Trong lời tự sự của mình, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã viết: "Tuổi trẻ thật là quý giá. Khi đã định hướng là khi ta không đánh mất mình trong dòng đời trôi nổi. Tuổi trẻ đủ sức mạnh giúp ta đứng dậy mỗi khi bị sức mạnh phũ phàng đánh ngã. Tuổi trẻ đủ dũng khí vượt lên trên con đường lẻ loi, âm thầm để đi tới tương lai. Tuổi trẻ khát khao tình yêu và cuộc sống, song khi đã có chí hướng, tuổi trẻ lại có thể dồn toàn bộ khát vọng cho tình yêu lớn. Bây giờ tôi muốn nói lại với các con tôi và tất cả các bạn trẻ như vậy. Đó là kinh nghiệm sống của đời tôi".
Trong lời tự sự của mình, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã viết:
“Tuổi trẻ thật là quý giá. Khi đã định hướng là khi ta không đánh mất mình trong dòng đời trôi nổi. Tuổi trẻ đủ sức mạnh giúp ta đứng dậy mỗi khi bị sức mạnh phũ phàng đánh ngã.
Tuổi trẻ đủ dũng khí vượt lên trên con đường lẻ loi, âm thầm để đi tới tương lai. Tuổi trẻ khát khao tình yêu và cuộc sống, song khi đã có chí hướng, tuổi trẻ lại có thể dồn toàn bộ khát vọng cho tình yêu lớn. Bây giờ tôi muốn nói lại với các con tôi và tất cả các bạn trẻ như vậy. Đó là kinh nghiệm sống của đời tôi”.
Và giáo sư đã “dồn toàn bộ khát vọng cho tình yêu lớn” của đời mình, đó là khát vọng giải phóng dân tộc!
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới xem triển lãm vũ khí do ngành Quân giới Việt Nam sản xuất năm 1950. Ảnh: TƯ LIỆU |
Ấp ủ chế tạo vũ khí để đánh Pháp
Nhìn vào lịch sử từ khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, biết bao nhiêu cuộc đấu tranh đã nổ ra, mặc dù Nhân dân ta chiến đấu anh dũng, ta có tướng tài, nhưng vũ khí quá thô sơ, nên bị dìm trong bể máu.
Do đó, ông nhận thấy rằng muốn phục vụ đất nước thì phải biết chế tạo vũ khí đi đôi với con người có tài thao lược. Vì vậy, trong ông đã nuôi một ý chí, một quyết tâm và cao hơn là khát vọng chế tạo vũ khí để đánh Pháp giành độc lập cho Tổ quốc, cứu Nhân dân khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.
Hoài bão đó đã ấp ủ và ngày càng cứ lớn dần trong ông. Và ông cũng nhận thức rằng phải học thật giỏi thì mới có thể thực hiện được hoài bão, khát vọng của mình. Chính vì vậy, ngay từ bậc trung học đệ nhất (THCS ngày nay) ông đã là người học trò với thành tích học xuất sắc.
Sau đó, ông xuất sắc với 2 kỳ thi tú tài bản xứ và tú tài Pháp. Với thành tích đó, ông có thể ra Hà Nội học ĐH và sẽ trở thành công chức Pháp với lương cao cùng những ưu đãi khác sẽ giúp gia đình ông có cuộc sống sung sướng. Nhưng ông đã không chọn con đường đó!
Ông cho rằng không bao giờ thực dân Pháp mang các tài liệu về vũ khí, nhất là chế tạo về vũ khí qua Việt Nam. Do đó, muốn nghiên cứu về chế tạo vũ khí nhất thiết phải sang Pháp. Ông đã âm thầm chờ đợi thời cơ để được sang Pháp học và tìm hiểu, nghiên cứu về vũ khí.
Trong khi chờ đợi thực hiện hoài bão này, ông đã xin đi làm ở Tòa sứ Mỹ Tho. Trong thời gian này, mẹ ông muốn ông lấy vợ để sớm có cháu ẵm bồng lúc tuổi già. Nhưng ông đã lặng thinh và lảng tránh yêu cầu của mẹ, bởi trong ông hoài bão được nghiên cứu để chế tạo vũ khí cho Nhân dân đánh Pháp nó cứ lớn dần. Ông đã thưa với mẹ ý định sẽ đi du học để thực hiện hoài bão, khát vọng của mình và lời căn dặn của cha…
Dịp may rồi cũng đến với ông bởi nhân cách và tài năng của ông đã chinh phục được nhà báo Vương Quang Ngươu, một trí thức Việt kiều Pháp tốt bụng, có uy tín và có mối quan hệ rộng rãi. Đã vận động Hội Ái hữu Trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn cấp ngoại lệ, cho ông suất học bổng một năm học ở Pháp, dù ông không có quốc tịch Pháp.
Khi sang Pháp, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của mình ông đã vượt qua một lớp dự bị, thi đậu vào trường ĐH và được cấp học bổng. Ấp ủ khát vọng học có đủ tri thức để chế tạo vũ khí.
Ở Pháp bấy giờ có 5 trường ĐH có khoa công nghệ chế tạo vũ khí nhưng không nhận sinh viên các nước thuộc địa, kể cả số nhập quốc tịch Pháp. Tài liệu nghiên cứu chế tạo vũ khí thuộc bí mật quốc gia nên quản lý rất nghiêm ngặt. Không thể tiếp cận theo con đường này, ông tìm con đường khác. Chính thay đổi cách tiếp cận này mới thấy hết được tấm lòng, khát vọng lớn lao và tầm vóc của bậc đại trí!
Ông thi vào Trường ĐH Quốc gia Cầu đường, vì như ông bộc bạch: Ở đây có nhiều giáo sư giỏi, dạy về hóa chất thuốc nổ, thành phần cấu tạo của mìn, bộc phá,… và điều quan trọng là ông có thể “công khai đọc sách về hóa chất nổ mà không bị nghi ngờ”.
Không chỉ dừng lại ở đây, ông còn học kỹ sư điện tại trường ĐH Điện, cử nhân Toán cao cấp tại ĐH Sorbonne, kỹ sư hàng không tại Học viện Kỹ thuật hàng không, chứng chỉ ở ĐH Mỏ và Cơ khí bách khoa.
Sau khi đã chuẩn đủ lượng kiến thức cần thiết, ông bắt đầu tìm việc làm để thực hiện hoài bão của mình. Chính nhờ thành tích học tập xuất sắc ở các trường ĐH và tư cách được nhà trường cũng như công ty mà ông đã làm qua xác nhận. Ông được nhận vào làm ở phòng thiết kế của công ty chế tạo máy bay.
Ở đây, ông được quyền đọc những tài liệu, được giới thiệu để dễ dàng nắm bắt các ký hiệu hồ sơ tài liệu, sách báo, tạp chí chuyên ngành cần thiết. Và chính ở đây, ông đã tìm được nhiều tài liệu mình cần tìm về chế tạo vũ khí.
Trong suốt quá trình tìm tòi, nghiên cứu trên đất Pháp, Đức và trải qua 11 năm chịu cực, chịu khó, cả chịu khổ, ông đã chuẩn bị được 1 tấn tài liệu với hơn 30.000 trang về vũ khí, sản xuất vũ khí và những vấn đề liên quan.
Ông cơ bản hoàn thành bước đầu mục tiêu cho việc sản xuất vũ khí để đánh Pháp. Nhưng điều kiện để triển khai mục tiêu, khát vọng trong ông từ khi ông mới hơn chục tuổi đầu là một vấn đề không phải dễ dàng.
Sự gặp gỡ diệu kỳ
Mùa hè năm 1946, ông cùng đông đảo bà con Việt kiều ở Paris ra sân bay Le Bourget đón Bác Hồ sang thăm theo lời mời của Chính phủ Pháp. Nghe tên Nguyễn Ái Quốc đã lâu nhưng nay ông mới được tận mắt thấy “một cụ già hơi gầy, có bộ râu đen và thưa, trang phục giản dị với bộ kaki màu vàng nhạt, trên ngực không đeo huân chương.
Đặc điểm hấp dẫn nhất với tôi là Người có đôi mắt sáng, vầng trán rộng, cử chỉ nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn chủ động”. Trong thời gian Bác Hồ ở Pháp, ông cùng bà con Việt kiều nhiều lần tháp tùng cùng Bác đi thăm, nói chuyện với đồng bào Việt kiều, thăm cơ sở của Đảng Cộng sản Pháp.
Những ngày được ở bên Bác Hồ, được nghe Bác Hồ phân tích về tình hình đất nước sau Cách mạng Tháng Tám; về âm mưu của thực dân Pháp xâm lược, chiếm đóng, chia cắt đất nước ta; ý chí và quyết tâm của Nhân dân ta bảo vệ nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Càng được gần Bác Hồ, cảm nhận được tư tưởng yêu nước sâu sắc, nhân cách nhân văn, tri thức uyên bác, ông càng thêm khâm phục, quý mến và niềm tin đối với Bác Hồ- vị lãnh tụ mà ông mới tiếp xúc. Đó chính là lý do mà ông cũng như những trí thức Việt kiều ở Pháp lúc bấy giờ như bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh, kỹ sư luyện kim Võ Quí Huân,… theo Bác Hồ về nước chịu gian khổ, hy sinh để đánh giặc ngay khi Bác Hồ về nước!
Một câu hỏi đặt ra là, nếu không gặp được Bác Hồ thì ông có về nước để đánh Pháp không? Vẫn biết rằng lịch sử thì không có chữ “nếu” nhưng tôi tin rằng, không gặp được Bác Hồ, ông chưa về nước. Kiếm báu phải tặng anh hùng! Ông chính là thanh kiếm báu mà khi được trao cho anh hùng Hồ Chí Minh thì kiếm báu đã phát huy sức mạnh, uy lực đến mức cao độ.
Những đóng góp, cống hiến của ông trong công cuộc kháng Pháp, chống Mỹ và trong xây dựng nền khoa học công nghệ,… cho đất nước là minh chứng thuyết phục và hùng hồn nhất.
GS.VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa một tấm gương sáng về nhân cách, về tấm lòng, về trách nhiệm và cao hơn là hoài bão, khát vọng xả thân, cống hiến cho đất nước của nhà khoa học chân chính. Và từ chính cuộc đời của ông ta có thể đúc kết được đôi điều:
Một là, vai trò của gia đình, truyền thống của quê hương và tri thức thời đại chính là mạch nguồn ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng.
Hai là, vì sao khi gặp được Bác Hồ, kỹ sư Phạm Quang Lễ lại sẵn sàng từ bỏ sự giàu sang, sung sướng để về nước tham gia kháng chiến, chịu gian khổ, hy sinh? Đó là câu hỏi, thiết nghĩ các nhà lãnh đạo quản lý quan tâm và những trí thức đương thời cũng cần suy nghĩ.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa, nhắc nhớ về ông như lời tri ân, sự nghiêng mình trước một nhà khoa học mà trong ông có đầy đủ những phẩm chất của người quân tử: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.
TS NGUYỄN BÁCH KHOA
Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long