Vĩnh Long chống địch phá hoại Hiệp định Paris

Cập nhật, 12:50, Thứ Năm, 26/01/2023 (GMT+7)

 

Tổ minh ngữ bằng tín hiệu morse hàng ngày đưa tin quân dân Vĩnh Long trừng trị bọn địch càn quét lấn chiếm phá hoại Hiệp định Paris về Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Tư liệu
Tổ minh ngữ bằng tín hiệu morse hàng ngày đưa tin quân dân Vĩnh Long trừng trị bọn địch càn quét lấn chiếm phá hoại Hiệp định Paris về Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Tư liệu
 
“Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” thường được gọi tắt là “Hiệp định Paris”. Đây là một thắng lợi chiến lược của Đảng và Nhân dân ta tạo tiền đề cho thắng lợi mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Hiệp định Paris là một thắng lợi chiến lược
 
Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 giữa 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa sau gần 5 năm đàm phán (từ 1968 - 1973) tại Paris (Pháp). Đây là một thắng lợi chiến lược: Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thế giới công nhận, quân Mỹ và chư hầu buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
 
Sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris, nhưng mãi đến năm 1972 ta mới có thế chủ động về mặt quân sự (sau các thắng lợi trong “Mùa hè đỏ lửa 1972”), ngược lại người Mỹ muốn đàm phán rút quân.
 
Chớp thời cơ đây là năm bầu cử tổng thống Mỹ và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ phát triển mạnh làm chính quyền Tổng thống Richard Nixon bối rối, phía ta đưa ra sách lược mới: trao cho phía Mỹ một dự thảo hiệp định mới có 4 yêu cầu chính: chấm dứt chiến tranh, không can thiệp vào miền Nam Việt Nam; rút hết quân Mỹ và quân chư hầu; thả tù binh và đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh (trước đó ta đòi Mỹ rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên).
 
Trên cơ sở đó, từ tháng 7/1972 phía Mỹ chịu đi vào đàm phán thực chất, vào cuối tháng 10/1972 Mỹ căn bản thừa nhận dự thảo này, nhưng sau đó họ trì hoãn với lý do chính quyền Sài Gòn chưa hoàn toàn tán thành. Khi Tổng thống Nixon tái đắc cử (tháng 11/1972) phía Mỹ nghĩ có thể thay đổi một số nội dung của hiệp định đó, chính vì vậy mới xảy ra sự kiện Mỹ dùng B52 đánh phá ác liệt Thủ đô Hà Nội và một số thành phố khác 12 ngày đêm. Sau thất bại của chiến dịch lật lọng này, họ phải đề nghị phía Việt Nam tiếp tục ngồi lại đàm phán hiệp định theo các điều khoản đã thỏa thuận trước.
 
Cuối cùng Mỹ ép chính quyền Sài Gòn ký hiệp định, nhưng sau đó với bản chất ngoan cố Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho chính quyền Sài Gòn thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Vĩnh Long cùng Quân khu 9 chống địch “Việt Nam hóa chiến tranh” phá hoại Hiệp định Paris
 
Với sự kiện Mậu Thân 1968 quân dân ta đã đánh gục ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, song liền đó kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” ra đời. Đó là chiến lược “phi Mỹ hóa chiến tranh” rất thâm độc của bộ máy chiến tranh Mỹ: Mỹ muốn chính quyền Sài Gòn mạnh về chính trị, quân sự và kinh tế, họ sẽ viện trợ đầy đủ các yêu cầu của chính quyền này. Chính quyền Sài Gòn được quân sự hóa lúc đó đầy rẫy các sắc lính và nhiều tổ chức gián điệp, tâm lý chiến…
 
Tất cả chỉ một mục tiêu: giành đất, giành dân, tập trung dân để kiểm soát, loại trừ những người đấu tranh và ủng hộ đấu tranh. Còn biện pháp thì mỵ dân cao độ đến phát xít cao độ, thấy cần bắn giết cứ bắn giết không xét xử… (phát xít hơn cả giai đoạn chúng thực hiện “tố cộng”, lúc đó còn có Luật 10/59). 
 
Với ý đồ này, trong 2 năm 1969 và 1970, chính quyền Sài Gòn được Mỹ viện trợ dồi dào về tài chính và vũ khí, nhanh chóng đôn quân bắt lính cho cái gọi là “bình định cấp tốc” ở miền Nam Việt Nam, tỉnh Vĩnh Long trở thành một trong những thí điểm ở ĐBSCL.
 
Quyển lịch sử “Quân khu 9 - 30 năm kháng chiến” do Bộ Tư lệnh Quân khu 9 xuất bản có nhắc đến giai đoạn này: Sau Mậu Thân 1968, Quân khu 9 cũng như chiến trường toàn miền Nam giành được thắng lợi, nhưng do ta chuyển hướng không kịp, nhất là các tỉnh vùng trung tâm sông Hậu nên chủ lực và địa phương tổn thất nặng nề.
 
Trong lúc đó địch còn đông quân, vũ khí hiện đại dồi dào, chúng đủ thời gian củng cố, tổ chức phản kích quyết liệt, không những chúng giành lại được vùng nông thôn đã mất mà còn đánh bật ta ra khỏi nhiều vùng có dân... 
 
Riêng tại Vĩnh Long, tháng 4/1969 ta tiến công vào TX Vĩnh Long lần nữa với ý đồ buộc địch kéo quân về bảo vệ đầu não để các lực lượng ta giải phóng vùng nông thôn nhưng không thành công, nên tỉnh gặp nhiều khó khăn khi địch phản kích lấn đất, giành dân sau đó.
 
Từ tháng 7/1970 với tham vọng kiểm soát hết các vùng giải phóng, địch điều chỉnh lớn về quân sự thực hiện chương trình “Bình định phát triển” liên tục đóng 840 đồn, tua lấn chiếm vào vùng giải phóng, Đến tháng 4/1971, tỉnh không còn ấp nào giải phóng hoàn toàn, Tỉnh ủy Vĩnh Long nhận định đây là thời kỳ khó khăn nhất của đảng bộ.
 
Giữa năm 1971, hai huyện Vũng Liêm và Trà Ôn từ tỉnh Trà Vinh được sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long, giúp tỉnh được bổ sung nhiều nguồn lực chống địch bình định theo Chỉ thị 01/CT của Trung ương Cục: đánh bình định của địch thất bại một bước nặng. Cuối năm này, sau các nỗ lực và sự chi viện hiệu quả của Trung ương tình hình ở Quân khu 9 đã có chuyển biến tích cực.
 
Chuẩn bị cho chiến địch mùa khô năm 1972, Quân khu 9 chọn Vĩnh Long làm trọng điểm 2 và Mặt trận Vĩnh Trà được tái lập. Các đơn vị quân chủ lực khu đứng trên địa bàn cùng với lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với mũi chính trị và binh vận tiến công địch khắp nơi, chỉ tính từ tháng 7 - 11/1972 tỉnh giải phóng thêm 14 ấp, nâng số ấp giải phóng toàn tỉnh lên 26 ấp, thúc đẩy các phong trào cách mạng phát triển góp phần vào thắng lợi của toàn miền Nam, tạo thuận lợi cho các đoàn của ta trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.
 
Có một sự kiện đáng ghi nhớ: Ngày 26/10/1972, Trung ương Đảng ta cho công bố tuyên bố có nội dung Hiệp định Paris (mặc dù chưa ký chính thức) đã có tác dụng lớn: Một bầu không khí phấn khởi bùng nổ trong toàn quân toàn dân, nhiều vùng trong tỉnh thế và lực của ta phát triển nhanh chóng. Địch lâm vào thế bị động phải rêu rao thực hiện “4 không”: không nhường đất, không chính phủ liên hiệp, không thương lượng, không cho Cộng sản và đảng trung lập hoạt động ở miền Nam. 
 
Hiểu rõ bản chất ngoan cố của địch qua kinh nghiệm xương máu từ sự lật lọng Hiệp định Genève 1954, theo chỉ đạo của Khu ủy Khu 9, Tỉnh ủy Vĩnh Long cho triển khai ngay việc đấu tranh chống địch phá hoại trước, trong và sau khi hiệp định được ký kết: quyết đánh bại địch lấn chiếm mà trọng điểm là 4 huyện phía bắc và nam sông Măng Thít; củng cố các đoàn thể cách mạng; riêng ngành tỉnh khẩn trương trở lại bám trụ các căn cứ lõm ở bắc và nam Lộ 4 (Quốc lộ 1 ngày nay).
 
Còn nhớ, cùng với các ngành khác, ở Ban Tuyên huấn tỉnh, Nhà In Nguyễn Văn Thảnh từ Vũng Liêm trở về bám trụ vùng căn cứ xung quanh cánh đồng Gò Găng (Tam Bình) đã phát triển việc in tài liệu bằng chữ chì.
 
Đây cũng là vùng bám trụ của toàn bộ Tiểu ban Thông tấn - Báo chí, hàng ngày qua tín hiệu morse hai đài minh ngữ ở bắc và nam Lộ 4 của tiểu ban liên tục đưa tin của tỉnh về Thông tấn xã Giải phóng và Khu Tây Nam Bộ. Báo Quyết Thắng (tiền thân của báo Vĩnh Long ngày nay) được in bằng chữ chì ra đúng định kỳ kịp thời phục vụ cho các địa phương…
 
Ở thời điểm 12 ngày đêm diễn ra “Trận Điện Biên Phủ trên không” không quân Mỹ dùng B52 rải thảm bom ở Thủ đô Hà Nội và một số nơi, quân dân Vĩnh Long hiểu rõ thế nào là mức độ dã man và tàn khốc của nó vì mình đã từng trải qua, các lực lượng vũ trang trong tỉnh liên tục tiến công địch để chia lưới lửa và trả thù cho đồng bào thủ đô.
 
Trước đó, tại huyện Tam Bình, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo ban ngày các ban ngành tỉnh, huyện làm nhiệm vụ chuyên môn, ban đêm chiết cán bộ trẻ với vũ khí của đơn vị ra phối hợp với Đội phòng thủ của Tỉnh ủy thành một đơn vị vũ trang hợp tan tác chiến độc lập hay phối hợp với các lực lượng khác liên tục tổ chức bao vây đồn, đánh bọn chi viện đã bứt hàng bứt rút hàng chục đồn bót…
 
Lúc ấy nhà nhà luôn theo dõi Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Phát thanh Giải phóng để nắm bắt thắng lợi của ta, đặc biệt các diễn biến của cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội, vui với từng chiếc B52 đền tội và chỉ thở phào khi Mỹ buộc phải ngừng ném bom, tức hoàn toàn khuất phục trước ý chí chiến đấu kiên cường của Đảng, quân và dân ta… 
 
Ngày 27/1/1973 là một ngày không thể nào quên với nhiều người: Hiệp định Paris được các bên ký kết, ngay trong đêm đó toàn văn hiệp định và các nghị định thư được một nhà báo của Báo Quyết Thắng (được phân công bên cạnh Tỉnh ủy để kịp thời nắm tình hình đưa tin) trích xuất từ Đài Phát thanh Giải phóng trao cho đồng chí Bảy Sách (Nguyễn Tấn Liềng - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long) và đồng chí Năm Vận (Phạm Văn Kiết - Ủy viên Thường vụ Khu ủy) kịp thời chỉ đạo đánh bọn địch đang nỗ lực “vẽ cờ”, cụm quân phá địa hình giành đất giành dân tại 21 điểm trong tỉnh.
 
Và trước khi hiệp định được ký kết có hiệu lực, các lực lượng ta đồng loạt ra quân trấn giữ các tuyến giao thông thủy bộ quan trọng như: tuyến sông chiến lược Măng Thít (qua 4 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và Cái Nhum), tuyến Cái Ngang (Tam Bình), lộ Hàng Me (Vũng Liêm), tuyến Hòa Tân - An Khánh (Châu Thành B)…
 
Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt cùng các chiến sĩ quân Giải phóng trên chiếc xe tăng của quân Sài Gòn bị tiêu diệt trong chiến dịch Chương Thiện năm 1973. Ảnh: Tư liệu
Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt cùng các chiến sĩ quân Giải phóng trên chiếc xe tăng của quân Sài Gòn bị tiêu diệt trong chiến dịch Chương Thiện năm 1973. Ảnh: Tư liệu
Lực lượng ở các xã chớp thời cơ chiếm lĩnh 119 ấp, bao vây 70 đồn, đánh thiệt hại nặng 7 đồn, bứt rút 2 đồn giải phóng thêm 3 ấp. Ở những nơi lực lượng ta đứng chân khi hiệp định có hiệu lực cờ Mặt trận Giải phóng tung bay khắp nơi nhiều ngày sau đó, không ít nơi sát đồn, sát nách các thị trấn khiến nhân dân ta vô cùng phấn khởi…
 
Những hoạt động đánh địch ngoan cố phá hoại hiệp định tiến hành bình định lấn chiếm diễn ra sau đó ở toàn Quân khu 9 rất quyết liệt dưới sự chỉ đạo cương quyết của Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt và Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh, dù lúc đó chưa có chủ trương tiến công địch về quân sự của trên(*).
 
Các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” của địch trên toàn quân khu đều bị quân ta đánh trả. Hiệp đồng với các mũi tiến công mạnh của quân chủ lực khu vào bọn địch đi lấn đất giành dân, đặc biệt là cuộc càn cấp quân đoàn gồm 75 tiểu đoàn địch đánh vào Chương Thiện của “Vùng 4 chiến thuật” đang thất bại thảm hại, tại Vĩnh Long từ tháng 4 - 6/1973, các lực lượng ta diệt và phá rã trên 1.600 tên địch thu 117 súng các loại, san bằng 13 đồn, bứt rút 20 đồn khác giải phóng cơ bản thêm 9 ấp.
 
Đến cuối tháng 9/1973, Vĩnh Long đã giải phóng hoàn toàn 2 xã: Trung Hiệp (Vũng Liêm) và Bình Ninh (Tam Bình), giải phóng cơ bản 6 xã: Ngãi Tứ, Hậu Lộc, Mỹ Lộc, Hòa Hiệp (Tam Bình), Trung Ngãi (Vũng Liêm), Bình Phước (Cái Nhum), giải phóng hoàn toàn 91 ấp, nâng lên tranh chấp ta mạnh 72 ấp khác. Như vậy, vào năm 1973 tỉnh có thắng lợi vượt hơn dự kiến: diệt 129 đồn, giải phóng thêm 39 ấp với trên 24 ngàn dân.
 
Trong năm 1974, lực lượng quân sự làm đòn xeo tốt đưa các phong trào cách mạng lớn mạnh, vùng giải phóng của tỉnh mở rộng ta kiểm soát phân nửa đất đai và dân số. Đây là thắng lợi rất cơ bản tạo tiền đề cho giành thắng lợi cao hơn ở các bước tiếp sau đó.
 
..........................
(*) Với các chiến công chống địch bình định lấn chiếm và phá hoại Hiệp định Paris tại Quân khu 9, Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng. 
TRUNG TÍN