Châu Âu tìm cách giảm bớt khách du lịch

02:05, 14/05/2024

Trong lúc nhiều nơi mong muốn thu hút khách du lịch thì có những điểm đến lại đối mặt với tình trạng quá tải khiến trải nghiệm của du khách không được trọn vẹn, còn người dân địa phương rơi vào mệt mỏi. Tại châu Âu, các phong trào phản đối du lịch quá mức đang xuất hiện ở nhiều điểm đến.

Trong lúc nhiều nơi mong muốn thu hút khách du lịch thì có những điểm đến lại đối mặt với tình trạng quá tải khiến trải nghiệm của du khách không được trọn vẹn, còn người dân địa phương rơi vào mệt mỏi. Tại châu Âu, các phong trào phản đối du lịch quá mức đang xuất hiện ở nhiều điểm đến.

Từ quần đảo Canary (Tây Ban Nha), Venice (Italy) đến Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp)... hay những điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu, cụm từ “quá tải du lịch” được nhiều người nhắc đến trong mùa hè này. Sự quá tải du lịch thường bắt nguồn từ việc khách du lịch tăng đột biến theo mùa hoặc trong các dịp nghỉ lễ.

Tuy nhiên, đối với những địa điểm nổi tiếng như quần đảo Canary hay thành phố Barcelona ở Tây Ban Nha, Venice ở Italy, thủ đô Paris ở Pháp… thì việc quá tải du lịch diễn ra thường xuyên và quanh năm dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng.

Không chỉ ở châu Âu mà khái niệm này còn được sử dụng tại nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản hay Trung Quốc, để miêu tả sự tăng trưởng nhanh và quá mức của khách du lịch dẫn đến tình trạng quá tải lượng người tại những khu vực mà dân cư phải chịu hậu quả, ép buộc họ phải vĩnh viễn thay đổi lối sống, quyền sử dụng các tiện nghi và sức khỏe toàn diện chung.

Bãi biển Las Palmas, trên đảo Gran Canary quá tải bởi khách du lịch - Ảnh: La Tribune
Bãi biển Las Palmas, trên đảo Gran Canary quá tải bởi khách du lịch - Ảnh: La Tribune

Đơn cử như ở Venice (Italy), thành phố này đón trung bình khoảng 30 triệu du khách một năm với dân số nội thành rơi vào khoảng xấp xỉ 50.000 người.

Như vậy mỗi một ngày, một người dân Venice, không quan tâm ngành nghề hay tuổi tác, phải tiếp đón 1,5 người khách du lịch.

Trên thực tế, con số này còn lớn hơn. Theo báo cáo của Ủy ban thành phố, mỗi đêm có khoảng 100.000 du khách nghỉ lại Venice.  

Tương tự như vậy, quần đảo Canary với khoảng 2 triệu dân đã đón 14 triệu du khách trong năm 2023. Trung bình mỗi người dân phải tiếp đón 7 người khách du lịch.

Dù số lượng khách không đông bằng Venice nhưng vì là quần đảo nên điều kiện giao thông khó khăn.

Chỉ riêng việc vận chuyển khách cũng như các vật tư, thực phẩm cũng khiến giao thông đường bộ, đường thủy bị quá tải và ô nhiễm quanh năm.

Các thành phố lớn khác ở châu Âu như Paris, Barcelona hay Amsterdam cũng phải đối mặt với lượng du khách khổng lồ.

Pháp đón trung bình khoảng 80 triệu du khách mỗi năm và hầu hết đều đến thăm Paris. Nội đô Paris, với hơn 2 triệu dân, vốn đã kết thúc quy hoạch từ nhiều năm trước, vẫn luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải người, nay lại càng khó khăn hơn với lượng khách du lịch đông đảo.

Tình hình ở Barcelona hay Amsterdam có khá hơn đôi chút nhưng nhìn chung các cơ sở hạ tầng vẫn không thể đáp ứng được đại đa số khách du lịch. 

Hệ lụy từ quá tải du lịch

Theo các chuyên gia, một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của việc quá tải du lịch, đó là ô nhiễm. Ở đây, không chỉ đơn giản là ô nhiễm môi trường, mà còn cả ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không gian sống…

Trên thực tế, tại những địa điểm du lịch nổi tiếng như Venice hay quần đảo Canary, số lượng du khách lớn đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều rác thải.

Lực lượng dọn vệ sinh luôn trong tình trạng quá tải và không thể xử lý theo đúng quy chuẩn sẽ dẫn đến hậu quả là rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường.

Chưa kể do nhu cầu đi lại cao của khách du lịch nên giao thông tại các địa phương này lúc nào cũng ùn tắc, gây thêm ô nhiễm tiếng ồn.

