Một ngày sau khi khai mạc, Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27) đã hé lộ một vài điểm sáng trong bức tranh biến đổi khí hậu còn nhiều mảng tối.
Ảnh: Citizen |
Một ngày sau khi khai mạc, Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27) đã hé lộ một vài điểm sáng trong bức tranh biến đổi khí hậu còn nhiều mảng tối.
Thành lập liên minh hỗ trợ nhau xử lý tình trạng khan hiếm nước bằng cách chia sẻ công nghệ và chuyên môn là bước đột phá trong các phiên thảo luận đầu tiên của COP27. Thực tế cho thấy, không có quốc gia nào miễn nhiễm với hạn hán và hậu quả ở những vùng hạn hán nặng nề như Sừng châu Phi là không thể sản xuất lương thực, điện và cả thương mại bởi các con sông cạn kiệt ngăn cản giao thông vận tải.
Tổng thống Tây Ban Nha Pedro Sánchez Pérez-Castejón cho biết Liên minh sẽ huy động các nguồn lực để chống lại hạn hán kịp thời ở những nơi nó xảy ra. Hạn hán đã trở nên thường xuyên hơn trên toàn cầu kể từ năm 2000 và các nhà khoa học khí hậu cho biết hạn hán sẽ trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn trong những năm tới. Theo tính toán, đến năm 2050, những xáo trộn thời tiết, bao gồm hạn hán, gió lớn và mưa, có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 5.600 tỷ USD.
Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức Jochen Flasbarth cho biết: “Hạn hán đang xảy ra ở khắp nơi, chúng ta đang mất đất màu mỡ và hiện tượng sa mạc hóa đang diễn ra ở khắp thế giới. Tất nhiên, lục địa châu Phi bị ảnh hưởng phần lớn bởi hạn hán nhưng nếu muốn giải quyết, chúng ta cần có liên minh như thế này”.
Hơn 25 quốc gia tại COP27 cũng thành lập một nhóm thanh kiểm tra lẫn nhau về trách nhiệm thực hiện cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và công bố hàng tỷ đô la để tài trợ cho nỗ lực này. Nhóm có tên Đối tác Lãnh đạo về Lâm nghiệp và Khí hậu gồm Mỹ, Nhật Bản, Pakistan, Cộng hòa Congo, Vương quốc Anh .. chiếm khoảng 35% rừng trên thế giới và đặt mục tiêu họp 2 lần mỗt năm để theo dõi tiến độ đạt được.
Các công ty kinh doanh thực phẩm lớn nhất thế giới cũng lên kế hoạch loại bỏ nạn phá rừng khỏi chuỗi cung ứng đậu nành, thịt bò và dầu cọ vào năm 2025. Việc phá hủy các khu rừng như rừng nhiệt đới Amazon để nhường chỗ cho canh tác, chăn nuôi hay rừng rậm Indonesia bị chiếm để trồng cọ dầu đang thải ra một lượng lớn khí nhà kính mỗi năm, góp phần thúc đẩy biến đổi khí hậu.
Có lẽ điều mà các nước đang phát triển trông đợi nhất ở Hội nghị COP27 năm nay là các nước giàu nhất trí 1 thỏa thuận bồi thường cho những “tổn thất và thiệt hại” mà các nước nghèo đang gánh chịu do biến đổi khí hậu. Đức, Bỉ, Hà Lan, Anh cùng một số nước giàu có đã cam kết tài trợ với số tiền hàng triệu đôla. Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố tăng chi tiêu hàng năm cho quỹ tài chính khí hậu quốc tế lên 6 tỷ euro vào năm 2025 . Cụ thể Đức sẽ cung cấp 170 triệu euro cho "Lá chắn toàn cầu" của G7 cho Nhóm V20 gồm 58 quốc gia dễ bị tổn thương, nhằm tăng cường bảo hiểm và tài chính phòng chống thiên tai.
Tuy quy mô còn tương đối nhỏ nhưng các quỹ này có ý nghĩa biểu tượng khi vấn đề bồi thường cho các nước nghèo đang được thừa nhận và tạo áp lực phải đạt được thỏa thuận tại Hội nghị năm nay.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, người đã đến thăm Pakistan vào tháng 9 để thị sát thiệt hại do lũ lụt, kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Indonesia cải cách các chính sách để xóa nợ và cho vay ưu đãi giúp các nước có thu nhập trung bình như Pakistan, Mozambique tập trung tái thiết sau thiên tai hơn là trả nợ.
“Thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa. Thủ tướng Pakistan đã nói, nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu, hãy đến Pakistan. Đã có mất mát và thiệt hại và Hội nghị COP 27 này cần phải công nhận điều đó và cần xác định một lộ trình, một lộ trình rõ ràng, để giải quyết và phải tạo ra một khuôn khổ thể chế bao gồm tài chính để giải quyết các vấn đề mất mát và thiệt hại”, ông Guterres nhấn mạnh./.
Theo Trần Nga/VOV1
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin