Tối hậu thư của Nga cho Ukraine và triển vọng đàm phán chấm dứt xung đột

12:12, 29/12/2022

Một bước ngoặt mang tính quyết định trên chiến trường vào năm 2023 có thể làm thay đổi tính toán của các bên nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng cả Nga và Ukraine đều đang rơi vào một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.

Một bước ngoặt mang tính quyết định trên chiến trường vào năm 2023 có thể làm thay đổi tính toán của các bên nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng cả Nga và Ukraine đều đang rơi vào một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.

Nga ra tối hậu thư cho Ukraine

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 11. Giữa bối cảnh đó, ngày 25/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột nhưng Kiev và phương Tây đã bác bỏ khả năng này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Điện Kremlin cho biết Nga sẽ chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu trong khi Ukraine tuyên bố sẽ không dừng lại cho đến khi quân đội Nga bị đẩy lùi khỏi toàn bộ các vùng lãnh thổ, trong đó có cả Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014.

"Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với bất kỳ ai liên quan về những giải pháp có thể chấp nhận được nhưng điều đó là tùy thuộc vào họ. Chúng tôi không phải là bên từ chối đàm phán, họ mới là bên từ chối", Tổng thống Putin nói với kênh truyền hình Rossiya 1.

Một số nhà quan sát cho rằng ngay cả khi thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán, trong phát biểu ngày 25/12, Tổng thống Putin không đề cập đến Ukraine như một bên liên quan trong cuộc xung đột mà thay vào đó cho rằng Kiev là lực lượng ủy nhiệm của phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho rằng, những hành động của phương Tây đã cho thấy bản chất của cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

"Rõ ràng mục tiêu chiến lược của Mỹ và NATO là giành chiến thắng trước Nga trên chiến trường như một cơ chế để làm suy yếu hoặc thậm chí phá hủy đất nước chúng tôi. Các đối thủ của chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đạt được mục tiêu này", ông Lavrov cho hay.

Mặc dù thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán nhưng Nga cũng vạch rõ tối hậu thư cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Lavrov đã tuyên bố rõ rằng, Ukraine phải đáp ứng các yêu cầu của Nga về việc "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" tại các vùng lãnh thổ mà Ukraine kiểm soát.

Ông Lavrov cũng kêu gọi "loại bỏ các mối đe dọa với an ninh Nga tại đây, bao gồm cả trong các vùng lãnh thổ mới của chúng tôi".

"Chỉ còn một điều duy nhất cần làm là: hãy đáp ứng chúng (các yêu cầu của Nga) trước khi quá muộn. Nếu không thì quân đội Nga sẽ tự giải quyết vấn đề này. Đối với diễn biến của xung đột hiện nay, ‘bóng’ đang nằm trên sân của Washington và chính quyền Kiev", ông Lavrov đánh giá.

Lập trường của Ukraine và phương Tây

Ukraine và phương Tây đã bác bỏ đề xuất trên từ phía Nga. Thậm chí, trước đó, Giám đốc CIA William Burns cho rằng, trong khi hầu hết các cuộc xung đột đều kết thúc trên bàn đàm phán thì những đánh giá của CIA cho thấy Nga chưa nghiêm túc về những cuộc đàm phán thực sự.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine - ông Mykhailo Podolyak thì cho rằng Moscow cần quay về thực tế và thừa nhận rằng Nga không muốn đàm phán.

Tuần trước, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhận định với báo giới rằng phía Nga "hoàn toàn không có thái độ sẵn sàng đàm phán".

Mặc dù Tổng thống Putin đã nêu khả năng đàm phán nhưng phản ứng của Ukraine và phương Tây cho thấy các bên vẫn thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng, thái độ sẵn sàng đàm phán của Nga chỉ là "một chiến dịch thông tin có chủ đích nhằm đánh lạc hướng phương Tây để buộc Ukraine phải đưa ra những nhượng bộ ban đầu".

Alexander Rodnyansky, cố vấn kinh tế của Tổng thống Zelensky thì nhận định với CNN rằng bình luận của phía Nga có thể là một nỗ lực nhằm câu giờ trong cuộc xung đột hiện nay.

"Họ cần thời gian để tái tập hợp và xây dựng lực lượng. Chúng tôi sẽ không rơi vào cái bẫy này", ông Rodnyansky nhận định, cho rằng đó là một chiến lược của điện Kremlin để khiến các nước khác giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Kể từ cuối mùa hè năm 2022, với sự hỗ trợ từ phương Tây, Ukraine đã tiến hành hàng loạt cuộc phản công.

Tổng thống Zelensky và các quan chức chính quyền Kiev khẳng định họ sẽ tiếp tục tìm kiếm khả năng đàm phán, song không nêu ra bất kỳ hy vọng nào về việc sẽ đạt được một thỏa thuận đình chiến.

"Mỗi cuộc chiến đều kết thúc bằng con đường ngoại giao. Nhưng mỗi cuộc chiến đều kết thúc như kết quả của các hành động trên chiến trường và trên bàn đàm phán", ông Kuleba nói với AP ngày 26/12.

Ngoại trưởng Ukraine cũng cho rằng Liên Hợp Quốc nên là một bên trung gian hòa giải cho những cuộc trao đổi này.

"Liên Hợp Quốc là địa điểm phù hợp nhất để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trên bởi cơ quan này sẽ không thiên vị quốc gia nào", Ngoại trưởng Ukraine đánh giá.

Tổng thống Zelensky đã đưa ra đề xuất hòa bình 10 điểm của Ukraine tới các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 11.

Những điểm này bao gồm lộ trình đảm bảo an toàn hạt nhân, an ninh lương thực, một tòa án đặc biệt xét xử tội phạm chiến tranh và một thỏa thuận hòa bình cuối cùng với Moscow.

Ông cũng hối thúc các nhà lãnh đạo G20 sử dụng quyền lực của mình để "đảm bảo Nga sẽ từ bỏ đe dọa sử dụng hạt nhân" và áp giá trần lên năng lượng nhập khẩu từ Moscow.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước, ông Zelensky cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tán thành với kế hoạch đó.

Vì sao đàm phán khó có khả năng xảy ra?

Trong khi điện Kremlin khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi đạt được mục tiêu và Ukraine tỏ rõ mong muốn giành lại lãnh thổ cũng như quyền kiểm soát các khu vực theo đường biên giới trước năm 2014, hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy đàm phán có thể chấm dứt xung đột trong giai đoạn hiện nay.

Các nhà quan sát cho rằng cả Nga và Ukraine đều đang rơi vào một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài. Ảnh: AP
Các nhà quan sát cho rằng cả Nga và Ukraine đều đang rơi vào một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài. Ảnh: AP

Một bước ngoặt mang tính quyết định trên chiến trường vào Năm mới có thể làm thay đổi tính toán của các bên nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng cả Nga và Ukraine đều đang rơi vào một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.

Chuyến công du tới Mỹ của Tổng thống Ukraine Zelensky - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong 10 tháng, đã cho thấy mục đích của nhà lãnh đạo Ukraine trong việc khiến các nước phương Tây tiếp tục tập trung vào cuộc xung đột này cũng như đoàn kết trong việc hỗ trợ cho Kiev.

"Đối với tôi, là một Tổng thống, hòa bình tức là không có sự nhượng bộ về chủ quyền, tự do và sự thống nhất lãnh thổ", Tổng thống Zelensky cho hay trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Biden ở Nhà Trắng.

Tổng thống Biden cũng nói với báo giới rằng ông và Tổng thống Zelensky "có cùng tầm nhìn" về hòa bình.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định Washington và đồng minh sẽ tập trung vào việc tiếp tục "hỗ trợ Ukraine thành công trên chiến trường".

Trên thực tế, đàm phám giữa Nga và Ukraine khó đạt được là bởi cả hai bên đều kiên định trong các đề nghị của mình với đối phương, trong khi các đề nghị này hoàn toàn trái ngược nhau.

Trong khi Nga yêu cầu Ukraine từ bỏ các vùng lãnh thổ Moscow đã sáp nhập thì điều kiện của phía Kiev là điện Kremlin phải rút toàn bộ quân khỏi nước này và Ukraine sẽ không từ bỏ lãnh thổ. Về bản chất, những yêu cầu này đều liên quan đến lợi ích an ninh cốt lõi của mỗi bên.

Như Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nhận định, cuộc xung đột này sẽ được quyết định trên chiến trường trước khi bước vào đàm phán.

Còn theo ông Daniel Fried, cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan, cả hai bên đều cho rằng mình có thể làm tốt hơn. Nga cho rằng họ có thể làm suy yếu Ukraine bằng cách tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng và đặt cược rằng ủng hộ của phương Tây cho Kiev sẽ cạn kiệt dần.

Trong khi đó, Ukraine tin rằng họ có thể giải phóng các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát nhờ các vũ khí hiện đại từ Mỹ và NATO./.

Theo Kiều Anh/VOV.VN (tổng hợp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh