Sức sống bên dòng kênh "ông Kiệt"

10:06, 08/06/2024

Cùng với kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế, kênh T5 đã đi vào lịch sử khi góp phần thay đổi "túi phèn" thành vựa lúa miền Tây. Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có công lớn với sự hình thành của dòng kênh đặc biệt ấy. Nhớ ơn Thủ tướng, người dân vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đã gọi kênh T5 với tên gọi thân thương là "kênh ông Kiệt".
 

Trong ánh nắng chói chang của vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc, dòng kênh T5 thẳng tắp chở phù sa đi qua cánh đồng, tháo chua, rửa phèn cho vườn cây xanh tốt. “Đất lành chim đậu” nhiều người đã về đây sinh sống. Một sức sống mới đã bừng lên ở vùng đất hoang hóa ngày nào. Tất cả là nhờ vào sự quyết đoán của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
 
Cùng với kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế, kênh T5 đã đi vào lịch sử khi góp phần thay đổi “túi phèn” thành vựa lúa miền Tây. Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có công lớn với sự hình thành của dòng kênh đặc biệt ấy. Nhớ ơn Thủ tướng, người dân vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đã gọi kênh T5 với tên gọi thân thương là “kênh ông Kiệt”.
 
Kỳ 1: Xem lũ là tài nguyên
Dọc kênh T5, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc, đất đai trù phú được bồi lắng bởi những phù sa màu mỡ.
Dọc kênh T5, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc, đất đai trù phú được bồi lắng bởi những phù sa màu mỡ.
 
TGLX thuở xưa được xem là “vùng đất chết”, khi các chuyên gia nước ngoài từng lắc đầu khẳng định là không thể cải tạo rửa phèn. Nhưng bằng chủ trương, quyết sách đúng đắn, ý chí, nghị lực con người nơi đây đã chứng minh điều ngược lại…
 
“Vùng đất chết”
 
TGLX có diện tích khoảng 490.000ha, thuộc phạm vi 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần TP Cần Thơ. 4 cạnh của TGLX kết nối các TP Hà Tiên, Rạch Giá, Long Xuyên và Châu Đốc. Trong đó, cạnh Châu Đốc- Hà Tiên là tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia. TGLX chỉ có khoảng 10% diện tích là đồi núi, phần còn lại là vùng trũng thấp kéo dài ra tới biển Tây. 
 
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh- nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang: “Vùng TGLX là vùng trũng, phèn, hầu như toàn bộ. Phần lớn khu vực của Kiên Giang, An Giang, một phần của Cần Thơ sản xuất khó khăn, năng suất thấp”. 
 
Đứng trên đầu kênh T5 nhìn về phía dòng nước đang chảy mạnh về biển Tây, ông Huỳnh Lộc Dũng (ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn) nói với chúng tôi: “Trước đây mùa lũ, vùng này ngập sâu, có nơi ngập đến vài mét, thời gian ngập kéo dài khoảng 6 tháng. Trong khi mùa khô đất dậy phèn”. 
 
Là túi phèn lại trũng thấp nên phèn chua không được gột rửa khiến việc sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. Cây nông nghiệp chủ yếu là lúa mùa nổi, còn lại là rừng tràm và cỏ dại. “Tuy nhiên, người dân chỉ sản xuất lúa mùa, nhưng chỉ một phần nhỏ dọc theo kênh 27 và kênh Vĩnh Tế. Còn lại là hoang hóa vì phèn. Không sản xuất cây gì ngoài cây lúa mùa nổi.”- ông Dũng chia sẻ.
 
GS.TS Võ Tòng Xuân- từng là Phó Chủ nhiệm Chương trình khoa học “Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL” (giai đoạn 2), hay còn gọi là chương trình Sáu mươi không hai (60 02). Chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm cấp nhà nước được lập năm 1983 và nghiệm thu năm 1990.
 
Hiểu rất rõ thuộc tính, đặc điểm của đất ở vùng này, GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định: “Đây là vùng rất nhiều phèn. Một số bà con nông dân đã khai thác dưới đất và làm cho nó khô lại. Phèn ở phía dưới nó không có độc, gọi là phèn tiềm tàng, nhưng khi bị quật lên trên, nó thở, tức là nó bị ô xy hóa, nên nó trở thành phèn hiện tại, loại này rất độc”.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ- Nguyễn Hữu Hiệp thì cho rằng, khu vực này “6 tháng bị nước ngập. 6 tháng còn lại ngoài đồng khô nứt nẻ, đi có khi chảy máu chân, nó dãnh lên, cứng lắm. Lúc đó người nông dân rất vất vả vì đất phèn, trồng gì cũng không được. Con cá con tôm dưới rạch nó phải nổi đầu lên, cá lật bụng, tôm nổi râu”.
 
“Sống chung với lũ”
 
Phần lớn cuộc đời gắn bó với đồng bằng châu thổ Cửu Long, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hiểu rõ về vùng đất và con người vùng TGLX. Ông đau đáu cảnh người dân phải chạy lũ hàng năm, nhà cửa tài sản chắt chiu bị nước lũ nhấn chìm. “Giận lũ”, thay vì tìm mọi cách chống lũ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hiểu quy luật để “sống chung”, với những quyết sách hợp thời. 
 
Làm thế nào để có thể khai mở cho một vùng đất mà tiềm năng vẫn còn là trầm tích luôn là tâm tư, trăn trở của ông suốt thời gian dài. Chính vì lẽ đó, nhiều nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương trong khu vực đã được ông quy tụ cùng khảo sát, tìm hiểu thật kỹ để đánh thức vùng này.
 
Thời điểm đó, qua nhiều hội thảo, nhiều công trình khoa học khẳng định, việc khai phá TGLX là rất khó, gần như không thể, bởi nếu tác động đến túi phèn ở đây thì không chỉ ảnh hưởng đến TGLX mà còn tác động xấu đến cả khu vực ĐBSCL.
 
“Khi quyết định đột phá làm thủy lợi để phát triển cây lúa thì có một số ý kiến nhắc lại là khi làm TGLX, họ nói Thủ tướng lưu ý chỗ là chính mình tác động vào vùng trũng phèn làm cho nó lây lan ra, phạm vi rộng hơn, có thể thiệt hại nhiều hơn.”- ông Nguyễn Hữu Khánh nhớ lại.
 
Nhớ lại việc này, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết: “Các nhà khoa học khuyên mình là không nên đụng tới đất phèn, để nó tự nhiên như thế thì tốt hơn”.
 
Với những kết quả nghiên cứu khoa học từ Chương trình 60 02, đồng thời tham dự nhiều hội thảo khoa học về quy hoạch thủy lợi, phòng chống lũ, đồng thời kết hợp với kinh nghiệm từ việc khai mở vùng Đồng Tháp Mười thắng lợi đã giúp Thủ tướng nhìn nhận việc khai thác TGLX theo một chiều hướng khác. Thời điểm đó, ông thường xuyên xuống địa bàn để gặp gỡ người dân, để lắng nghe tâm tư của họ, đối tượng trực tiếp hưởng lợi hoặc thiệt hại từ những quyết sách mà ông đang ấp ủ. 
 
Những chuyến đi không mỏi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng lãnh đạo các địa phương và nhiều nhà khoa học của Việt Nam.Ảnh: Tư liệu
Những chuyến đi không mỏi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng lãnh đạo các địa phương và nhiều nhà khoa học của Việt Nam.Ảnh: Tư liệu
Hiểu rõ lũ là quy luật, nên thay vì tìm mọi cách đẩy lũ ra xa, Thủ tướng nhận định: “Lũ ở ĐBSCL phải được coi như là một nguồn tài nguyên cần được lợi dụng, khai thác triệt để các mặt lợi của nó. Lũ lụt ở ĐBSCL là một quy luật của tự nhiên, góp phần vào môi trường sinh thái của vùng. Hàng trăm năm nay, dân ta đã sinh sống, tồn tại với nó, và lâu dài cũng vậy”. 
 
Ý tưởng “sống chung với lũ” được Thủ tướng đưa ra và cụ thể hóa thành Quyết định số 99/TTg ngày 9/2/1996 về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm (1996-2000) phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL.
 
Trong đó, tại Điều 1 nêu rõ: “Công tác thủy lợi vùng ĐBSCL phải nhằm sử dụng và khai thác triệt để và hợp lý nhất nguồn nước sông Mekong là tài nguyên thiên nhiên to lớn và rất quý giá, đồng thời phải có biện pháp hạn chế tối đa tác hại do lũ lụt gây ra.
 
Từng bước hình thành hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh bao gồm các công trình tưới, tiêu, thau chua, xổ phèn, ngăn mặn, và kiểm soát lũ đồng bộ từ công trình đầu mối, kênh trục các cấp đến hệ thống nội đồng để bảo đảm nước tưới cho diện tích canh tác khoảng 2 triệu hecta, trong đó, mở rộng diện tích gieo trồng lúa do tăng vụ và khai hoang thêm khoảng 600.000-700.000ha, bảo đảm cuộc sống ổn định cho 10 triệu dân trong vùng ngập lụt và cải thiện môi trường sinh thái”.
Mùa lũ, vùng này ngập sâu, có nơi ngập đến vài mét, thời gian ngập kéo dài khoảng 6 tháng. Trong khi mùa khô đất dậy phèn...
Mùa lũ, vùng này ngập sâu, có nơi ngập đến vài mét, thời gian ngập kéo dài khoảng 6 tháng. Trong khi mùa khô đất dậy phèn...
Có thể thấy, Quyết định 99/TTg được ký ban hành là tiền đề, cơ sở để một hệ thống công trình điều khiển lũ ở TGLX mà công trình đầu tiên là kênh T5 ra đời, đã thay đổi cục diện cho vùng đất chết TGLX cũng như cho toàn khu vực ĐBSCL.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- TẤN ANH
>> Kỳ 2: Quyết sách đúng đắn, “đánh thức” đồng phèn
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh