Nghề đan rổ trúc ở ấp Vườn Cò

05:11, 16/11/2023

Từ QL53 về phía Tây, xóm nghề đan rổ trúc ở ấp Vườn Cò (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít) chỉ cách TT Long Hồ hơn 10 phút chạy xe gắn máy. Chẳng ai biết xóm nghề có từ bao giờ, chỉ biết khi những khóm trúc xanh rì mọc tới đâu thì người dân ở đây đã biết dùng trúc để vót nan đan rổ. 

Rổ trúc tuy không chiếm ưu thế về kiểu dáng, màu sắc nhưng lại là sản phẩm hữu dụng, thân thiện với môi trường.
Rổ trúc tuy không chiếm ưu thế về kiểu dáng, màu sắc nhưng lại là sản phẩm hữu dụng, thân thiện với môi trường.
Từ QL53 về phía Tây, xóm nghề đan rổ trúc ở ấp Vườn Cò (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít) chỉ cách TT Long Hồ hơn 10 phút chạy xe gắn máy. Chẳng ai biết xóm nghề có từ bao giờ, chỉ biết khi những khóm trúc xanh rì mọc tới đâu thì người dân ở đây đã biết dùng trúc để vót nan đan rổ. “Cứ cha truyền con nối, mà hổng chừng là học lỏm từ hồi còn trong bụng mẹ”- mợ Bảy Điệt đoán thế.
 
Tuổi 73, đôi tay gầy gò của bà Trương Thị Điệt dù đã hằn vết chai sạn nhưng vẫn nhanh nhẹn, những đường đan, nếp đát vẫn đều răm rắp. Mắt không rời, tay không nghỉ, mợ Bảy Điệt hoàn tất bước cuối nứt vành cho chiếc rổ nhỏ có đường kính 45cm trong chừng vài phút. Thỉnh thoảng mắt mợ nhìn ra phía hiên nhà, nơi những nan trúc chẻ nhỏ được phơi mình trong nắng vàng chờ được đến tay người thợ.
Từ sáng sớm, bà Đào Thị Hẹ (ấp Vườn Cò, xã Hòa Tịnh) 84 tuổi đã bắt đầu chẻ trúc, vót nan, chuẩn bị nguyên liệu cho một ngày đan rổ.
Từ sáng sớm, bà Đào Thị Hẹ (ấp Vườn Cò, xã Hòa Tịnh) 84 tuổi đã bắt đầu chẻ trúc, vót nan, chuẩn bị nguyên liệu cho một ngày đan rổ.
Điểm qua các công đoạn làm rổ trúc từ khâu chuẩn bị nguyên liệu như cưa, cạo, chẻ, vót nan đến gầy mê, đan, đát, lận, nứt vành… mợ Bảy Điệt tấm tắc: “Nào giờ chỉ biết làm tới chứ hổng có chia công đoạn. Thấy nhiều bước chứ không khó, hồi chưa biết thì thấy khó, chứ làm riết là ghiền, như tui mần từ hồi con gái tới giờ có ngơi lúc nào. Dễ học, dễ làm, cháu dâu tui là dân thành phố mà về đây tui dạy chừng 3 tháng là nó làm cái rổ gọn ơ”.
 
Cặp con đường trước nhà mợ Bảy Điệt là con rạch nhỏ, những khóm trúc xanh rì lấp ló sau mái nhà, dọc theo dòng chảy uốn lượn về cuối xóm nghề là khoảng sân nhà cô Lê Thị Bảy. Sở hữu địa thế “trên lộ dưới thuyền” nên cô Lê Thị Bảy cũng trở thành một đầu mối thu mua sản phẩm đan đát của ấp, lắm lúc nơi đây còn đón các đoàn khách du lịch cập bến để “học nghề” rồi mua vài chiếc rổ làm quà lưu niệm.
 
Tùy kích thước, chất lượng mà cô Bảy thu mua cả thành phẩm và bán thành phẩm từ bà con trong ấp với giá dao động 130.000-150.000 đ/chục. Đối với người nhận làm từng công đoạn thì tiền công cũng khác nhau như gầy mê (bán thành phẩm) là 8.000 đ/cái, lận 3.000 đ/cái, nứt vành 1.500 đ/cái…
 
Đang vót những chiếc nan dài dùng để lận vành rổ, cô Lê Thị Bảy kể: “Tui theo chồng về xứ này ở học nghề cũng hơn 30 năm, còn chỉ dạy cho con cháu giữ nghề. Nghề này đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, khéo léo trong từng khâu, mà phải chịu đứt tay, chảy máu thì mới làm mau giỏi”.
 
Theo cô Bảy, muốn có loại rổ bền, tròn miệng, thì khâu chọn trúc là rất quan trọng, phải là trúc già, chắc, có độ dai vừa phải thì việc uốn cong miệng vành mới dễ dàng. Kế đó là vót nan, nan được vót càng láng, đều sẽ giúp các khâu uốn, nắn, lận càng hoàn hảo. Đến khâu đan đát thì người thợ cũng phải đan đều tay sao cho mắt rổ vừa khít. Cuối cùng là lận vành thì cần kết hợp cả sự khéo léo lẫn sức mạnh để vành rổ không bị méo mó, sản phẩm đạt chất lượng và thẩm mỹ.
 
Cả ấp Vườn Cò hiện có hơn 150 hộ làm nghề đan rổ trúc. Xen kẽ những lúc nông nhàn, bà con ở đây đa phần tận dụng trúc mọc quanh nhà để đan thành nhiều vật đựng như rổ, rá, sịa, nia. Sau này “tiếng nghề đồn xa” nên sản phẩm dân dã được mang ra bán ở chợ, được người tìm đến tận nơi để thu mua, giúp bà con có thêm thu nhập.
 
Theo cô Phạm Thị Hồ, từ lối rằm tháng 10 âm lịch đến Tết là thời điểm xóm nghề nhộn nhịp nhất, nhà nhà sáng đèn tập trung đan đát. “Bà con ở ấp phần lớn sống dựa vào nông nghiệp là chính, nghề đan rổ tuy thu nhập không nhiều nhưng cũng có đồng vô đồng ra. Không giống các nghề khác, có khi thợ làm rổ phải làm cả ngày, từ sáng đến tối mịt để kịp đơn hàng.
 
Nghề này chẳng phân biệt nam nữ, già trẻ, ai cũng có thể làm thành thạo tất cả các công đoạn. Người lớn có sức ngồi làm cả ngày thì có thể làm được 7-8 rổ thành phẩm, kiếm được gần 100.000 đ/ngày. Nếu không dư dả thời gian thì có thể nhận làm theo công đoạn, kiếm chừng 50.000 đ/ngày. Nhà nào có trẻ con tầm 5-6 tuổi thì đã biết phụ cạo trúc, phơi nan”.
 
Phụ nữ ấp Vườn Cò tranh thủ nhận đơn hàng làm rổ trúc đủ kích cỡ trong những lúc nông nhàn.
Phụ nữ ấp Vườn Cò tranh thủ nhận đơn hàng làm rổ trúc đủ kích cỡ trong những lúc nông nhàn.
Tự sản xuất, tự tìm hướng tiêu thụ, mỗi nhà làm nghề đan rổ tại ấp Vườn Cò cũng có những lựa chọn riêng. Những hộ không có trúc trồng nhà vẫn đối mặt với khó khăn về giá trúc tăng cao, nguồn lao động trẻ cũng không còn mặn mà với nghề như trước. Chưa kể, sản phẩm thủ công từ trúc vẫn chịu sự cạnh tranh với đồ dùng bằng nhựa, inox, nhôm… chiếm ưu thế bởi kiểu dáng, màu sắc đa dạng.
 
Dẫu có nhiều khó khăn nhưng nghề đan đát ở ấp Vườn Cò vẫn tồn tại đến ngày nay, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường. Những vật dụng dân dã không chỉ chứa đựng tâm huyết của mỗi người thợ, mà còn mang dáng dấp vùng quê sông nước, hình bóng quê hương được đong đầy trong từng sản phẩm. 
 
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh