Sâu bên trong chợ Vĩnh Long vẫn còn một tiệm bày bán guốc mộc. Căn tiệm nhỏ như lọt thỏm giữa không gian nhộn nhịp, vây quanh bởi những quầy hàng giày dép đủ mọi màu sắc, kiểu dáng. Dẫu vậy tiếng đóng guốc lọc cà lọc cọc vẫn thu hút nhiều ánh mắt hiếu kỳ xen lẫn hoài niệm.
Cửa tiệm guốc mộc của chị Yến nằm sâu trong chợ Vĩnh Long. |
Sâu bên trong chợ Vĩnh Long vẫn còn một tiệm bày bán guốc mộc. Căn tiệm nhỏ như lọt thỏm giữa không gian nhộn nhịp, vây quanh bởi những quầy hàng giày dép đủ mọi màu sắc, kiểu dáng. Dẫu vậy tiếng đóng guốc lọc cà lọc cọc vẫn thu hút nhiều ánh mắt hiếu kỳ xen lẫn hoài niệm.
“Giờ mà đi khắp cái chợ cũng không có ai bán guốc mộc đâu…” - đó là câu trả lời chắc nịch của những chủ hàng giày dép ở chợ. Phải tốn thêm thời gian đi loanh quanh, hỏi han vài người buôn bán nữa mới được chỉ một sạp guốc mộc nằm sâu trên tầng 2 trong khu nhà lồng chợ. Sau khi len lỏi giữa những quầy bán quần áo, giày dép san sát nhau mới thấy tiệm guốc mộc nằm cạnh đường lên cầu thang.
Nhìn từ xa, tiệm guốc trông có vẻ chẳng rực rỡ bằng những tiệm giày dép bên cạnh, có lẽ vì vậy mà người ta hay vô tình lướt qua. Giữa không gian nhộn nhịp là bóng lưng lom khom nhặt nhạnh từng cái đinh, tiếng đóng guốc nhịp nhàng vang lên từ đôi tay của chị Trần Thị Hoàng Yến (50 tuổi).
Chị Yến kể, chị vừa học nghề đóng guốc vừa phụ việc cho một người cô từ năm 20 tuổi. Thoáng chốc đã 30 năm kể từ ngày chị mới tập tành đóng những cái đinh đầu tiên lên đôi guốc. Vừa xòe đôi tay đầy vết chai sạn, chị Yến nói: “Sau khi cô nghỉ bán thì sang lại tiệm cho tôi. Lúc mới đầu tôi toàn đóng vô tay, nên mới có mấy vết chai này. Bạn học nghề chung hay chọc là trong tiệm ngoài tiếng đóng guốc là tiếng kêu đau của tôi. Nghề nào cũng vậy, khởi đầu lúc nào cũng khó, từ từ mới quen tay”.
Theo lời chị Yến, ngày xưa phụ nữ không có nhiều sự lựa chọn giày dép như bây giờ, cộng thêm tâm lý “ăn chắc mặc bền” nên guốc mộc rất được ưa chuộng, mặc áo dài, áo bà ba thì không thể thiếu đôi guốc mộc.
“Guốc mộc, guốc cây, guốc gỗ là cách gọi chung hay nhiều người quen gọi là guốc vông vì hồi đó guốc được làm từ cây vông, còn bây giờ chủ yếu làm từ gỗ xoan. Guốc mộc xài bền, đi tới đi lui lâu lắm mới hư, lỡ đứt quai thì ra chợ đóng lại, chỉ khi nào thân guốc nứt, gãy mới mua đôi mới”- chị Yến giải thích.
Khác với vẻ đẹp mộc mạc, đơn giản của ngày xưa, guốc mộc ngày nay đa dạng kiểu cách. Trong tiệm guốc rộng chừng 4m2 của chị Yến, khách mua như đi lạc vào thế giới của những đôi guốc đủ màu sắc, kiểu dáng, hầu hết vẫn là guốc dành cho phụ nữ, trẻ em, có guốc đế bằng hoặc cao tận 15cm, từ thân guốc trơn bóng đến đế khắc hoa văn cầu kỳ.
Đầu tiên, chị Yến hướng dẫn khách lựa chọn thân guốc, lúc này guốc vẫn chưa có quai, khách ướm chân lựa chọn kích cỡ, độ cao, hoa văn, màu sơn theo sở thích; kế tiếp khách lựa mẫu quai, chất liệu nhựa, giả da, vải có đính hoa, hạt cườm bắt mắt…
Sau đó, chị Yến sẽ đóng vài cái đinh nhỏ cố định để khách thử guốc, sau khi điều chỉnh độ rộng cho vừa chân thì chị sẽ đóng những chiếc đinh đầu tròn, dẹt, vân xoắn ốc là có ngay một đôi guốc mộc hoàn chỉnh, giá dao động từ 100.000-200.000 đ/đôi tùy loại.
Trong ký ức của chị Yến và hầu hết những người từng mang guốc mộc, thì “hay trông cho tới Tết để mẹ dắt đi chợ mua guốc, mặc lên bộ bà ba trắng tinh, mang guốc đi lọc cọc khắp xóm khoe đồ mới”.
Xen kẽ giữa những hồi ức, đôi tay thạo nghề của chị Yến vẫn nhanh nhẹn, tỉ mỉ đóng từng chiếc đinh lên thân guốc, giọng chị càng hào hứng khi nhắc về những ngày “chợ chưa xây lầu, một dãy tiệm giày dép tiệm nào cũng có đóng và bán guốc mộc, tới Tết là khách nườm nượp, một ngày bán cả trăm đôi, tiếng đóng guốc lọc cọc nghe mắc ham”.
Nhưng những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng guốc mộc ít dần nên việc kinh doanh của những tiệm guốc cũng ảm đạm, chỉ còn chị Yến trụ lại với nghề nhưng vẫn phải nhập thêm vài loại giày dép khác để bán, giọng chị ỉu xìu: “Khách quen của tôi hầu hết là người trung niên, lâu lâu có người trẻ ghé mua. Nghề đóng guốc dần mai một vì cực công mà lời ít, mấy tiệm xung quanh bỏ hẳn nghề đóng guốc để chuyển sang bán giày dép may sẵn”.
Những đôi guốc đủ màu sắc, kiểu dáng được tạo ra bằng tất cả tâm huyết của chị Yến. |
Vắng khách, chị Yến tranh thủ lấy điện thoại chụp hình mấy đôi guốc vừa đóng xong để chào hàng trên tài khoản Facebook, Zalo. “Ngồi ở chợ có bữa bán được 1-2 đôi, nhưng nhiều khi không bán được đôi nào, tôi học người ta đăng hình rao bán guốc online, thỉnh thoảng có khách ngoài tỉnh coi hình rồi ưng, gửi kích thước chân cho tôi là có ngay một đôi guốc vừa ý”- chị Yến chia sẻ.
Xung quanh vẫn tấp nập người đến người đi, chị Yến vẫn cặm cụi với đôi guốc trên tay, nâng niu chúng như một món đồ quý. Mặc dù việc kiếm tiền từ nghề đóng guốc mộc không còn khả quan như trước, nhưng kỷ niệm với những đôi guốc mộc, gắn bó cùng bạn hàng, khách quen… đã níu chị Yến ở lại với nghề lâu hơn, cứ thế tiếng đóng guốc lọc cà lọc cọc vẫn đều đặn phát ra từ căn tiệm nhỏ…
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin