Để có những cây cầu bắc ngang hai nhánh sông hạ lưu tả ngạn và hữu ngạn của sông Mekong vào đồng bằng châu thổ Cửu Long là điều hằng mơ ước bao đời của hàng triệu người dân miền Tây.
Đường qua Cần Thơ không còn hấp hải vì sợ trễ phà, lỡ chuyến hàng. Trong ảnh: Cầu Cần Thơ nối đôi bờ sông Hậu góp phần tạo sức bật cho vùng đất chín rồng. |
(VLO) Để có những cây cầu bắc ngang hai nhánh sông hạ lưu tả ngạn và hữu ngạn của sông Mekong vào đồng bằng châu thổ Cửu Long là điều hằng mơ ước bao đời của hàng triệu người dân miền Tây.
Và ước mơ đã trở thành hiện thực, mải mê ngắm những cây cầu mang dáng hình hiện đại, vắt mình ngang dòng sông mênh mông. Và xuôi theo những dòng ký ức về những chuyến phà.
Cầu Mỹ Thuận- nối đôi bờ sông Tiền
Rồi ước mơ ấy cũng thành hiện thực khi cây cầu dây văng lớn nhất và đầu tiên ở Việt Nam đã nối đôi bờ sông Tiền.
Cầu Mỹ Thuận khởi công xây dựng vào ngày 6/7/1997, có chiều dài 1,5km, rộng 23,66m, cao 116,5m, cho 4 làn xe cơ giới lưu thông. Cầu được khánh thành vào ngày 21/5/2000.
Cầu treo dây văng theo hình rẻ quạt với hai mặt phẳng dây cách nhau 18,6m, gồm 22 nhịp. Cầu nằm trên QL1- trục giao thông chính của ĐBSCL.
Để có được cây cầu này, phải trải qua bao lần, với gần 50 năm. Bắt đầu từ năm 1950, Mỹ đã có ý định cung cấp vốn cho Việt Nam xây dựng cây cầu nhưng thất bại.
Giữa thập niên 1960, Công ty Nippon Koei (Nhật Bản) đã hoàn thành thiết kế đồ án và được lựa chọn nhưng dự án bị hủy do khó khăn về tài chính.
Theo chương trình AusAid của Chính phủ Úc, dự án cầu Mỹ Thuận có tổng nguồn vốn đầu tư là 90,86 triệu đô la Úc (tương đương 2.000 tỷ đồng), trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34% đã thành công.
Nhắc đến cây cầu Mỹ Thuận người lớn tuổi sẽ nhớ ngay đến ngày khánh thành, hàng ngàn người dân miền Tây ùn ùn đổ về để được tận mắt chứng kiến cây cầu dây văng lớn nhất nước. Chứng kiến cây cầu ước mơ của người dân. Nhiều người ví người ta “đông như kiến” chen chân mà đi. Sự háo hức và niềm vui không thể tả nên người dân kéo nhau đi xem để chiêm ngưỡng cây cầu dây văng đầu tiên ở nước ta.
Cầu Cần Thơ- vắt mình ngang dòng sông Hậu
Theo tìm hiểu thì bến phà Cần Thơ do người Pháp xây dựng khoảng năm 1918. Khi cầu Cần Thơ chính thức thông xe cũng là lúc những chuyến phà Cần Thơ hoàn thành sứ mệnh cao cả sau hơn 90 năm nối đôi bờ sông Hậu. Và những chiếc phà đã trở thành ký ức, được nhắc nhớ qua những câu ca:
“Em sinh tươi trong chiếc áo bà ba,
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm,
Qua bến bắc Cần Thơ”.
(Chiếc áo bà ba)
Nói không quá thì những người con sông nước và những người yêu mến miền Tây mấy ai không biết đến ca khúc này. Ca khúc này do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào năm 1984. Vì thời gian phục vụ của phà những năm 80 trở về trước khoảng từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm nên “Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm” là vậy. Về sau này mới phục vụ 24/24 giờ. Bến phà Cần Thơ lúc nào cũng từng hàng từng hàng xe nối dài, người thì chen chân để chờ được
qua phà.
Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối liền TP Cần Thơ và Vĩnh Long. Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 25/9/2004 và được khánh thành vào ngày 24/4/2010. Cây cầu dây văng “hoành tráng” với nhịp chính cầu dài nhất Đông Nam Á. Chiếc cầu giúp xe chạy bon bon không còn sợ trễ phà, kẹt phà, sợ giao hàng không kịp trái cây hư.
Niềm vui nối tiếp niềm vui
Đường về Vĩnh Long không còn những chuyến phà. Trong ảnh: Cầu Mỹ Thuận và “dáng dấp” của cầu Mỹ Thuận 2. |
Hiện nay, cầu Mỹ Thuận 2 đang được xây dựng, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng lưu, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ với tổng mức đầu tư cầu và đường dẫn 2 đầu cầu là 5.003 tỷ đồng.
Cầu có tổng chiều dài 6,61km; trong đó phần cầu chính dài khoảng 1,9km, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023, cầu Mỹ Thuận 2 giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 4 giờ hiện nay còn khoảng 2 giờ trong tương lai.
Ngày nay, xe chạy bon bon trên những cây cầu sừng sững bắc qua sông Tiền và sông Hậu không ít người sẽ có cảm giác đan xen giữa niềm vui và nỗi nhớ. Người trải lòng: Không quên những chuyến phà đã một thời đưa đón.
Những tiếng rao “bánh tráng, bánh mì, bắp, trứng cút, trà đá, cà rem,…” vẫn còn mênh mang trong niềm nhớ. Và không quên mua bắp, vì bắp ở xứ này dẻo và ngọt. Mang nỗi hoài niệm về sự chờ đợi, sự chen chúc, thỏa thích ngắm nghía sông nước, hàng cây phía bờ sông Hậu xa xa. Với ăm ắp kỷ niệm một thời “qua sông phải lụy phà”.
Lâu lâu, có dịp lại tặng mình chuyến phà Cần Thơ về Vĩnh Long. Đi phà để nhớ một thời sông nước phà đò, đi phà để ngắm được chiếc cầu hiện đại, sừng sững, ngắm nhìn ước mơ của hàng triệu người con đồng bằng châu thổ Cửu Long.
Giờ đây “Đường đi Vĩnh Long không còn những chuyến phà xưa/ Xe ta bon bon trên cầu Mỹ Thuận gió đưa/…/ Ghé bến Ninh Kiều qua cầu Cần Thơ/ Nối vui đôi bờ sông Hậu Giang”. (Miền Tây quê tôi- Cao Minh Thu).
Chính những nhịp cầu đã đưa miền Tây đến gần hơn, không còn cách xa bởi những chuyến đò, phà trắc trở. Những nhịp cầu giúp ĐBSCL rút ngắn khoảng cách với các tỉnh phía Nam, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.
Những chiếc cầu tạo sức bật của vùng đất chín rồng, để vùng đất chuyển biến mạnh mẽ. Những chiếc cầu còn tạo nét mới mạnh mẽ, hiện đại tô đẹp cảnh quan cho vùng sông nước Cửu Long.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin