Trong hành trình khai phá đất phương Nam, bên cạnh tri thức dân gian, nghệ thuật dân gian, thì các loại bánh quê cũng được những người dân di cư mang theo hành trang của mình vào vùng đất mới.
Thưởng thức bánh dân gian. |
Trong hành trình khai phá đất phương Nam, bên cạnh tri thức dân gian, nghệ thuật dân gian, thì các loại bánh quê cũng được những người dân di cư mang theo hành trang của mình vào vùng đất mới.
Ở Vĩnh Long, bánh quê là sản phẩm quen thuộc với mọi người, tạo nên phong cách thưởng thức bình dị trải rộng khắp các tầng lớp Nhân dân, để từ đó cụm từ “bánh dân gian” trở nên quen thuộc và đi vào tâm thức của nhiều thế hệ.
Trước đây, bánh dân gian xuất hiện nhiều ở các gia đình nông thôn, họ sử dụng các nguyên liệu sẵn có: gạo, nếp, dừa, khoai, đậu… để chế biến ra các loại bánh dân gian khác nhau phục vụ cho nhu cầu ẩm thực trong đời sống, hay mang theo dùng trong những lúc lao động trên đồng ruộng.
Vĩnh Long có ba dân tộc Kinh- Hoa- Khmer cùng sinh sống, trong quá trình cộng cư các dân tộc đã cùng nhau tạo nên nhiều loại bánh dân gian chứa đựng bên trong từng nhưn bánh là hồn cốt của dân tộc, góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của vùng đất Vĩnh Long.
Quyển “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long 1732-2000”, Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long năm 2003 từng đề cập: “Người Vĩnh Long cũng như ở Nam Bộ thích ăn bánh, nhất là vào những ngày lễ, Tết nhà có con gái lớn thường hay xúm xít lại làm bánh, nấu chè cho cả nhà cùng ăn, vui vẻ chuyện trò với nhau.
Vùng đất này xưa kia có một loại bánh ngọt đặc biệt được nhiều người ưa thích đó là bánh lá. Bánh lá làm thật đơn giản, khi muốn ăn người ta xách rổ ra vườn hái một mớ lá mít, nếu không có thì hái lá dừa đem vô nhà rửa sạch để làm bánh.
Bột gạo ngon, dai luôn có sẵn trong nhà, chỉ lấy ra nhào bột với nước cốt lá dứa, nước cốt dừa và đường cho vừa ngọt vừa béo, sau đó nắn, miết bột đó lên mặt lá mít hoặc lá dừa theo hình chiếc lá, xong xếp vào xửng hấp cách thủy. Trong lúc chờ bánh chín, người ta thắng nước cốt dừa cho đặc lại, béo ngậy.
Lúc bánh chín, mỗi người cầm từng chiếc lá dừa dài sọc hoặc chiếc lá mít dầy láng trong tay, gỡ bánh ra rồi chấm vào chén nước cốt dừa vừa ăn vừa ngồi chơi trò chuyện với nhau thật là vui và đầm ấm”.
Người dân Vĩnh Long cũng thích ăn bánh lọt nước đường. Họ nhào bột với lá dứa cho màu xanh lục nhạt, đổ bột lên khuôn thiếc đục lỗ, xong lấy cây chà, bột đang nóng theo lỗ lọt xuống chậu nước lạnh thì sẽ đặc lại ngay, sau đó vớt bánh lọt bỏ vào ly, thắng nước đường và nước cốt dừa chan vào ăn thật là ngon và thơm béo.
Đặc biệt, thời gian qua tại Bảo tàng Vĩnh Long vào dịp tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, ngoài các hoạt động triển lãm, văn hóa, nghệ thuật, thi đấu thể thao và trò chơi dân gian, Sở Văn hóa-TT-DL còn tổ chức trình diễn chế biến các loại bánh dân gian.
Tuy không phải là hội thi, không có giải thưởng cho đội thắng cuộc nhưng buổi trình diễn cũng thu hút đông nghệ nhân làm bánh dân gian của ba dân tộc Kinh- Hoa- Khmer trong tỉnh tham gia chế biến các loại bánh: bánh bò, bánh da lợn, bánh chuối, bánh lá, bánh cúng. Đối với đồng bào Khmer có bánh thốt nốt, cơm nếp nướng ống tre, cốm dẹp, bánh cần cù, bánh tai yến, bánh trộm.
Nói về loại bánh có tên khá ngộ nghĩnh (bánh trộm), nghệ nhân Thạch Thị Lợi, ngụ xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, cho hay, đây là loại bánh xuất phát từ giai thoại được đồng bào Khmer dùng để làm vật sính lễ đi hỏi vợ, nhưng vì thức đêm làm bánh mệt mỏi, khi làm xong bánh gia đình ngủ quên, bị ăn trộm vào nhà lấy gần hết bánh, từ đó đồng bào Khmer đặt tên là bánh trộm.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, bánh dân gian sẽ ít xuất hiện hơn trong mâm ẩm thực của mỗi gia đình. Những lần trình diễn bánh dân gian như thế này sẽ là hoạt động thật ý nghĩa, gợi nhớ cho người lớn tuổi hoài niệm về ký ức của tuổi thơ hồn nhiên bên đĩa bánh của bà, của mẹ làm; đồng thời, giúp cho các bạn trẻ tiếp cận các loại bánh dân gian, đây cũng là dịp để họ tìm hiểu về giá trị của văn hóa ẩm thực, để cùng nhau bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT