Vĩnh biệt "Cây đại thụ của ngành y tế Vĩnh Long"

12:07, 09/07/2023

13g ngày 1/7 (nhằm ngày 14 tháng năm, Quý Mão) một trái tim thầy thuốc đã ngừng đập- BS, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Trung (tức Trần Văn Trung) đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 94. Sau hơn 7 tháng trời vật lộn với những cơn đau đớn vì bệnh tật tuổi già, dù đã được gia đình và các y, BS chăm sóc tận tình. Từ đây, ngành y Tế Vĩnh Long trống trải thêm một khoảng trời, khi một "cây đại thụ của ngành y tế Vĩnh Long" đã ra đi mãi mãi.

13g ngày 1/7 (nhằm ngày 14 tháng năm, Quý Mão) một trái tim thầy thuốc đã ngừng đập- BS, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Trung (tức Trần Văn Trung) đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 94. Sau hơn 7 tháng trời vật lộn với những cơn đau đớn vì bệnh tật tuổi già, dù đã được gia đình và các y, BS chăm sóc tận tình. Từ đây, ngành y Tế Vĩnh Long trống trải thêm một khoảng trời, khi một “cây đại thụ của ngành y tế Vĩnh Long” đã ra đi mãi mãi.

 Những dòng cảm tưởng của ông Nguyễn Thiện Nhân- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam.
Những dòng cảm tưởng của ông Nguyễn Thiện Nhân- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam.

Năm 2020, BS Nguyễn Hồng Trung vinh dự nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, cũng là sự ghi nhận những đóng góp, gắn bó 75 năm cuộc đời mình với ngành y; trong đó, đã tròm trèm gần nửa thế kỷ cống hiến cho quê hương Vĩnh Long trên cả 2 lĩnh vực Tây y lẫn Đông y.

Với sự đóng góp đó, BS, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Trung xứng đáng được ghi nhận qua câu nói của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu, khi đã từng gọi ông là: “Cây đại thụ của ngành y tế Vĩnh Long”.

Những ngày đầu bước vào ngành, ông là một y tá cứu thương ở Dưỡng đường quân sự Quân khu 7, tức Quân y viện 1 thời kháng chiến chống Pháp. Khi ấy, ông vừa tròn 17 tuổi. Rồi tập kết ra Bắc cho đến ngày nước nhà thống nhất, ông là một trong những người có mặt sớm nhất ở Bệnh viện Nguyễn Trung Trực (nay là Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long).

Sau đó, là hơn 15 năm trực tiếp gầy dựng và lãnh đạo Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long. Cho đến khi tuổi cao, sức yếu, những ngày tháng cuối đời nằm viện BS Nguyễn Hồng Trung vẫn chưa ngừng những trăn trở, dành sự quan tâm đặc biệt về sự phát triển của ngành y tế tỉnh nhà.

Có những chuyện mà như ông chia sẻ “không nói ra thì không ai biết”; trong đó, có những nỗi cơ cực không ngờ của quãng đời trước khi ông được đến với Đảng, được tham gia cách mạng để có cơ hội cống hiến cả cuộc đời mình cho nghề thuốc. Trong hồi ức của ông Mười Trung, thì cho đến lúc 9 tuổi mình vẫn còn hưởng thụ sự sung sướng trong một gia đình êm ấm, đầy đủ vật chất, vì cha ông là chủ tiệm may Sanh Tồn- một tiệm may lớn ở ngay trung tâm chợ Rạch Giá.

Nhưng do theo Đảng hoạt động bán công khai, tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, nên ông chủ Sanh Tồn bị bọn mật thám bắt năm 1939 khi vừa đi diễn thuyết về tới nhà và bị kêu án 18 tháng, ở tù tại Khám lớn Sài Gòn và bị đày 5 năm biệt xứ, toàn bộ gia sản bị tịch thu. Từ đây, bắt đầu những ngày tháng gian truân, khi mà mẹ ông- bà Nguyễn Thị Còn- dắt díu 4 người con về lại quê ngoại ở Vĩnh Long, vừa may mướn vừa tham gia hoạt động cách mạng.

Cuộc bạo động ở cù lao Tân Phong (Cai Lậy- Tiền Giang) diễn ra, mẹ ông bị bắt đày đi Bà Rá (Bình Phước) 2 năm. Vậy là mấy anh chị em bơ vơ giữa thời buổi khó khăn loạn lạc, tự đùm bọc nhau mà sống qua ngày, vì sợ nương tựa người thân gây liên lụy, bởi bị ghép tội là “gia đình cộng sản”.

Những năm 1941- 1942, cha mẹ ông Mười Trung lần lượt được ra tù nhưng bị đưa về quản thúc ở Sóc Trăng; gia đình đoàn tụ được hơn năm, thì cha ông lại rời nhà ra đi hoạt động bí mật tận Cà Mau. Gia đình lâm vào cảnh trắng tay, nghèo khó, anh chị em lại tứ tán mưu sinh.

Đây là những tháng năm đầy những tủi nhục đắng cay, mà mỗi khi nhớ lại ông Mười Trung vẫn rơm rớm nước mắt. Khi mà phải đi ở cho người bác là chủ tiệm may Kỳ Sơn ở Long Xuyên, không chịu nổi công việc phục dịch, phải xuống đò dọc trốn về quê ngoại, ai dè lạc đường nên đò chạy xuống tuốt dưới bến Bãi Xàu (Sóc Trăng). Rồi có những tháng ngày theo trạng sư Đạm lên Sài Gòn, đến khi bị bỏ bơ vơ phải đi đánh giày, làm bồi bàn kiếm sống giữa đất Sài Gòn lạc lõng.

Đến đầu năm 1947, má và chị ông từ chiến khu lên Sài Gòn tìm gặp được ông rồi đưa ra Khu 7, ông Mười Trung bắt đầu tham gia cách mạng vào tháng 3/1947. Ông nhớ lại: “17 tuổi, đời tôi có Đảng đã cho tôi được sáng mắt, sáng lòng. Tôi thật sự được đổi đời từ đó, được học chuyên môn và tiếp tục học văn hóa, rồi từng bước trưởng thành và gắn bó với ngành y qua suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng”.

Ngoảnh lại cuộc đời mình kể từ những biến cố gia đình, giữa cảnh chiến tranh, loạn lạc của quê hương, ông Mười Trung cũng không thể hình dung nổi đời mình sẽ ra sao nếu không có cơ hội được đến với Đảng, rồi như một duyên nghiệp mà ngành y “vận” vào mình ngay những ngày đầu đến với cách mạng. Đó là niềm hạnh phúc lớn của cá nhân ông, nhưng đó cũng là điều may mắn để ngành y tế Vĩnh Long có thể tự hào về người thầy thuốc suốt một đời tận tâm, tận tụy vì người bệnh.

Không riêng gì ở Vĩnh Long, “điểm danh” đội ngũ lão thành trong ngành y cả nước, giờ đây khó tìm được “cây cao bóng cả” còn bền bỉ với nghề trong suốt gần 8 thập niên qua. Để lại cho đời hình ảnh thầy thuốc đã từng đi qua cuộc chiến tranh ác liệt của đất nước, nên cũng là một thầy thuốc mặc áo lính Cụ Hồ. Phẩm chất của người bộ đội là một trong những nền tảng quan trọng, đã kết tinh nên những tài năng, đức độ đáng kính, là tấm gương về sự tận hiến, cũng là sự tạo dựng niềm tin của quân và dân đối với phẩm hạnh của người thầy thuốc chân chính.

Nhớ lại những năm 1990, gia đình ông Giám đốc bệnh viện- BS Nguyễn Hồng Trung chưa mua nổi chiếc xe gắn máy cũ, còn cái ti vi Sony trắng đen có 4 chân mà mỗi lần muốn rõ hình phải vỗ bộp bộp... nhưng chưa bao giờ ông có ý định khám mạch tư để tăng thu nhập gia đình. Bởi một lý do, cũng là một nguyên tắc sống của những ai đã chọn ngành y làm cái nghiệp, làm cái “đạo” của đời mình, đó là tâm niệm không được dùng nghề nghiệp của mình để kinh doanh đối với người bệnh.

Cao quý thay một thầy thuốc đã dành trọn tâm huyết của đời mình vì người bệnh. Những phẩm chất đó càng sáng ngời hơn trong hoàn cảnh ác liệt, thiếu thốn của chiến tranh, họ sẵn sàng “rút máu” mình truyền cho bộ đội, sẵn sàng tốc dậy khi nghe có lệnh đi cấp cứu, dù bản thân đang nằm liệt giường vì sốt rét rừng... Và nhiều điều- dù xưa cũ, cũng cần nhắc lại, để mà giữ gìn, mà tiếp nối cái đạo lý cao cả của ngành y. Đó cũng là di sản quý giá ông để lại cho đời, cho cháu con mãi noi theo.

Như trong sổ tang, ông Nguyễn Thiện Nhân- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, ghi lại: “Chú Mười Trung ơi!. Vậy là chú đã trọn đời hiến dâng cho Đảng, sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng ngành y tế tỉnh Vĩnh Long. Ba Má con và gia đình luôn trân trọng sự cống hiến của chú cho sự nghiệp cách mạng và tấm lòng của chú với gia đình. Chú đi xa nhưng các con trong gia đình đang kế tục sự nghiệp của chú. Chúng con nguyện noi gương chú để góp phần phát triển quê hương Vĩnh Long và Trà Vinh”.

Những dòng hoài niệm ghi chép lại, cùng nén nhang nghiêng mình tiễn biệt BS Nguyễn Hồng Trung- “Cây đại thụ của ngành y tế Vĩnh Long” đã mãi mãi ra đi.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh