55 năm Xuân Mậu Thân- Sức mạnh lòng dân

Cập nhật, 12:45, Thứ Năm, 26/01/2023 (GMT+7)
Quân và dân tỉnh Vĩnh Long hành quân tham gia chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Quân và dân tỉnh Vĩnh Long hành quân tham gia chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Lịch sử Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã đúc kết cho Đảng ta những bài học quý từ sức mạnh lòng dân. Vì vậy, từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta đã xác định rõ công tác binh vận - vận động quần chúng là một bộ phận quan trọng của đường lối chiến thuật quân sự tổng hợp Việt Nam, là một mũi tiến công chiến lược, đồng thời đó còn là ngọn cờ xuyên suốt để củng cố mặt trận đại đoàn kết dân tộc để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. 
 
Để chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thực hiện chủ trương này, TX Vĩnh Long được Quân khu 9 chọn làm trọng điểm 2 (sau Cần Thơ) và đã giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện, là một trong những điểm sáng ở khu vực ĐBSCL.
 
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bên cạnh những chỉ đạo, quyết định mang tính chiến lược của Bộ Chính trị, Khu ủy Khu 9 và Tỉnh ủy Vĩnh Long, thì sự đồng lòng ủng hộ, đóng góp sức người, sức của của nhân dân Vĩnh Long đã góp phần làm nên thắng lợi to lớn của chiến dịch. 
 
Có thể nói công tác hậu cần cho kế hoạch mùa khô 1967 - 1968 mà đặc biệt là cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là cả một quá trình chuẩn bị tất cả về mọi mặt và đã được Tỉnh ủy Vĩnh Long triển khai khá sớm.
 
Mùa khô 1967 - 1968, mặc dù tình hình chiến sự rất ác liệt nhưng các cán bộ địa phương vẫn kiên trì vận động bà con bám ruộng, bám vườn để tăng gia sản xuất, nuôi quân đánh giặc. Nơi nào không bám trụ được trong vườn thì bà con ra ngoài đồng cất chòi để tránh bom đạn. Đồng thời, vận động bà con tản cư ra vùng tạm chiếm đấu tranh với địch đòi cho về làm ruộng, để vừa sản xuất lúa gạo làm nghĩa vụ đảm phụ nuôi quân, vừa tạo điều kiện tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ.
 
Vì vậy, trừ một số vùng bị oanh tạc ác liệt và những thửa ruộng ven vườn không thể sản xuất được, còn lại bà con đều làm được một vụ lúa mùa. Để che mắt địch và tiếp tế cho bộ đội, vào sáng sớm, khi địch cho ra đồng làm ruộng, bà con thường mang cơm, thức ăn nhiều hơn. Các nhu yếu phẩm cũng được bà con cung cấp cho bộ đội bằng cách người thì mang theo cục xà bông, người mang bàn chải, kem đánh răng, thuốc hút, pin… và để lại ở ruộng.
 
Ngoài ra còn nhiều hình thức tiếp tế linh hoạt, hiệu quả khác. Chính vì thế, tuy bị địch phong tỏa hết sức gắt gao, nhưng cán bộ chiến sĩ ta vẫn bám trụ được chính là nhờ căn cứ trong lòng dân.
 
Ðồng chí Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, người trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy chiến dịch Mậu Thân thuật lại: Để chuẩn bị cho chiến dịch, Tỉnh ủy chỉ đạo cho các đơn vị địa phương phải chuẩn bị gấp rút mọi mặt, củng cố lực lượng chính trị, binh vận, quân sự, thành đội ngũ ở từng xã, huyện, thị xã, với tư thế sẵn sàng chiến đấu cao.
 
Trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác hậu cần phải chuẩn bị chu đáo, đầy đủ vũ khí, thuốc men, lương thực, thực phẩm, với tinh thần quyết tâm cao nhất - giành thắng lợi lớn nhất. Ðồng thời, phát động tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng, cổ vũ phong trào quần chúng đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, sẵn sàng, chủ động bước vào chiến dịch mùa khô, với khí thế quyết chiến, quyết thắng. 
 
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các địa phương xây dựng “chi bộ tự động” để hoạt động và tổ chức tuyên truyền. Các tổ tiến hành họp dân hoặc vận động theo địa chỉ từng gia đình, sau đó phân công đầu mối trong dân tiếp nhận rồi bàn giao cho xã. Ngoài ra, để che giấu bộ đội trong những ngày tiến về thị xã, cán bộ cách mạng đã tuyên truyền, vận động nhân dân ở vùng ven thị xã tản cư đến các địa điểm bộ đội trú chân nhằm tránh sự nghi ngờ, phát hiện của kẻ thù, đồng thời cũng tranh thủ nhân dân làm hậu cần tại chỗ tiếp tế lương thực cho bộ đội.
 
Đối với nhân dân nội ô, việc nuôi giấu cán bộ cách mạng là vô cùng nguy hiểm vì kẻ thù có thể tuần tra, kiểm soát bất cứ lúc nào, nhưng quần chúng nhân dân luôn bình tĩnh, kiên quyết đấu tranh với kẻ thù để bảo vệ, che chở, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ dù phải hy sinh tài sản và cả tính mạng…
 
Qua đó, tỉnh đã phát động được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng, đóng góp cho cách mạng với tinh thần “tất cả để đánh giặc, tất cả để thắng giặc”. Phong trào tòng quân nhập ngũ ở trong tỉnh được tăng lên gấp đôi, gấp ba so với trước. Ở các huyện như Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn, thanh niên nô nức tòng quân.
 
Nhân dân sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động đóng góp lúa, gạo, thuốc men, ghe xuồng, trâu bò… có người đóng góp cho kháng chiến cả đôi bông tai đang đeo, có người tự nguyện chia đôi tài sản gia đình của mình cho cách mạng. Ngoài ra, Tỉnh ủy còn chỉ đạo “mũi binh vận”, sử dụng cơ sở trong lòng địch, vận động gia đình binh lính, giáo dục và lôi kéo binh lính làm binh biến khởi nghĩa lập công trở về với nhân dân và làm tan rã hàng ngũ địch một cách rộng rãi.
 
Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, toàn tỉnh Vĩnh Long có 9.415 người tham gia phục vụ hậu cần, dân công hỏa tuyến, nuôi chứa lực lượng của ta; hơn 8.000 gia đình tham gia đóng góp về sức người, sức của; 126.223 giạ lúa, gạo; 59.221.871 đồng tiền Việt Nam Cộng hòa thời điểm năm 1968, 595 chỉ vàng, 515 con trâu, bò, heo; 1.532 xuồng, ghe máy, hàng chục ngàn đòn bánh tét; hàng ngàn lít xăng, dầu, cùng nhiều vật dụng chế tạo vũ khí, vải may cờ, thuốc trị thương và nhiều nhu yếu phẩm khác. Nhiều bà mẹ nén đau xé lòng, tiễn người con cuối cùng của mình đi vào trận chiến như má Tư, má Út Mười.
Ông Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo)- nguyên Tỉnh Đội phó Tỉnh Đội Vĩnh Long trình bày hướng cơ động của Tiểu đoàn 857 đột kích sân bay Vĩnh Long đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968.
Ông Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo)- nguyên Tỉnh Đội phó Tỉnh Đội Vĩnh Long trình bày hướng cơ động của Tiểu đoàn 857 đột kích sân bay Vĩnh Long đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968.
 
Nhiều gia đình vừa đóng góp của cải cho cách mạng, vừa tham gia dân công hỏa tuyến và tham gia chiến đấu. Tất cả điều đó đã hợp thành một sức mạnh phi thường, làm chỗ dựa vững chắc để Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lãnh đạo cuộc Tổng tiến công Mậu Thân đi đến thắng lợi to lớn, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. 
 
55 năm đã đi qua, nhưng ký ức về chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm bao người, đặc biệt là người dân Vĩnh Long. Qua chiến dịch Mậu Thân cho thấy, ý Ðảng hợp lòng dân và nhân dân đã đồng lòng ủng hộ. Ðây là bài học kinh nghiệm quý giá về công tác vận động quần chúng, không bao giờ cũ ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào.
 Duy Dẫn