Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong năm 2022 đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử, thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch và hình thành một hệ thống năng lượng bền vững.
Năm 2022 là một năm thuận lợi đối với năng lượng tái tạo. Ảnh: AP |
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong năm 2022 đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử, thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch và hình thành một hệ thống năng lượng bền vững.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong năm 2022 khiến phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu, khí đốt và điện tăng mạnh.
Có nhiều yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng này như yếu tố kinh tế, thiếu hụt lao động, bất đồng, biến đổi khí hậu, kết hợp với những hệ lụy từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Mặt khác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá, cuộc khủng hoảng năng lượng đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử, thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch và hình thành một hệ thống năng lượng bền vững.
Các nước đồng loạt bật đèn xanh
Renew Power, một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất Ấn Độ, sẽ nằm trong số các tập đoàn lớn, nhỏ hy vọng nhận được một phần trong khoản quỹ 2,6 tỷ USD của chính phủ Ấn Độ nhằm khuyến khích chế tạo nội địa các bộ phận cần thiết để sản xuất năng lượng mặt trời. Đây là động lực lớn nhất từng thấy trong lịch sử ngành năng lượng Ấn Độ.
Giám đốc điều hành Renew Power, ông Sumant Sinha cho biết, quỹ dành cho năng lượng sạch của chính phủ Ấn Độ mang đến “một tín hiệu mạnh mẽ” rằng, nước này muốn “trở thành địa điểm sản xuất của các thiết bị năng lượng tái tạo”.
Renew Power có hơn 100 dự án năng lượng sạch trên khắp Ấn Độ và đã trở thành công ty năng lượng mặt trời và năng lượng gió lớn thứ 10 thế giới chỉ trong vòng hơn 10 năm.
Không chỉ Ấn Độ, hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng “bật đèn xanh” cho chính sách năng lượng tái tạo trong năm qua nhằm mục đích mở rộng quy mô năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cùng với sự phát triển của các công nghệ như thu giữ carbon, carbon dioxide - nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu - và lưu trữ nó trong lòng đất.
Mỹ đã ban hành Luật giảm lạm phát – luật khí hậu tham vọng nhất trong lịch sử nước này. Nghị viện châu Âu thông qua kế hoạch REPower EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Trung Quốc cũng công bố các kế hoạch nhằm đặt được mục tiêu năng lượng sạch 5 năm trước thời hạn đề ra vào năm 2030.
Các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ hiện nay là duy trì đà phát triển tích cực này trong năm 2023, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng lưới điện và giải quyết các vấn đề đang làm chậm quá trình phân phối và truyền tải năng lượng sạch.
Năm bản lề của năng lượng sạch
“Từ góc độ năng lượng, năm 2022 sẽ là một năm bản lề. Lần đầu tiên, chúng tôi có bằng chứng rõ ràng rằng, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sau 200 năm tăng trưởng đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2019 và hiện đang đi ngang trước khi suy giảm”, ông Kingsmill Bond, chiến lược gia năng lượng tại Viện Rocky Mountain (RMI), một nhóm phi lợi nhuận về năng lượng sạch, cho biết.
Theo nghiên cứu của RMI, nhu cầu năng lượng sạch toàn cầu đã tăng thêm khoảng 6 Exajoules (hơn 1.600 tỷ kWh) vào năm 2022 – đủ năng lượng cho khoảng 6 triệu chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng hàng năm do việc sử dụng năng lượng ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Bond cho biết thêm, giá năng lượng sạch ngày càng gần với giá của nhiên liệu hóa thạch và trong một số trường hợp thậm chí còn rẻ hơn.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) cho biết, giá dầu đã tăng lên mức trên 100 USD/thùng vào giữa năm 2022, giá khí đốt và than đá cao khiến giá điện tăng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, việc tăng cường sử dụng năng lượng sạch đã giúp các quốc gia châu Á, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, tiết kiệm tổng cộng 34 tỷ USD trong năm qua.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu (một phần do xung đột Nga-Ukraine) cùng với các mối đe dọa về biến đổi khí hậu đã đẩy nhanh các chính sách năng lượng sạch và các khoản đầu tư lớn cần thiết để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Việc đột ngột giảm khả năng tiếp cận nhiên liệu hóa thạch và khủng hoảng chuỗi cung ứng cũng là những lý do thúc đẩy xu hướng năng lượng sạch. Doanh số bán khí đốt của Nga sang châu Âu giảm mạnh là một ví dụ điển hình.
Theo bà Lauri Myllyvirta, trưởng bộ phận phân tích tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch cho rằng, hệ lụy của xung đột Nga-Ukraine đối với lĩnh vực năng lượng cho thấy, năng lượng sạch là một giải pháp.
Bước chuyển tích cực
Mặc dù có động lực tích cực đối với năng lượng sạch, nhưng vẫn còn một số khó khăn.
Ông Vibhuti Garg (Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính) cho biết: “Phản ứng nhanh chóng với cuộc khủng hoảng năng lượng khiến một số nước quay trở lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch mặc dù nó có giá cao hơn đối với người nộp thuế”.
Sản lượng than đá của Ấn Độ đã tăng khoảng 17% từ tháng 4-11/2022. Bangladesh tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên và tiếp tục vận hành các nhà máy nhiệt điện. Đức đã chuyển sang sử dụng than đá và dầu mỏ để giải quyết nhu cầu trong ngắn hạn.
“2022 là một năm thuận lợi đối với năng lượng tái tạo nhưng cũng không phải là một năm tồi tệ đối với nhiên liệu hóa thạch”, ông Garg nói thêm.
Tuy nhiên, vì được thúc đẩy bởi động lực từ những năm trước, lĩnh vực năng lượng sạch trên toàn thế giới vẫn “cất cánh” trong năm 2022.
“20 năm trước, năng lượng tái tạo đã trở thành dạng năng lượng sạch nhất. Trong vài năm gần đây, chúng trở thành dạng năng lượng giá rẻ nhất và chỉ trong năm nay, chúng đã trở thành dạng năng lượng an toàn nhất”, ông Dave Jones, nhà phân tích năng lượng tại tổ chức tư vấn môi trường Ember có trụ sở tại London, cho biết.
Một báo cáo khác của IAEA cũng nhận định, sự phát triển vào năm 2022 đã đem lại động lực chưa từng có đối với năng lượng tái tạo và thế giới sẽ bổ sung nhiều năng lượng tái tạo trong 5 năm tới như đã làm trong 20 năm qua.
“Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi nghĩ năm 2022 sẽ được ghi nhớ là năm lần đầu tiên năng lượng tái tạo đã hoàn thành tất cả các mục tiêu cơ bản”, ông Jones nhận định./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin