Kỳ 2: Quyết sách đúng đắn, "đánh thức" đồng phèn

06:06, 11/06/2024

Ngày 9/2/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 99-TTg định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996-2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL. Đây là tiền đề thực hiện kế hoạch thoát lũ ra biển Tây, tháo úng rửa phèn cho vùng Tứ giác Long Xuyên. 
 

 
Kênh T5 hoàn thành trong 4 tháng, được xem là kỷ lục đào kênh ở nước ta thời điểm bấy giờ.
Kênh T5 hoàn thành trong 4 tháng, được xem là kỷ lục đào kênh ở nước ta thời điểm bấy giờ.
Ngày 9/2/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 99-TTg định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996-2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL. Đây là tiền đề thực hiện kế hoạch thoát lũ ra biển Tây, tháo úng rửa phèn cho vùng Tứ giác Long Xuyên. 
 
Quyết sách “thông tuệ”
 
Đầu năm 1996, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì cuộc họp với các tỉnh ĐBSCL về vấn đề quy hoạch lũ. Những ý tưởng về việc chung sống với lũ và kiểm soát lũ được Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu lên, là cơ sở cho việc tiến hành quy hoạch lũ sau này.
 
Thủ tướng cho rằng: “Lũ lụt ĐBSCL là một hiện tượng tự nhiên, góp phần vào môi trường sinh thái của vùng. Hàng trăm năm nay Nhân dân ta đã chung sống, tồn tại với nó và lâu dài cũng vậy”; “Lũ lụt được coi như là một tài nguyên cần được lợi dụng, khai thác triệt để các mặt lợi của nó”; “Chiến lược phòng chống lũ lụt phải được hiểu một cách toàn diện, đầy đủ, toàn vùng, lợi dụng, hạn chế, tránh né, khai thác tiềm năng của nó, chớ không phải chống lũ, là triệt tiêu lũ”.
 
Và ngày 9/2/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định 99-TTg về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm phát triển ĐBSCL (1996-2000), nhằm ổn định đời sống Nhân dân, phát triển sản xuất toàn diện, xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, góp phần bảo đảm an toàn lương thực quốc gia, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.
 
Theo ông Lương Thanh Hải- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kiên Giang: “Lúc có Quyết định 99-TTg, theo Thủ tướng bàn là làm sao sống chung với lũ. Lúc đó thiết kế làm hàng loạt kênh trục để nối về phía thượng nguồn An Giang, kênh bề ngang 30-40m, sâu âm 5m, cặp kênh là các tuyến dân cư, là sống chung với lũ”.
 
Với ý tưởng đó, việc “sống chung với lũ” đã được giải quyết. Nhưng làm sao để sản xuất, phát triển đời sống Nhân dân, thì mới nói đến quan điểm kiểm soát lũ, thoát lũ. Đặc biệt, trong khi bàn về việc thoát lũ ra biển Tây theo hệ thống kênh trục từ kênh Vĩnh Tế ở An Giang ra Kiên Giang, có nhiều việc phải giải quyết.
 
“Vấn đề ở An Giang thì rõ ràng rồi, là chỉ thoát lũ thôi. Còn ở Kiên Giang nào là mặn, nào là môi trường, nào là ngập sâu thêm cho nên Kiên Giang ngoài thoát lũ, nhưng phải làm hệ thống ngăn mặn, bởi mặn cũng tác hại rất lớn”- ông Dương Minh Lịch- nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Kiên Giang nhớ lại.
 
“Anh Sáu Dân đã quyết định đào tuyến kênh T5- Tuần Thống (nay là kênh Võ Văn Kiệt- PV), khởi đầu cho việc xây dựng hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây. Việc “thu phục” được các nhà khoa học hàng đầu tham gia đã giúp công trình hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, làm chuyển động toàn bộ vùng Tứ giác Long Xuyên”- ông Nguyễn Hữu Khánh- nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang chia sẻ.
 
Hệ thống kênh T4, T5, T6… với chiều dài hơn 100km, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công năm 1997 giúp khai phóng “rốn phèn” Tứ giác Long Xuyên, biến vùng đất “khỉ ho cò gáy” trở thành vựa lúa chính của ĐBSCL.
Hệ thống kênh T4, T5, T6… với chiều dài hơn 100km, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công năm 1997 giúp khai phóng “rốn phèn” Tứ giác Long Xuyên, biến vùng đất “khỉ ho cò gáy” trở thành vựa lúa chính của ĐBSCL.
Ngày 22/4/1997, kênh T5 được khởi công, những nhát đất đầu tiên đã đánh thức vùng đất hoang phèn. Một đại công trình thủy lợi được thi công và hoàn thành trong 4 tháng. Đây được xem là kỷ lục đào kênh ở nước ta thời điểm bấy giờ. Công trình có tổng chiều dài 48km, đầu phía An Giang nối với kênh Vĩnh Tế, ngay tại xã Lạc Quới, Tri Tôn chạy thẳng ra Hòn Đất (Kiên Giang) qua cống Tuần Thống rồi đổ ra biển Tây. 
 
“Đây là một quyết định vô cùng thông tuệ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.”- ông Nguyễn Hữu Khánh nhận định, đồng thời cho biết, khi kênh hoàn thành, nhìn dòng nước kênh Vĩnh Tế chảy băng băng vào kênh T5 rồi chảy qua tỉnh Kiên Giang đổ ra biển Tây, ai cũng vui mừng. Từ “sống chung với lũ” đến “kiểm soát lũ”, Thủ tướng đã nhìn ra được triết lý cho công cuộc khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên.
 
Đánh thức đồng phèn
 
Sau khi kênh T5 hoàn thành, không đầy 30 tháng, 170km kênh mương được đào và nạo vét với hơn 19 triệu m3 đất, 17 cầu cống được xây dựng mới hoặc nâng cấp. Một hệ thống các công trình thủy lợi với quy mô lớn ra đời. GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định: “Quyết định của một nhà lãnh đạo rất sáng suốt đã thay đổi cuộc đời của người nông dân ở ĐBSCL”. 
 
Huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có 30km kênh T5 đi qua. Từ chỗ chỉ làm một vụ lúa/năm, lệ thuộc hoàn toàn vào thời tiết thì giờ đây, người nông dân sản xuất 2-3 vụ/năm, năng suất lúa cũng tăng lên gấp nhiều lần. 
 
Ông Lê Văn Giàu- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Hòn Đất phấn khởi nói: “Trước khi có kênh T5 và hệ thống thoát lũ ra biển Tây thì diện tích sản xuất của huyện là 1 vụ lúa/năm, khoảng 50-60.000 ha/năm. Nhưng giờ, khi có hệ thống thoát lũ ra biển Tây, giúp người dân tháo chua rửa phèn nên diện tích tăng lên rất nhiều, trên 164.000ha, 2 vụ, có nơi sản xuất 3 vụ. Năng suất thì trước đây khoảng 5 tấn, còn bây giờ bình quân Hè Thu là 5,5 tấn, Đông Xuân là 7,5 tấn, bình quân là 6,5 tấn/ha, sản lượng là trên 1 triệu tấn/ năm”.
 
Tương tự, tại địa phận tỉnh An Giang những cánh đồng lúa bạt ngàn, ruộng dưa nối dài và cả những vườn chuối rộng hàng chục hecta được trồng theo quy trình hiện đại.
 
Điểm cuối của kênh T5 tại cống Tuần Thống (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).
Điểm cuối của kênh T5 tại cống Tuần Thống (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).
Ông Trần Hoàng Ẩn- nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn nhớ lại: “Sau năm 1997, con kênh T5 được đào đã giúp cho sự phát triển nông nghiệp của xã từ vài trăm hecta sản xuất lúa 1 vụ/năm, cho đến hiện tại đã là 3.000ha, sản xuất lúa 3 vụ/năm. Đồng thời, nhờ có kênh T5 địa phương đã quy hoạch được khu hành chính và khu dân cư gần 2km cặp theo tuyến kênh với hơn 100 hộ. Từ năm 2001 con đường đã được láng nhựa tạo điều kiện thuận lợi cho bà con di chuyển và con em đi học”.
 
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- TẤN ANH
 
>> Kỳ 3: Những tỷ phú trên đồng phèn
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh