Với tầm nhìn và tư duy chiến lược về vấn đề khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".
(VLO) Với tầm nhìn và tư duy chiến lược về vấn đề khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Trước muôn trùng sóng gió, Nhà giàn DK1 vẫn hiên ngang, sừng sững giữa trùng khơi. |
Khắc ghi lời dạy quý báu vừa là mệnh lệnh thiêng liêng ấy, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách chăm lo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; là quan điểm cơ bản, xuyên suốt, nhất quán trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Gần 35 năm (5/7/1989-5/7/2024) gắn bó với Cụm Dịch vụ Kinh tế- Khoa học kỹ thuật (gọi tắt là DK1) trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân đã noi gương Bác, vượt qua khó khăn, kiên quyết bám trụ, “vững tay súng, chắc chân sóng”, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Kỳ 1: Hiên ngang canh giữ biển trời
Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180 chính thức công bố việc xây dựng các Nhà giàn DK1 tại khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam, thuộc đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo.
Những “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển” này được đánh giá là công trình phi thường, “chưa từng có tiền lệ trên thế giới”, đã tạo thành phên giậu, khẳng định chủ quyền “bất khả xâm phạm” của Tổ quốc trên Biển Đông.
Nhiều thập kỷ trôi qua, những “pháo đài thép canh biển” vẫn sừng sững giữa trùng khơi mênh mông sóng vỗ. Dù khó khăn, gian khổ, đối mặt với bao hiểm nguy, những người lính Cụ Hồ vẫn kiên quyết bám trụ, phát huy truyền thống “đoàn kết, kỷ cương; dũng cảm, kiên cường; khắc phục khó khăn; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”, ngày đêm hiên ngang canh giữ biển trời Tổ quốc, bảo vệ bình yên nước nhà.
Tự hào trên những “pháo đài thép canh biển”
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km ôm trọn lãnh thổ ở cả 3 phía là Đông, Nam và Tây Nam. Do vậy, vùng biển và ven biển Việt Nam được coi là “cửa mở lớn”, là “mặt tiền” quan trọng để thông thương với nước ngoài và có vai trò chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ quốc phòng- an ninh của Tổ quốc.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều quyết sách quan trọng đã ra đời nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1 luôn đặt ra yêu cầu rất cao, cần tập trung sự chú ý cao độ và đảm bảo sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần. |
Trong đó, Quốc hội đã thông qua Luật Biên giới quốc gia (ngày 17/6/2003); Luật Biển Việt Nam (ngày 21/6/2012)...
Vào những năm 1970-1980 của thế kỷ trước, Chính phủ đã tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (ngày 12/5/1977), tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (ngày 12/11/1982)...
Cùng với đó, Việt Nam đã ký Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (ngày 10/12/1982), đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng biển, quản lý nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trong tình hình mới, ngày 19/3/2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định thành lập Vùng 2 Hải quân để tăng cường lực lượng bảo vệ vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bạc Liêu, trọng điểm là bảo vệ vùng biển, thềm lục địa phía Nam, trong đó có các Nhà giàn DK1.
Những “cột mốc sống” này được xây trên bãi san hô, nền đất bùn yếu, mực nước sâu hàng chục mét với những chiếc chân cắm sâu vào lòng biển, bên trên là nơi sinh hoạt, làm nhiệm vụ của CBCS nhà giàn, nóc nhà là bãi đáp trực thăng, nơi vọng gác biển...
Do khu vực DK1 cạnh đường hàng hải quốc tế, nước ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu giả dạng, tàu chiến đấu vào thăm dò địa chất, trinh sát và đánh bắt hải sản trái phép, vi phạm chủ quyền nước ta...
Bởi vậy, nhiệm vụ nơi đây luôn đặt ra yêu cầu rất cao, đòi hỏi cần tập trung sự chú ý cao độ, phải đảm bảo sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần.
CBCS Nhà giàn DK1 có rất nhiều nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là chốt giữ bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa...
Những “pháo đài thép canh biển” này còn là “điểm tựa” vững chắc cho ngư dân đánh bắt hải sản trên thềm lục địa.
Trung tá Trịnh Văn Nghị- Chính trị viên Phó Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, khẳng định: Mỗi nhà giàn là một “cột mốc sống”, thể hiện chủ quyền quốc gia trên biển.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các CBCS nhà giàn luôn yên tâm tư tưởng, xác định rõ nhiệm vụ, thực hiện nhuần nhuyễn phương án tác chiến, đoàn kết thống nhất cao, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển được phân công quản lý và bảo vệ tuyệt đối an toàn nhà giàn.
Tôi rèn bản lĩnh “vượt lên chính mình”
Giữa biển trời mênh mông sóng vỗ, bốn bề là chân trời xa thẳm, các Nhà giàn DK1 trở nên nhỏ bé, chơi vơi trên mặt nước, nhưng hiên ngang và sừng sững giữa trùng khơi.
Gần 35 năm trôi qua, cũng là bấy nhiêu mùa gió bão phong ba... vẫn không ngăn được ý chí, kiên cường của những người lính biển được tôi rèn trong môi trường quân ngũ.
Trên gương mặt sạm nắng gió của mỗi người lính Cụ Hồ vẫn ngời lên nét kiên nghị, vững vàng... Tất cả đã tạo nên thế đứng rất đẹp của người con Việt Nam giữa ngàn khơi sóng nước.
31 năm công tác trong lực lượng hải quân, Trung tá, Quân nhân chuyên nghiệp Mai Thanh Toán (Nhà giàn DK1/21) đã có 15 năm gắn bó với những “ngôi nhà giữa biển”.
Môi trường quân ngũ cùng tình yêu biển đảo đã tôi rèn cho ông bản lĩnh “vượt lên chính mình”, hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, giữ vững chủ quyền biển đảo...
Sống giữa biển trời mênh mông, xa gia đình, người thân, xa cách hoạt động xã hội thường nhật cùng những khó khăn, thiếu thốn không sao kể xiết, nhưng với ông “khó khăn càng lớn, ý chí càng cao” và luôn giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời, để DK1 luôn là thành đồng vững chãi trên biển trời Tổ quốc.
Do yêu cầu công việc, đã nhiều lần người lính phong sương này tạm gác lại nỗi niềm riêng, chuyên tâm làm nhiệm vụ.
Ông chia sẻ: “Rất vinh dự, tự hào khi được công tác nơi “đầu sóng, ngọn gió”, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, đã giúp tôi yên tâm làm tốt nhiệm vụ”.
20 năm đi tàu và có hơn chục năm gắn bó với các nhà giàn, Thiếu tá Nguyễn Thế Sanh- nhân viên thông tin Nhà giàn DK1/21, đã dành trọn tuổi xuân cho sự nghiệp giữ biển. Hoài niệm về những tháng ngày gian khó, cùng đồng đội sẻ chia vui buồn...
Giờ đây, điều kiện sống và làm việc ở nhà giàn đã tốt hơn rất nhiều và khoảng 1 năm nữa ông nghỉ hưu. “Tôi sẽ rất nhớ môi trường làm nhiệm vụ, gắn bó với biển cả mấy chục năm qua”- ông Sanh tâm sự.
Với những người lính đã nhiều năm gắn bó với nhà giàn, thì nơi đây đã trở thành “mái nhà chung” và nhiệm vụ giữ biển là “sứ mệnh cao cả”.
Vợ sinh con gái đầu lòng, Đại úy Nguyễn Văn Cường- Khẩu đội trưởng Nhà giàn DK1/9, chưa về gặp mặt “thiên thần nhỏ bé” của mình vì miệt mài làm nhiệm vụ thiêng liêng cho Tổ quốc.
Anh chia sẻ: “Được sự động viên của thủ trưởng các cấp, chỉ huy nhà giàn và anh em đồng đội, tôi cũng bớt phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, an tâm công tác”.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần CBCS nhà giàn.
Từ chỗ chỉ có đèn dầu, đến nay đã có điện năng lượng mặt trời. Bên cạnh, còn có dụng cụ tập luyện thể thao, thiết bị thu sóng vô tuyến, phương tiện giải trí và cập nhật thông tin... giúp cho CBCS vơi bớt khó nhọc.
Vào giờ giải lao, buổi tối, anh em cùng đọc sách báo, xem thời sự, nắm bắt tin tức, hát cho nhau nghe... để vơi đi nỗi nhớ nhà, động viên, chia sẻ, gắn kết như anh em một nhà.
Ở nơi chỉ có biển và trời, điều kiện sinh hoạt của CBCS nhà giàn vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả... Song, các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.
Có những người dành trọn con đường binh nghiệp để gắn bó với nhà giàn, cũng có người mới lần đầu đặt chân đến đây. Song, dù là gắn bó hàng chục năm hay chỉ ít ngày, những người lính biển luôn giữ được sự kiên cường, bất khuất.
Phát huy truyền thống hào hùng, đã và đang có nhiều thế hệ trẻ lên đường tòng quân, tiếp nối sự nghiệp giữ biển. Trong đó, Hạ sĩ Trần Công Đức (19 tuổi, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) không khỏi tự hào khi góp sức cho sứ mệnh thiêng liêng này.
Trước khi được phân công đi Nhà giàn DK1/19, anh có gần 1 năm đi nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn DK1. Từng có chú và cậu ruột là chiến sĩ nhà giàn, điều đó như tiếp thêm động lực, giúp anh tự tin khi viết đơn đăng ký tình nguyện nhận nhiệm vụ “giữ biển”.
Năm 2024, Hạ sĩ Trần Công Đức đã đón “mùa xuân đầu tiên” trên Nhà giàn DK1, xen lẫn niềm vui và hồi hộp, anh quyết giữ vững tinh thần vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó. “Thế hệ trước, các anh đã làm được. Thế hệ này- tôi sẽ cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”- chiến sĩ trẻ quyết tâm.
Nhà giàn vẫn lặng lẽ giữa trùng khơi với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trong gió, như lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều thế hệ đi qua, dẫu đã có những hy sinh, nhiều liệt sĩ đã hòa cùng sóng nước, nhưng những chiến sĩ nhà giàn vẫn kiên trì tiếp bước sự nghiệp giữ biển, mặc cho... nắng gió, mưa giông hay bão táp.
Kỳ 2: Những chồi xanh trên kết cấu thép
Đại tá Trần Hồng Hải- Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng Việc sẵn sàng chiến đấu của CBCS Nhà giàn DK1 là việc làm thường xuyên, như cơm ăn, nước uống hàng ngày, được thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực. Các chế độ quy định trong tuần, trong ngày từ sáng đến trưa, chiều, tối đều được chấp hành rất nghiêm, như: bảo quản lau chùi vũ khí, trực quan sát các mục tiêu, các hoạt động trên biển... Nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu còn được thể hiện qua việc quán triệt về tư tưởng, an tâm công tác. Sinh sống dài ngày trên nhà giàn trong điều kiện khó khăn, không có sân vận động thể thao hay tụ điểm vui chơi, giải trí... như ở trong đất liền, nhưng các chiến sĩ rất yên tâm công tác và gắn bó với nhà giàn, vừa tập luyện tại chỗ, vừa nâng cao sức khỏe, vừa làm tốt nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI