Côn Đảo- Từ địa ngục trần gian đến thiên đường du lịch

Cập nhật, 06:10, Chủ Nhật, 04/06/2023 (GMT+7)
Mỗi ngày có 5 chuyến tàu cao tốc ra Côn Đảo với mỗi chuyến chở từ 300-550 hành khách, gồm Vũng Tàu, Cần Thơ, Trần Đề. Trong ảnh: Du khách viếng Nghĩa trang Hàng Dương.
Mỗi ngày có 5 chuyến tàu cao tốc ra Côn Đảo với mỗi chuyến chở từ 300-550 hành khách, gồm Vũng Tàu, Cần Thơ, Trần Đề. Trong ảnh: Du khách viếng Nghĩa trang Hàng Dương.

(VLO) Chúng tôi đến Côn Đảo vào những ngày tháng 3 đầy nắng và gió. Thường biển mùa này sóng êm theo như dân gian nói “tháng 3 bà già đi biển”.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng gió mùa nên con tàu cao tốc hai thân mang tên Trưng Nhị lắc lư, lặn hụp vượt trùng dương từ cảng Trần Đề, Sóc Trăng ra đến cảng Bến Đầm cũng phải mất hơn hai tiếng rưỡi.

Mang tâm trạng háo hức của người mới đi khám phá, ra đảo lần đầu nên tôi không thấy mệt mà còn vui vẻ là đằng khác. Vả lại so với hải trình Trường Sa mà tôi đã trải qua thì đoạn đường 60 hải lý từ đất liền ra Côn Đảo chẳng thấm tháp gì.

Trước đây, qua nghiên cứu tài liệu, sách vở và qua lời kể của các nhân chứng cựu tù chính trị và qua tiếp xúc, làm việc với cán bộ bảo tàng, trung tâm di tích ngoài đảo vào công tác ở Vĩnh Long, tôi được biết xưa Côn Đảo là địa ngục trần gian.

Nay trực tiếp đến Côn Đảo, tham quan các di tích, nhìn tận mắt, thấy tận nơi thì nơi đây dưới thời cai trị của thực dân, đế quốc quả là địa ngục trần gian thật.

Tôi đã ghé tham quan Trại giam Phú Hải, nơi giam giữ, đọa đày hàng ngàn chí sĩ yêu nước, cán bộ cách mạng như Tôn Đức Thắng, Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Lê Văn Lương, Phạm Hùng…

Theo các chứng cứ không thể chối cải còn lưu giữ thì tù nhân chính trị ở đây bị hành hạ dã man với các đòn tra tấn khủng khiếp, hơn cả thời trung cổ, thế gian này không nơi nào có để hành hạ thể xác lẫn tinh thần nhằm hạ gục ý chí của những người cộng sản yêu nước.

Qua mô tả của các thuyết minh viên và những gì tận mắt nhìn thấy tôi cảm thấy rùng mình, nhiều người tham quan đứng nhìn, lắng nghe đã khóc và bày tỏ giận dữ, căm thù thực dân, đế quốc và tay sai.

Tương tự như thế, ở Trại giam Phú Tường, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn bày ra cái gọi là chuồng cọp để giam giữ những người cộng sản mà ở đó người chẳng ra người.

Nói như những nhà báo và dân biểu Mỹ khi đến điều tra và phát hiện chuồng cọp này thì dã man đến tột cùng, không có gì có thể tồi tệ, bẩn thỉu hơn nữa.

Không biết đầu óc như thế nào mà kẻ thù nghĩ ra cách xây những dãy phòng có vách ngăn như nhốt súc vật.

Bề ngang mỗi ô chưa đầy 2m, dài khoảng 4m, chưa được chục mét vuông như thế mà họ nhốt hàng chục người trong đó, bên trên có vỉ sắt và lối đi canh gác, người tù không thể nào thoát ra được.

Ấy vậy mà bọn cai tù thường xuyên đánh đập, tra tấn với đủ các ngón nghề cho đến khi bầm giập hết cả cơ thể thì chúng lại dùng cây bịt sắt nhọn đâm vào da thịt rồi rải vôi bột lên mình, tưới nước, làm tù nhân lở lói, đau đớn, không thể nào tả hết được.

Trong nhà tù thì như vậy mà người tù còn bị bắt đi lao động khổ sai cho đến chết. Như cầu tàu Côn Đảo còn có tên gọi là cầu tàu 914, xưa có ít nhất 914 tù nhân đã chết tại đây; hay cũng đã có hàng trăm người chết khi chúng bắt đi làm cầu Ma Thiên Lãnh.

Từng là địa ngục trần gian, giờ đây Côn Đảo trở thành thiên đường du lịch với khoảng 168 chuyến bay mỗi tuần từ khắp miền đất nước ra Côn Đảo. Ảnh: HÙNG HẬU
Từng là địa ngục trần gian, giờ đây Côn Đảo trở thành thiên đường du lịch với khoảng 168 chuyến bay mỗi tuần từ khắp miền đất nước ra Côn Đảo. Ảnh: HÙNG HẬU

Theo số liệu thống kế chưa đầy đủ của Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo, từ khi thành lập vào thời kỳ đầu Pháp chiếm Việt Nam, trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có hàng mấy vạn người bị giam cầm, tù đày khổ sai, trong số đó có hàng mấy ngàn người đã chết tại nhà tù Côn Đảo.

Có thể nói từng tấc đất Côn Đảo, ở đâu cũng có máu xương, hài cốt, anh linh, hương hồn của các anh hùng liệt sĩ.

Đó là chưa kể những người bị giam cầm, hy sinh ở Hòn Cau, cách Côn Đảo không xa. Thành ra, Nghĩa trang Hàng Dương rộng hàng chục hécta với nhiều phân khu, không thể đi giáp hết được là nơi vùi lấp hàng ngàn thi thể tù nhân.

Từ sau ngày giải phóng, các ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang, rồi Bà Rịa- Vũng Tàu đã ra sức tìm kiếm, quy tập nhưng chỉ một phần nhỏ, khoảng trên dưới 2.000 ngôi mộ, trong đó đa số không biết được danh tính.

Cho nên có thể nói chỗ nào trong khu vực Nghĩa trang Hàng Dương cũng có máu xương của các anh hùng liệt sĩ đang nằm ở đâu đó.

Quả là để có độc lập, tự do cho dân tộc, những chiến sĩ cộng sản đã phải trả bằng xương máu của mình trong cái địa ngục khủng khiếp nhất trần gian này.

Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ở đất liền, những người tù đã nổi dậy phá trại giam, giải phóng Côn Đảo, lập nên chính quyền mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hậu Giang và sau này thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, một số cựu tù trở lại, tăng cường cán bộ trẻ ra cùng chung sức xây dựng và phát triển đảo.

Anh Lê Tấn Đạt- nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Côn Đảo, nhớ lại: Tui dân Bến Tre. Hồi theo các chú cựu tù ra đảo tui còn trẻ lắm, chưa vợ, chưa con, nghe rủ rê rồi đi.

Mà làm gì có tàu khách, phải quá giang ghe của ngư dân, vậy mà còn trốn mấy ông lính biên phòng vì mấy ổng cho rằng mình vượt biên. Lặn hụp, quăn quật với sóng gió mấy ngày mấy đêm mới ra tới đảo.

Lần hồi, tui cùng nhiều người nữa được mấy chú cho đi học văn hóa, đi đào tạo trong đất liền để trở về làm cán bộ kế thừa.

Anh kể, hỏng biết sao hồi đó người dân đảo có thói quen ra bến tàu mỗi khi có tàu khách đến hoặc đi, cứ ngóng mà chẳng có đưa ai, đón ai, cứ có người ra đảo là mừng, người rời khỏi đảo là buồn hiu. Mà những khi biển động, cả tháng trời không có tàu nào từ đất liền ra được cả. Vậy mà vẫn đợi...

Chị Bùi Thị Giàu, một chủ nhà nghỉ ở đây kể: Hồi em ra đây mới mười mấy tuổi, cả gia đình quá giang ghe lưới của ngư dân đi mất một tuần, ói tới mật xanh, người này ói lên mình người kia hôi rình, không ăn gì được, vậy mà đã trụ được gần bốn chục năm!

Anh Tư Tranh- nguyên Giám đốc Điện lực Côn Đảo, thì cho biết hồi đầu ra đây làm nhân viên lo thắp sáng ban đêm cho mấy khu di tích và nhà làm việc của huyện đảo.

Cả đảo không có bao nhiêu người, tất cả đều biết mặt nhau, chủ yếu là cán bộ Đảng ủy, ban, ngành, đông nhất là giáo viên, cán bộ văn hóa cùng người dân cũng chính là thân nhân của cán bộ trên đảo.

Hồi xưa ra đây được cấp đất cất nhà và sản xuất, vậy mà có người không dám nhận, cầm cái quyết định cấp đất bằng tờ giấy đánh máy pơ luya trả lại ủy ban bởi vì sợ không ở được lâu dài. Còn bây giờ những mảnh đất ấy ở trung tâm huyện đảo đã có giá một- hai trăm triệu đồng rồi.

Theo lãnh đạo huyện thì hiện nay, Côn Đảo đã phát triển vược bậc với nhiều con đường dọc ngang như bàn cờ, kết nối tất cả các khu dân cư trên toàn huyện đảo.

Dân số bây giờ đã gần chục ngàn người, đông nhất là người miền Tây, kế đó là dân miền Bắc, miền Trung ra đây làm ăn mua bán, sinh cơ lập nghiệp.

Trước đây để ra đảo phải đón tàu khách từ Vũng Tàu, mất cả ngày mới đến, mấy năm nay mở thêm các chuyến tàu cao tốc từ cảng Trần Đề, Sóc Trăng ra chỉ mất hai tiếng rưỡi, còn từ Cần Thơ ra mất khoảng 4 giờ tàu chạy.

Bên cạnh đó, mỗi ngày sân bay Cỏ Ống đón trên 20 chuyến bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ đáp xuống đây. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo thì trung bình mỗi ngày Côn Đảo đón trên 2.000 khách đến tham quan du lịch, đông nhất là vào những ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật.

Bây giờ, người người, nhà nhà làm dịch vụ, nhà nghỉ, khách sạn, homestay, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng bán quà lưu niệm,... mọc lên như nấm.

Cái hay là chu vi Côn Đảo không lớn, khách tham quan có thể đi bộ hoặc đi xe taxi điện với giá cả rất phù hợp; còn không thì thuê xe gắn máy chạy cả ngày chỉ mất có 150.000đ, không cần thế chấp gì cả, muốn để đâu thì để không có ai lấy cắp.

Hầu hết khách đến với Côn Đảo là đi về nguồn, tham quan hệ thống nhà tù, chứng tích lịch sử dã man mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam và du lịch tâm linh.

Trong đó, Nghĩa trang Hàng Dương là nơi khách nào cũng muốn đến một lần để thắp hương cho chị Võ Thị Sáu và các anh hùng liệt sĩ. Bên cạnh đó, danh lam thắng cảnh của Côn Đảo cũng rất hấp dẫn du khách.

Tất cả các bãi biển ở trung tâm và xung quanh đảo như Phú Hải, Đầm Trầu rất sạch, đẹp, làn nước trong xanh nhìn thấy tận đáy. Khách cũng có thể đi thăm vườn Quốc gia Côn Đảo, đi ca nô ra hòn Bảy Cạnh, hòn Cau để lặn biển, ngắm san hô,... với chỉ vài trăm ngàn đồng một người là đã có một buổi trải nghiệm thú vị.

Có thể nói Côn Đảo bây giờ đã thay da đổi thịt, từ địa ngục trần gian nay đã thành thiên đường du lịch, thu hút nhiều du khách cả trong và ngoài nước.

Kết cấu hạ tầng đã phát triển nhanh chóng, văn minh, hiện đại; đời sống cả vật chất và tinh thần của người dân ngày càng một nâng lên như mong mỏi của những người đã khuất và ước mơ của bao thế hệ người dân Côn Đảo từ xưa đến nay.

NGUYỄN SAN