Giữa năm nay, các nhà kinh tế hàng đầu tại 67 quốc gia đã gửi thư chung lên Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới (WB) để hối thúc các chính sách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang tăng mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Giữa năm nay, các nhà kinh tế hàng đầu tại 67 quốc gia đã gửi thư chung lên Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới (WB) để hối thúc các chính sách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang tăng mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Người có hoàn cảnh khó khăn kinh doanh bằng nghề bán vé số dạo trên đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Giữa năm nay, các nhà kinh tế hàng đầu tại 67 quốc gia đã gửi thư chung lên Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới (WB) để hối thúc các chính sách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang tăng mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
"Chưa bao giờ cuộc chiến nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và phần còn lại của chúng ta lại cấp bách hơn thế. Bình đẳng là chìa khóa cho một thế giới tốt đẹp hơn và để giải quyết tình trạng suy thoái trước khi quá muộn" - ông Max Lawson, người đứng đầu chính sách bất bình đẳng tại Tổ chức Oxfam International, nói trên tờ Guardian.
Khoảng cách giàu nghèo là vấn đề nhức nhối tại Thái Lan từ lâu. Đài PBS dẫn số liệu thống kê cho thấy chủ đất lớn nhất tại nước này sở hữu đến hơn 1.000km2 đất trong khi vô số nông dân không có đất.
Theo báo cáo tài sản toàn cầu hằng năm của Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, hơn một nửa người Thái trưởng thành (53,6%) có tài sản dưới 10.000 USD, 43,8% có tài sản từ 10.000 - 100.000 USD. 2,5% dân số còn lại sở hữu tài sản từ 100.000 đến 1 triệu USD và chỉ 0,2% dân số tài sản có trên 1 triệu USD.
Trong báo cáo này, Thái Lan được xếp là quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới. "Từ năm 2009 - 2022, tài sản của 40 người giàu nhất Thái Lan đã tăng 5,7 lần lên 143 tỉ USD.
Đồng thời, khoảng 2,9 triệu trẻ em Thái Lan sống trong các gia đình mà mỗi thành viên có trung bình 2.577 baht (73 USD) để chi tiêu mỗi tháng" - ông Nitirat Sapsomboon, điều phối viên của mạng lưới WeFair thúc đẩy các chính sách thu hẹp bất bình đẳng kinh tế và xã hội, nói.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã tuyên bố ưu tiên của ông là chống đói nghèo và nâng cao phúc lợi cho người dân.
Chính quyền của ông đã đề xuất các chính sách giải quyết vấn đề nợ nần của nông dân, doanh nghiệp và người dân; giảm chi phí năng lượng; tạo thêm thu nhập từ du lịch; tạo cơ hội nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tương tự, Philippines cũng có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất nhì ở khu vực Đông Á, dù các nỗ lực của nước này đã giảm đáng kể tỉ lệ nghèo trong những thập niên qua. Theo WB, chỉ 1% dân số kiếm được 17% tổng thu nhập toàn quốc trong khi 50% dân số có thu nhập thấp nhất chỉ kiếm được 14%.
Theo các chuyên gia, cơ hội không bình đẳng, khả năng tiếp cận giáo dục đại học thấp ở các hộ gia đình có thu nhập thấp, các chuẩn mực xã hội đặt gánh nặng chăm sóc trẻ em nặng nề hơn lên phụ nữ đã làm chậm quá trình thu hẹp bất bình đẳng ở Philippines, đặc biệt là trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.
Hồi đầu năm 2023, các quan chức Liên Hiệp Quốc cũng hối thúc các nước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo vốn bị nới rộng sau đại dịch.
Gilbert Houngbo, tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khẳng định: "Bất bình đẳng không phải là không thể tránh khỏi; đó là kết quả của những lựa chọn chính trị".
Hơn 200 triệu người trên khắp thế giới đang thất nghiệp, còn mức lương thực tế giảm dần, trong khi 10% người giàu nhất thế giới chiếm 52% thu nhập toàn cầu. Để chống lại vòng xoáy nguy hiểm này, ông kêu gọi đầu tư vào công bằng xã hội, bao gồm cả việc tạo cơ hội việc làm tử tế.
Tại khu vực châu Á, ông Srinivas Tata, lãnh đạo Ban phát triển xã hội của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc tại châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), nói rằng trong hơn 2,1 tỉ lao động tại khu vực, có 1,4 tỉ người làm việc không chính thức và với 600 triệu người làm trong lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp.
Hầu hết người lao động không được trang bị đầy đủ kỹ năng để ứng phó với các xu hướng lớn đang nổi lên như biến đổi khí hậu, xã hội già hóa và số hóa, đồng thời phải đối mặt với môi trường làm việc nguy hiểm.
Theo TRẦN PHƯƠNG/Báo điện tử Tuổi trẻ