Thêm vào đó, những không gian thành thị vốn chỉ thiết kế cho khoảng 70.000 - 80.000 người dân, nay lại phải "nhồi nhét" số lượng người gấp đôi hoặc gấp 3 tiêu chuẩn cũng dẫn đến việc ô nhiễm không khí.

Do lo ngại về vấn đề sức khỏe, nhiều người dân địa phương các địa điểm du lịch nổi tiếng đã lựa chọn rời xa thành phố để tìm không gian sống tốt hơn.

Điều này lại dẫn đến hệ quả thiếu thốn nhân lực để tiếp đón khách du lịch. Hơn nữa, việc khách du lịch ồ ạt đến quanh năm cũng làm các dịch vụ khách sạn, nhà ở và cơ sở hạ tầng liên tục xuống cấp do không đủ thời gian bảo trì và cải tạo.

Khách đông dẫn đến giá thuê nhà tăng cao, điều này thu hút các nhà đầu tư tập trung vào kinh doanh dịch vụ khách sạn, kéo theo giá nhà tại các điểm du lịch nổi tiếng tăng lên chóng mặt.

Những người dân địa phương vẫn còn đang lưỡng lự không muốn chuyển đi lại có thêm lý do để rời thành phố. Ngược lại, người dân lao động hoàn toàn không có khả năng chi trả hay mua nhà tại nơi đây.

Tóm lại, dân số liên tục sụt giảm dẫn đến vấn đề thiếu hụt lao động tại các địa điểm này ngày một trầm trọng hơn. Đây là một "vòng lặp ác tính" khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đau đầu vì chưa có lời giải.

Ngoài ra, việc du lịch phát triển cũng khiến các ngành nghề truyền thống của địa phương bị mai một và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch, không một ai muốn vất vả tiếp tục duy trì nghề của cha ông ít được mọi người quan tâm trong khi có cơ hội kiếm tiền dễ hơn.

Thậm chí, một số nhà xưởng đã nhanh chóng bị biến thành địa điểm tham quan, còn những tinh hoa truyền thừa từ bao đời nay chỉ còn được biết đến qua lời kể hay tranh ảnh.

Cuộc tuần hành phản đối quá tải du lịch tại quần đảo Canary, Tây Ban Nha. Nguồn: Reuters
Cuộc tuần hành phản đối quá tải du lịch tại quần đảo Canary, Tây Ban Nha. Nguồn: Reuters

Cân bằng giữa nguồn thu và lợi ích cộng đồng

Trên thực tế, trước Venice, việc thu phí du lịch đã được áp dụng tại nhiều quốc gia ở châu Âu như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, nhưng kết quả lại không như mong đợi.

Người dân tại các địa điểm áp đặt việc thu phí cho rằng điều này chỉ đem lại nhiều phiền phức hơn, khi người nhà của họ ở những địa phương khác giờ đây phải "trả phí" để có thể đoàn tụ.

Nhưng đó không phải là điều khiến họ khó chịu nhất, đại đa số những người dân liên quan khẳng định chính quyền đang đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những vấn đề thực tế và thay vào đó, làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Theo người dân địa phương, việc áp đặt phí tham quan sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì khi đại đa số du khách đã chi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn euro để đến đây du lịch. Thêm vào đó, vấn đề sử dụng nguồn tài chính thu được từ phí tham quan cũng khiến người dân lo ngại.

Ngoài biện pháp thu phí, một số địa phương cũng đề xuất chia nhỏ khách du lịch thành những nhóm dưới 20 người hoặc hạn chế số lượng người tham quan hay cấm tàu bè có trọng tải lớn.

Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có tác dụng về mặt hình thức, bởi đại đa số khách du lịch vẫn sẽ cố gắng thay đổi lịch trình tham quan để đáp ứng các quy chế mới.

Trước thực tế này, các nhà chức trách đang cố gắng hướng khách du lịch tham gia vào các chương trình du lịch bền vững.

Cụ thể, xu hướng du lịch này sẽ đưa du khách tránh xa các địa điểm du lịch đông đúc, đề cao vấn đề trải nghiệm cá nhân thay vì tham quan ồ ạt; lựa chọn mùa du lịch thấp điểm để tăng cường sự riêng tư hay khuyến khích du khách hòa mình vào văn hóa, ẩm thực và truyền thống, đồng thời giảm tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương. 

Trong báo cáo mới nhất về xu hướng du lịch do nền tảng Booking.com tiến hành, có hơn 60% người tham gia khảo sát hưởng ứng xu thế du lịch bền vững.

Nhiều du khách đã lựa chọn khám phá những điểm đến mới và các quốc gia ít được biết đến hơn như các quốc gia Nam Mỹ hay châu Phi, thay vì tập trung đến những địa điểm nóng ở châu Âu như Venice hay Paris.

Theo Anh Tuấn/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh