Sau gần 50 năm và 9 lần về Việt Nam tìm mẹ

06:11, 08/11/2023

Tháng 9/2022, ông Jonathan Arjen Ijff (tên tiếng Việt là Nguyễn Khánh Hưng)- nhà thiết kế đồ họa người Hà Lan gốc Việt, tham gia cuộc thi thiết kế logo do Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Hà Lan và Việt Nam (1973-2023). 

 

Hình ông Jonathan Arjen Ijff (Nguyễn Khánh Hưng) cùng mẹ (bên phải) trên máy bay đến Hà Lan vào ngày 12/4/1975, khi đó ông được gần 3 tháng tuổi.
Hình ông Jonathan Arjen Ijff (Nguyễn Khánh Hưng) cùng mẹ (bên phải) trên máy bay đến Hà Lan vào ngày 12/4/1975, khi đó ông được gần 3 tháng tuổi.

Tháng 9/2022, ông Jonathan Arjen Ijff (tên tiếng Việt là Nguyễn Khánh Hưng)- nhà thiết kế đồ họa người Hà Lan gốc Việt, tham gia cuộc thi thiết kế logo do Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Hà Lan và Việt Nam (1973-2023).

Đầu tháng 10/2023, ông nhận được tin mình được chọn là người chiến thắng. “Tôi hoàn toàn choáng ngợp. Đối với tôi nó không chỉ là một logo. Nó phản ánh bản sắc kép của tôi”- ông Jonathan Arjen Ijff chia sẻ.

Ông Jonathan Arjen Ijff nhớ lại: “48 năm trước, vào tháng 1/1975, tôi sinh ra ở tỉnh Vĩnh Long- địa phương nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL. Khi còn là đứa trẻ sơ sinh chỉ vài ngày tuổi, tôi đã bị bỏ rơi mà không có bất cứ một lời ghi chú hay nhắn nhủ tại Tu viện Good Shepherd và trại trẻ mồ côi ở TP Vĩnh Long. Trại trẻ mồ côi này được điều hành bởi các nữ tu Công giáo La Mã (địa chỉ nay là Quảng trường TP Vĩnh Long).

Sau vài ngày, tôi được đưa đến nơi cư trú Đại sứ quán Hà Lan tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) thông qua Cha Aarts. Ông là một linh mục và là nhà truyền giáo Hà Lan của tổ chức Công giáo La Mã Don Bosco. Ông cũng đã từng làm việc tại Việt Nam và là bạn của Đại sứ quán Hà Lan. Ông ấy lái một chiếc xe tải chở một số người trong chúng tôi đến “Friends of the Children of Vietnam” (Hội Những người bạn trẻ em Việt Nam).

Đây là một trại trẻ mồ côi lớn ở quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) cũng do các nữ tu điều hành. Từ đây, những đứa trẻ mồ côi được đưa đến một số cơ quan nhận con nuôi và đại sứ quán. Ông ấy đã giúp tìm kiếm trẻ em và làm điều đó thông qua mối quan hệ tốt với các trại trẻ mồ côi. Đặc biệt là các nữ tu Dòng Chúa Chiên Lành ở Vĩnh Long.

Những tháng đầu đời, tôi được bà Carolina van Roijen chăm sóc tại dinh thự Đại sứ quán Hà Lan ở đường Hai Bà Trưng (TP Hồ Chí Minh), bà là vợ của Đại biện lâm thời Hà Lan Jan Herman van Roijen. Khi đó, họ bắt đầu làm công tác ngoại giao tại miền Nam Việt Nam vào năm 1973.

Vào trung tuần tháng 4/1975, chỉ 2 tuần trước khi ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bà Van Roijen chuyển tôi cùng 26 đứa trẻ mồ côi khác sang Hà Lan. Chúng tôi được những người cha mẹ tốt bụng nhận nuôi và đem đến cho chúng tôi cuộc sống tốt đẹp.

