Tản văn

Cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch

Cập nhật, 09:00, Chủ Nhật, 05/11/2023 (GMT+7)

 

Cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch với tiếng máy cắt lúa, tiếng máy chở những bao lúa cột mút miệng từ trong đồng tiến thẳng ra lộ, tiếng máy cuộn rơm,…
Cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch với tiếng máy cắt lúa, tiếng máy chở những bao lúa cột mút miệng từ trong đồng tiến thẳng ra lộ, tiếng máy cuộn rơm,…

Trên cánh đồng lúa chín vàng đều, những bông lúa oằn bởi trĩu hạt. Những hạt chắc mẩy và óng ánh dưới ánh nắng. Bắt gặp những cánh chim bay lượn trên cánh đồng mênh mông. Xa xa tiếng máy cắt lúa, tiếng máy chở những bao lúa cột mút miệng từ trong đồng tiến thẳng ra lộ, tiếng máy cuộn rơm,… Một nơi trên cánh đồng, tiếng nói cười rôm rả của bà con. Mùa lúa này nông dân có lời vì lúa được giá cao.

Về quê mới thấy. Ở thành phố mấy ngày nay những con đường như sông bởi con nước rằm tháng 9 âl. Vậy mà trên cánh đồng ráo hoảnh à nghen. Máy cắt lúa, máy cuộn rơm, máy chở lúa đều vận hành trơn tru, ngon lành. Vì các cống đập được đóng ngăn triều cường để phục vụ thu hoạch lúa.

Này ông Mười, chú Sáu, cô Ba, anh Thành... người đang ngồi trên bờ đê, người ngồi trên cuộn rơm, xôn xao tiếng nói cười. Đôi lúc lại trầm lắng với câu chuyện đặt cọc và bỏ cọc của những thương lái trên cánh đồng này. Người vui mừng khi vụ lúa Thu Đông trúng đậm với hơn 30 giạ một công và trúng thêm giá, người mừng ít hơn vì lấy tiền cọc khi lúa còn non xanh, giá bán thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Rồi tôi ngồi trên đồng được nghe bà con trong xóm nói về câu chuyện đặt cọc và bỏ cọc lúa của thương lái. Xắn ống quần lên đến gối, tay đưa chiếc nón lá lên quạt, cô Ba kể: “Vụ lúa này mới gieo sạ vài tuần là có thương lái lại thương thảo đặt cọc mua với giá 8.000-8.100 đ/kg lúa. Thấy giá cao quá nên không ít bà con chốt giá, nhận tiền đặt cọc liền. Ai nhè vài tuần sau giá lúa lên vù vù, người nhận cọc với giá 8.500-8.700 đ/kg lúa. Giờ giá lúa chạm đến 9.000 đ/kg”.

Đặt cọc lúa, thương lái đưa khoản tiền ban đầu khoảng 200.000-300.000 đ/công được gửi cho bà con nông dân. Ký kết miệng, ghi tên nông dân nhận tiền chứ đâu có hợp đồng hợp điếc kỳ đâu. Vì tiền đặt cọc không nhiều nên khó ràng buộc được thương lái. Khi giá lúa rớt, nếu người dân không bớt vài đồng trên mỗi ký lúa thì thương lái sẽ “bẻ kèo”. Và “bẻ kèo” trở thành câu chuyện thường kỳ một khi lúa có biến động về giá. Chú Sáu trên tay cầm xâu chuột vừa bắt được, tay kia bứt mớ rạ rễ bám đất, văng ra xa biểu hiện sự tiếc nuối, tiếp câu chuyện của cô Ba: “Mùa trước đặt cọc với giá cao khi thu hoạch thì giá lúa rớt, thương lái thương lượng giảm giá vài “dem” thì lấy chứ không bớt họ bỏ cọc không lấy lúa. Giờ giá lúa lên, chúng tôi kêu lên 500đ thì họ lên có 100 đ/kg thôi nhưng đã lấy tiền cọc rồi phải bán. Bà con rất xem trọng chữ tín”.

Đây đâu phải là chuyện mới diễn ra nó đã diễn ra lâu rồi và không chỉ ở đây mà còn nhiều tỉnh ở miền Tây. Ông Tám đưa ánh nhìn về chiếc máy chở lúa ra lộ, nói: “Ngày trước cắt lúa xong đem lên lộ rồi các thương lái lại nhiều lắm cả 6-7 thương lái. Họ đi xem lúa, kêu giá, ai được giá thì chốt. Giờ thương lái đặt cọc, nhiều người sợ không lấy cọc sau này khó bán vì không có thương lái”.

Thương cho người dân, nhiều người nghĩ cần có sự thỏa thuận hài hòa lợi ích giữa các bên và cần có giải pháp lâu dài cho nông dân. Thương lái đâu chịu thiệt, thương lái đâu chịu lỗ. “Đến ngày giờ cắt lúa chúng tôi cũng không được quyết mà do thương lái quyết định”- cô Ba bộc bạch. Câu chuyện ngắt ngang khi đến lượt lúa cô Ba được thương lái cân và đồng ý nhích lên 1 dem (100đ) và không chịu phí vận chuyển.

Giờ làm lúa sướng thiệt. Khâu thu hoạch chỉ cầm cây viết, tờ giấy và nhận tiền là xong. Khỏe re bà rè. Đã qua cái thời còng lưng mà gặt, đi ruộng phải mang lưỡi hái, đòn gánh, cà mên cơm theo như anh Sửu trong “Cha con nghĩa nặng” của Hồ Biểu Chánh: “... gặt hết một công rồi, anh ta leo lên bờ ngồi nghỉ và phành gói cơm ra mà ăn. Một tay thì bốc cơm nguội, trên đầu trời nắng, dưới chân lắm bùn, mà anh ta ăn coi bộ ngon lắm. Ăn hết gói cơm, bèn bước lại cái vũng gần đó, bụm tay múc nước mà uống, rồi khoát mà rửa mặt...”.

Ngồi trên đồng lúa chín tôi lại thèm được sống với quê. Với cuộc sống diễn ra thoải mái, chậm rãi như thế và khung cảnh đồng quê yên bình như thế, không ít những người trẻ bỏ phố về quê trồng cây, nuôi con. Để được gần gũi với thiên nhiên, tránh xa xô bồ, bon chen...

“Có làm thì mới có ăn”, những người trẻ về quê không phải hưởng thụ mà là khởi nghiệp nông nghiệp. Họ tìm tòi, nghiên cứu để áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nên không hề rảnh rỗi, an nhàn nhưng bù lại có cuộc sống trong lành và yên tĩnh. Phù hợp với những người sống đơn giản. Còn nói những người không có tham vọng thì không đúng, mà họ có tham vọng lớn là đằng khác. Đó là, muốn góp một phần sức trẻ để quê hương phát triển.

Rồi nắng chiều vàng vọt rơi trên những gốc rạ còn thơm mùi. Những chuyến xe chở lúa và rơm cũng dần khuất.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG