Vùng căn cứ Nước Đục (thuộc ấp Phú Bình, xã Song Phú, nay là xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) được gọi là vùng giải phóng, thường bị địch dội bom, bắn đại bác tan hoang, thường bị máy bay "cào cào", máy bay trực thăng "cá lẹp" "cán gáo" bắn phá dữ dội.
Vùng căn cứ Nước Đục (thuộc ấp Phú Bình, xã Song Phú, nay là xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) được gọi là vùng giải phóng, thường bị địch dội bom, bắn đại bác tan hoang, thường bị máy bay “cào cào”, máy bay trực thăng “cá lẹp” “cán gáo” bắn phá dữ dội.
Đội Trinh sát vũ trang (TSVT) của Ban An ninh tỉnh Vĩnh Long thường đóng quân tại đất vườn nhà ông Năm Đệ. Khu vực rừng Nước Đục đến Kinh Lục Sự độ khoảng 1.000m, nhưng rất nhiều cơ quan đơn vị đóng quân như: Bộ đội pháo binh, Giao Bưu tỉnh, Quân y, Dân y, Ban An ninh tỉnh, Dược phẩm, du kích địa phương, coi như đóng quân dày đặc. Nhiều phen địch càn quét đánh phá ác liệt vì chúng đã biết nơi đây là vùng chiến khu của cộng sản nên chúng quyết đánh phá bình định. Chúng thường đánh phá bom pháo và rải chất độc hóa học làm trơ trụi vùng này. Có lần đơn vị TSVT đang ăn cơm thì có tiếng máy bay hạ thấp độ cao.
Chúng phun chất độc hóa học xuống làm ướt mình mấy anh em. Mùi hôi nồng nặc. Cơm nước bị chất độc hóa học chan ướt hết không còn ăn được. Vài giờ sau thì lá cây héo hết, rau mác lục bình dưới sông héo rụi xơ xác, cá dưới sông cũng nhiễm độc phình bụng nổi lên mặt nước. Vậy mà anh em TSVT vớt lên kho ăn nuốt miếng cá nghe hôi nồng nặc trong miệng mà vẫn cứ nuốt ngon lành. Vài ngày sau cây cối rụng lá hết và chết luôn.
Vài tháng sau nơi đây cỏ mọc lên um tùm trở lại. Các cơ quan đơn vị tiếp tục trở về đóng quân. Cuộc sống ở đây nhộn nhịp trở lại. Mỗi buổi chiều tối, anh chị em các cơ quan ở gần xúm lại đơn vị TSVT uống trà ó đen, ăn đậu phộng rang với đường cát, hút thuốc ru bi, tâm sự văn nghệ. Đội TSVT có anh Năm Kiều là vui tính nhất, cầm dao ra chặt 1 tàu lá chuối bẻ cuốn lá làm con ngựa cặp xuống chân mà nhảy múa hát vang bài ca “Con ngựa ô”, hay hát bài “Xuân chiến khu”...
Ca hát tới khuya mới về. Những ngày cận Tết, đơn vị TSVT tranh thủ tát mương bắt cá, kéo lưới ốp mé bắt nhiều cá tôm, giậm dấu bắt nhiều cá rô biển. Bắt được nhiều cá, lớp làm khô, chuẩn bị cho ngày Tết, hàng đêm còn “dùi” ra Lộ 4, thường thì ra nhà bà Tám Nhà Mới có con là Năm Lê, Sáu Đen... tranh thủ xin gạo đem về dự trữ những ngày Tết. Hễ đến Tết, ta và địch tuyên bố ngừng bắn 3 ngày để Nhân dân ăn Tết. Nên những ngày Tết ít có bom đạn hơn. Địch cũng lo ăn Tết, ít càn quét hơn. Nhân dân, cô bác có dịp trở về ruộng vườn của mình. Thật sự là về thăm các cơ quan đơn vị, cô bác, chị em đem vào nào là gạo, nếp, bánh tráng, bánh phồng, bánh tét, bánh ít, gà vịt cho các đơn vị ăn Tết.
Bản chất bọn giặc rất ác ôn, thường biệt kích đánh phá có tên Nguyễn Văn Thắm là xã phó phụ trách an ninh và chỉ huy một trung đội lính dân vệ ở Chi khu Ba Càng. Hắn rất gian ác, thường đưa quân chặn phục kích bắn giết chết cán bộ ta hơn cả trăm người. Nhiều lực lượng ta tìm cách diệt nó mà chưa diệt được.
Vào một đêm tháng 12/1969, tên Thắm cùng đồng bọn vào phục kích trong các nền chòi của dân ở Kinh Lục Sự để sáng cán bộ ta ra đồng là nó bắn ta. Đội TSVT tranh thủ lúc 4 giờ sáng đưa quân ra phục kích sẵn nhưng khi bọn chúng đến gần các nền chòi thì chúng bắn 1 trái M79 đội TSVT tưởng đâu đã lộ nên đồng loạt nổ súng làm bọn chúng chạy tán loạn ta thu được chiếc xuồng và áo giáp đạn M79.
Ngày hôm sau tên Thắm bắt giữ một số gia đình chúng cho rằng: con em mấy bà hồi hôm bắn chúng tôi lấy mất 1 chiếc xuồng, bây giờ mấy bà phải đền chiếc xuồng 3.000 đồng.
Mỗi khi ta đắp mô trên lộ thì chúng bắt dân đi phá mô, bắt dân ngủ chung quanh đồn bót, động tịnh gì địch cũng bắt dân ta phải chịu. Trước tình hình đó, anh Năm Thành là Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban An ninh, xin ý kiến ông Bí thư Tỉnh ủy cho phép anh Năm Thành mời giữ vợ tên Thắm.
Là ác ôn nhưng tính sợ vợ, biết nghe lời vợ, nên ông Năm Thành cho đội TSVT cùng du kích xã Song Phú cho mời vợ tên Thắm. Vì tối thì tên Thắm vào đồn ngủ, ta mời vợ tên Thắm, vợ tên trưởng ấp, vợ tên liên toán trưởng phòng vệ vào vùng ta để giáo dục và viết thư cho vợ tên Thắm cùng với số truyền đơn về phát cho các tên lính.
Sau đó bọn địch ở tiểu khu Sa Đéc kéo pháo tổ chức càn quét bắn đại bác vào vùng ta thì tên Thắm đến cản ngăn không cho bắn pháo vì: Việt cộng mới bắt vợ con tao hồi hôm, tụi mày bắn pháo làm chết vợ con tao. Chúng cự cãi với nhau và cuối cùng chúng không bắn pháo vào Kinh Lục Sự nữa.
Sau khi ta giáo dục vợ tên Thắm, vợ tên trưởng ấp và vợ tên liên toán trưởng phòng vệ về làm theo lời ta giáo dục phát hết truyền đơn cho bọn lính. Và khi tên Thắm đọc xong thư thì hắn xuống nước, chúng trả lại 3.000 đồng cho dân và không bắt dân ngủ chung quanh đồn nữa.
Trong tháng 4/1970, đội TSVT chặn đánh bọn địch ở đồn Lung Đồng (thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình). Bọn địch bung ra đi gây tội ác, ta bất ngờ nổ súng tiêu diệt 1 xuồng 3 tên địch chết tại chỗ ta thu 1 súng M79 và 24 trái đạn.
Trong mối quan hệ mật thiết với Nhân dân có những gia đình hết mình với đơn vị TSVT như gia đình bà Tám Nhà Mới, gia đình chị Sáu Thạch, gia đình bác Hai Lầu...
Đây là những gia đình gắn bó yêu thương với đơn vị TSVT, đã từng cưu mang giúp đỡ lương thực nuôi sống đơn vị TSVT trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ác liệt. Nhất là gia đình bác Hai Lầu có con là chị Ba Nuôi, Năm Giữa, Sáu Bìa, Bảy Oanh, chị Út Mong là những người yêu thương gắn bó máu thịt với đơn vị TSVT.
Có lần bác Hai Lầu ngụy trang đi đặt trúm, bác đến đơn vị trút ra nhiều đòn bánh tét, gạo nếp, bác nói bánh tét ở nhà gói đem vô cho các cháu ăn với bác. Bác Hai coi đơn vị TSVT như những đứa con ruột thịt của mình, Bác ân cần giúp đỡ động viên những người con của mình sẵn lòng giúp đỡ cho đơn vị TSVT những cử chỉ hiền lành thân thương của bác Hai mà ai nấy chạnh lòng như gặp cha ruột của mình vậy.
Bác Hai Lầu là ân nhân là tình thương là niềm tin cổ vũ động viên cho đơn vị TSVT rất to lớn. Lòng yêu nước của Bác Hai thật cao quý và đáng kính trọng. Bởi vì trong chiến tranh mà làm ra được hạt gạo là khó khăn vất vả lắm, đổ mồ hôi sôi nước mắt, cả xương máu nữa.
Những ngày đóng quân ở Kinh Lục Sự, ngày nào cũng bơi xuồng ra nền nhà có cây trứng cá mồ côi ngoài đồng sát mé Kinh Lục Sự. Cây trứng cá này cách chân vườn khoảng 500m mà trèo lên để gác, vừa gác giặc vừa trông coi các chị, các em có đem gạo vào không. Mỗi lần nhìn thấy hướng ngoài Lộ 4 có xuồng bơi vào là mừng quýnh.
Hễ thấy có xuồng hai người đội nón lá bơi nhanh chớp chớp từ xa thì cũng biết rõ là ai rồi. Các chị em bơi rất nhanh, khoảng 30 phút là tới, ai nấy đều thở hổn hển, miệng cười nói vui vẻ. Các chị em chở đến đơn vị nào là gạo, bánh trái, có gì là chở vào cái nấy. Có chuyến chị Ba Nuôi, chị Sáu Bìa hoặc chị Sáu Bìa với chị Bảy Oanh là thường xuyên chở gạo vào nhiều nhất. Có lần địch phục kích giữa đồng đón cán bộ ta ra để bắn giết.
Các chị bị lọt ổ phục kích của địch, chúng định bắt sống nhưng các chị liều chết mà bơi, mà chống không để bị bắt sống. Chúng nổ súng như mưa nhưng mấy chị vẫn an toàn, các chị vẫn không sợ. Mấy ngày sau vẫn tiếp tục bơi xuồng chở gạo tiếp tế cho đơn vị. Bởi vì, các chị em nghĩ rằng nếu không tiếp tế kịp thời thì đơn vị anh em bị đói, hễ bị đói là các anh phải dùi ra Lộ 4 kiếm gạo thì rất nguy hiểm vì địch hàng đêm phục kích trên Lộ 4.
Gia đình bác Hai Lầu là gia đình rất nghèo nhưng rất giàu tình yêu thương cách mạng, giàu ý chí kiên cường, có con trai, con rể chiến đấu chống Mỹ hy sinh. Địch luôn đàn áp kìm kẹp, chúng cho gia đình mang bảng đen là gia đình Việt cộng. Chúng mặc tình đàn áp, bị tên Tám Xã là đồn trưởng, đồn Song Phú đuổi ra khỏi nhà. Chúng tịch thu dỡ nhà chở đi mất. Gia đình bác Hai Lầu cất lại căn nhà đơn sơ và cũng bị giặc đốt 2 lần nữa.
Một ngày đầu năm 1969, tai họa đã đến, lũ giặc tàn ác hung dữ bao vây nhà và bắt đi chị Ba Nuôi, chị Năm Giữa, chị Sáu Bìa, chị Út Mong. Chúng đem các chị đến trung tâm thẩm vấn ở Quận Mới. Chúng tra tấn đánh đập rồi đến dụ dỗ mua chuộc nhưng các chị vẫn một mực không khai, không sa ngã, cuối cùng chúng đành phải thả các chị ra. Đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thủ làm cho chị Ba Nuôi lâm bệnh nặng và qua đời.
Ngày 28/9/1972, địch quyết xóa và bình định vùng căn cứ Nước Đục. Chúng mang vào đây 2 tiểu đoàn, có Tiểu đoàn “520” nổi tiếng ác ôn của tên Đại úy Ngọc chỉ huy. Chúng vào chặt phá cây cối hòng cào bằng căn cứ của ta ở rừng Nước Đục.
Chúng cậm quân ở đây mỗi ngày xông ra triệt phá địa hình căn cứ của ta. Tình hình rất khó khăn, nhiều cơ quan đơn vị di dời đi hết, chỉ còn lại đơn vị TSVT ở lại đánh địch để bảo vệ vùng căn cứ. Quân ta ít, địch lại rất đông. Ta len lỏi, bắn tỉa chiến đấu với quân địch nhiều ngày rất căng thẳng.
Ban đêm địch co cụm lại, đội TSVT bắn lựu đạn bằng nạng giàn thun làm cho địch chết và bị thương trên 100 tên. Đến ngày 18/11/1972, địch phải hoang mang rút chạy. Đơn vị TSVT kiên trì dũng cảm chiến đấu 53 ngày đêm.
Ta bẻ gãy âm mưu bình định của địch ở vùng này, quyết giữ được căn cứ và sau đó lần lượt các cơ quan đơn vị trở lại đóng quân như cũ. Cuộc sống ở đây nhộn nhịp trở lại. Cô bác, các chị em từ Lộ 4 nghe tin quân cậm rút chạy nên rất mừng và chuẩn bị lương thực, gà, vịt, bánh, trái rồi hối hả vào đây thăm hỏi. Mỗi khi nghe trong này súng nổ ì đùng nhiều quá, ở ngoài không biết anh em mình có sao không.
Đơn vị TSVT biết ơn sâu sắc đối với bác Hai Lầu, gia đình thiếm Tám Nhà Mới, gia đình chị Sáu Thạch... là những gia đình sống cùng sống, chết cùng chết, với đơn vị TSVT là những gia đình dành tình cảm cao nhất, hy sinh hết thảy cho đội TSVT.
Đến năm 1975, cách mạng miền Nam Việt Nam trên đà thắng lợi lớn, tin chiến thắng bay về làm nức lòng quân dân ta. Nhiều tỉnh thành đã được giải phóng rồi đây tỉnh Vĩnh Long cũng được giải phóng.
Nhớ lại chiều tối ngày 29/4/1975 nhiều anh chị em các cơ quan đơn vị bạn đến đội TSVT uống trà liên hoan chúc mừng nhau lập nhiều chiến công, chúc nhau gặp nhiều may mắn và hẹn gặp lại tại TX Vĩnh Long.
Thật không ngờ đêm liên hoan đó là đêm liên hoan cuối cùng ở chiến khu. Cái đêm có cả niềm vui phấn khởi và tràn đầy cảm xúc rồi tạm biệt chia tay lên đường hành quân.
Đã đi gần hết cuộc đời nhưng trong tôi những ký ức về vùng căn cứ Nước Đục, Kinh Lục Sự vẫn như mới ngày hôm qua…
Thiếu tướng PHAN VĂN MINH