Đề xuất kế hoạch 10 điểm về nhân đạo tại Gaza

Cập nhật, 08:27, Chủ Nhật, 19/11/2023 (GMT+7)

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã công bố kế hoạch gồm 10 điểm nhằm kiềm chế thương vong và tránh một thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza. Kế hoạch này tập trung vào việc mở rộng các hoạt động cứu trợ ở Gaza, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo và trả tự do cho các con tin bị bắt giữ.

Vận chuyển hàng viện trợ tại thành phố Khan Younis ở dải Gaza.
Vận chuyển hàng viện trợ tại thành phố Khan Younis ở dải Gaza.

Sáng kiến 10 điểm của OCHA cũng đề xuất mở thêm các cửa khẩu vào Dải Gaza, bên cạnh cửa khẩu Rafah từ Ai Cập và cho phép các nhà thầu tư nhân tham gia kế hoạch này. Sáng kiến cũng lưu ý cần bảo đảm nguồn tài chính cho kế hoạch cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc và số tiền này lên tới 1,2 tỷ USD.

Kêu gọi kế hoạch hòa bình toàn diện

Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk nhấn mạnh, các bên liên quan xung đột Hamas-Israel có trách nhiệm giải trình về các cuộc giao tranh đang diễn ra.

Ông Turk cho biết: “Những cáo buộc vi phạm luật nhân đạo quốc tế một cách nghiêm trọng và dưới nhiều hình thức cần được điều tra nghiêm ngặt và dù ai vi phạm cũng đều phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”.

Cao ủy Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về sự gia tăng bạo lực và sự phân biệt đối xử nghiêm trọng đối với người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem.

Ông kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời nhấn mạnh sự chiếm đóng của Israel phải chấm dứt. Theo Cao ủy Liên hợp quốc, tự do của Israel gắn bó chặt chẽ với tự do của người Palestine. Người Palestine và Israel là hy vọng hòa bình duy nhất của nhau.

Trong thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhóm The Elders (nhóm tập hợp các cựu lãnh đạo thế giới cùng vận động thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế và hòa bình) kêu gọi Tổng thống Biden cần nắm bắt cơ hội lịch sử để đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, song kế hoạch này cần bao gồm một giải pháp chính trị lâu dài cho cả hai bên xung đột.

Cao ủy Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về sự gia tăng bạo lực và sự phân biệt đối xử nghiêm trọng đối với người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem.

Chủ tịch The Elders, cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson cùng cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun và các nhà cựu lãnh đạo khác cho rằng, lịch sử sẽ ghi nhận vai trò lãnh đạo của Tổng thống Biden nếu ông có thể xây dựng một liên minh các đối tác để tìm một giải pháp công bằng và đưa ra một kế hoạch khả thi đối với cuộc xung đột Hamas-Israel.

Kế hoạch này phải dựa trên giải pháp hai nhà nước. Họ cũng lưu ý, mọi kế hoạch do Tổng thống Biden thúc đẩy cần phù hợp luật pháp quốc tế, xác định đối tượng sẽ phụ trách kiểm soát Dải Gaza, giải tỏa mối quan ngại an ninh của Israel và phải chấm dứt sự chiếm đóng của Israel ở đất của người Palestine.

Trong cuộc điện đàm với lãnh đạo đảng Đoàn kết quốc gia đối lập Benny Gantz, thành viên trong “nội các thời chiến” do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thành lập, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken kêu gọi Israel khẩn trương hành động nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực chống người Palestine ở Bờ Tây.

Phản đối hành động tấn công các bệnh viện

Bộ trưởng Blinken có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ai Cập để thảo luận về nỗ lực gia tăng viện trợ nhân đạo cho người Palestine. Ông Blinken nhắc lại tầm quan trọng của những biện pháp cụ thể nhằm giảm thiệt hại đối với dân thường Palestine ở Dải Gaza, đồng thời tái khẳng định quan điểm của Washington phản đối chính sách buộc người dân Palestine rời bỏ nhà cửa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố, Washington đặc biệt quan ngại trước vụ tấn công nhằm vào một bệnh viện dã chiến của Jordan ở Gaza hôm 15/11 khiến bảy nhân viên y tế bị thương. Các bệnh viện phải được bảo đảm an toàn và không trở thành mục tiêu bị tấn công.

Các bên liên quan phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, triển khai mọi bước đi nhằm giảm thiểu tổn thương cho dân thường.

Giám đốc Chương trình Cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini cho biết, cơ quan của ông, nơi hỗ trợ hơn 800.000 người di tản ở Dải Gaza, có nguy cơ phải đình chỉ hoàn toàn hoạt động. Những tuần qua, UNRWA đã nhiều lần đề nghị được tiếp cận nhiên liệu, song yêu cầu này vẫn chưa được giải quyết.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc đánh giá, với chỉ 10% nguồn cung cấp thực phẩm cần thiết được đưa vào Dải Gaza kể từ khi bắt đầu xung đột, khu vực này đang phải đối mặt tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và nạn đói lan rộng vì gần như toàn bộ người dân đang rất cần được hỗ trợ lương thực. Trong khi đó, tình trạng thiếu nhiên liệu cũng làm tê liệt hoạt động phân phối và nhân đạo.

Theo Báo điện tử Nhân dân