Tôi lớn lên ở vùng nông thôn Beemster Polder (Hà Lan), một vùng đất xanh tươi và thấp so với mực nước biển. Đây là một trong những địa phương trồng nhiều hoa tulip ở xứ sở cối xay gió. Còn ở miền Tây Nam Bộ của Việt Nam hay còn gọi là khu vực ĐBSCL, đây là khu vực có diện tích trồng sen và nguồn cung sản lượng sen lớn nhất cả nước.

“Với những nét tương đồng này, tôi chọn hoa tulip và hoa sen để sử dụng cho logo (với hình hoa sen và hoa tulip cách điệu). Theo đó, màu hồng làm màu chung cho đóa hoa “2 trong 1” (sen và tulip) trong biểu tượng. Ở những chi tiết khác thì màu cam biểu trưng cho Hà Lan và màu đỏ biểu trưng cho Việt Nam.

Logo không chỉ mang ý nghĩa kết nối cả hai quốc gia mà còn kết nối cả hai nền văn hóa thấm sâu trong máu thịt tôi, Beemster và ĐBSCL. Tôi luôn cảm thấy mình như một đứa trẻ của cả hai đất nước. Tôi không dự thi thiết kế logo vì giải thưởng mà để kết nối với Việt Nam, đền đáp quá khứ và đi tìm chính mình.

Và phải mất nhiều năm (đến năm 2007) tôi mới thực hiện được ý định về thăm quê hương của mình. Tôi đã thận trọng lên kế hoạch cho bản thân mình, trước tiên sẽ làm quen với đất nước Việt Nam, và nếu nơi đây cho tôi cảm giác gắn bó thì tôi sẽ từng bước tìm kiếm họ hàng ruột thịt của mình.

Jonathan Arjen Ijff đã có lộ trình học tiếng Việt với gia sư người Việt tại Hà Lan. Tuy phát âm chưa tròn vành, rõ chữ nhưng ông vẫn muốn giao tiếp bằng tiếng Việt (thay vì tiếng Anh) để có cuộc hội ngộ thật tốt với người thân của mình (nếu như có phép màu xảy ra).

Khi đặt chân đến Hà Nội, tôi cảm nhận như mình đã về với vùng đất thân quen với những cảm xúc bồi hồi và tôi đã yêu Việt Nam ngay từ cái nhìn đầu tiên. Việt Nam đem đến cho tôi sự thân thương, gần gũi với niềm vui khó tả và tôi cảm thấy mình được chào đón ở Việt Nam. Kể từ đó, tôi đã đến thăm Việt Nam nhiều lần. Mỗi lần đến thăm, tôi đều có cảm giác rằng mình đã tiến một bước gần hơn đến cội nguồn của mình.

Trong 9 lần về Việt Nam thì có 2 lần tôi về Vĩnh Long, lần đầu do không có nhiều thời gian nên tôi chỉ đến để cảm nhận Vĩnh Long, lần này tôi kể câu chuyện của mình với báo chí, truyền thông với mong muốn tìm lại mẹ ruột và người thân của mình. Mặc dù không có giấy khai sinh hay manh mối nào khác. Song, địa điểm tôi sinh ra ở Vĩnh Long là chắc chắn. Chính vì vậy, tôi tập trung tìm kiếm ở tại nơi đây. Tôi yêu Việt Nam và Vĩnh Long vì nơi đây tôi đã cất tiếng khóc chào đời và đến với thế giới này.

Hình ông Jonathan Arjen Ijff (Nguyễn Khánh Hưng) nhờ cộng đồng giúp ông tìm mẹ ở Vĩnh Long và trên tay ông là những hình ảnh lúc ông chưa tròn 1 tuổi.
Hình ông Jonathan Arjen Ijff (Nguyễn Khánh Hưng) nhờ cộng đồng giúp ông tìm mẹ ở Vĩnh Long và trên tay ông là những hình ảnh lúc ông chưa tròn 1 tuổi.

Và bây giờ, sau gần 50 năm, tôi đã tạo ra logo với bản sắc trực quan nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan. Trong mối quan hệ 50 năm giữa Hà Lan và Việt Nam và trong năm 2023- năm con mèo- cung hoàng đạo Việt Nam của tôi. Tôi mong đây sẽ là cơ hội để tôi tìm thấy người thân ruột thịt của tôi.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh