đã cứu sống được rất nhiều người.

Và với việc ứng dụng kỹ thuật mới- robot can thiệp mạch Corindus tại S.I.S Cần Thơ được PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê đánh giá là bước tiến vượt bậc mang lại độ chính xác, an toàn và hiệu quả cao, phù hợp với xu hướng hội nhập với thế giới. Hơn nữa, trong tương lai, khi đường truyền tốt, có thể ứng dụng đến vùng sâu, vùng xa, giảm thiểu gánh nặng cho người nhà và BN.

TS.BS Trần Chí Cường cho biết, hệ thống Corindus là niềm mơ ước của các BS can thiệp trong phòng DSA. Chi phí đầu tư cho hệ thống robot này khoảng 1 triệu USD (trên 20 tỷ). Song vấn đề quan trọng hơn là can thiệp bằng robot sẽ cần chi trả thêm vật tư tiêu hao là cassette (khoảng 1.000 USD), vì vậy ông mong rằng trong tương lai danh mục này sẽ được BHYT chi trả để giảm gánh nặng kinh tế tối thiểu nhất cho BN khi thụ hưởng các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN