Một tấm lòng vì nghĩa lớn

Cập nhật, 23:25, Thứ Hai, 23/01/2023 (GMT+7)
Nhà tưởng niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa (xã Tường Lộc- Tam Bình).
Nhà tưởng niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa (xã Tường Lộc- Tam Bình).
 
GS.VS Trần Đại Nghĩa là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Tam Bình, Vĩnh Long. Cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, GS.VS Trần Đại Nghĩa dành hết tâm lực, trí lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo nhiều loại vũ khí và đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ông là nhà khoa học hàng đầu của cách mạng Việt Nam, là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo.

Nghĩa lớn tìm về với nước non

Khi nhắc về GS.VS Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Là một đại tri thức, đi học châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phụng sự kháng chiến, đó là Anh hùng Lao động trí óc Trần Đại Nghĩa”… 
 
GS.VS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ. Từ nhỏ, cậu học trò Phạm Quang Lễ đã muốn học với hoài bão cứu nước, giúp dân. Ở Pháp, ông chỉ có thể tự mò mẫm và bí mật học hỏi, sưu tầm tài liệu về các loại vũ khí. Hơn 10 năm ở Pháp, ông tốt nghiệp 3 bằng kỹ sư: cầu đường, điện và chế tạo máy bay, với 6 chứng chỉ về khoa học cơ bản, toán lý hóa, đó là chưa kể bí mật nghiên cứu vũ khí ở Pháp một cách tuyệt mật.
 
Tháng 6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris dự Hội nghị Fontainebleau. Dịp này, Phạm Quang Lễ được gặp và trao đổi với Bác. Và tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã trỗi dậy, tiếng gọi đó trùng với ước mơ, hoài bão của ông. Ông quyết định từ bỏ tất cả danh vọng nơi đất Pháp: “...
 
Trên cương vị một kỹ sư trưởng, tôi có mức lương 5.500 F/tháng, tương đương 22 lượng vàng hiện nay, mức sống khá đầy đủ…”, để theo Bác Hồ về nước, phục vụ cách mạng và sẵn sàng chấp nhận gian khổ để góp sức vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
 
Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến gay go, ác liệt, ông được Bác Hồ giao làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo ra vũ khí để bộ đội ta đánh giặc. Bác nói: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa”. Từ đó cái tên Trần Đại Nghĩa đã gắn bó với ông trọn đời. 
 
Được giao nhiệm vụ Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã cùng nhiều đồng chí xây dựng và phát triển ngành quân giới, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật tư thiết bị, trong đó nổi bật nhất là súng và đạn Bazoka, súng không giật SKZ, góp phần quan trọng để Quân đội ta chiến thắng trên chiến trường. 
 
Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, GS.VS Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh kiêm Cục trưởng Cục Quân giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Chuyên nghiệp Bách khoa.
 
Ông còn là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam… Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong bất cứ hoàn cảnh nào, GS.VS Trần Đại Nghĩa cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
Ông để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam một tấm gương sáng về người trí thức yêu nước không màng danh lợi, một nhà khoa học đầy ý chí và nghị lực, một chiến sĩ cộng sản cách mạng trên mặt trận khoa học - kỹ thuật sống chan hòa, gần gũi với đồng chí, đồng nghiệp và đồng bào.
 
“Thanh niên phải có hoài bão lớn”
 
Theo ông Trần Dũng Trình - con trai thứ tư của GS.VS Trần Đại Nghĩa, trong nhiều đức tính mà ông cảm phục cha mình, có một điều phải học mãi là xây dựng cho mình một hoài bão.
 
 Ông Trần Dũng Trình (thứ 2 từ trái sang) về thăm khu lưu niệm.
Ông Trần Dũng Trình (thứ 2 từ trái sang) về thăm khu lưu niệm.
Ông Trần Dũng Trình nói: “Với thanh niên, đi đâu ông cũng nhấn mạnh tuổi trẻ phải có hoài bão lớn. Hoài bão để xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh hơn. Nếu mọi người cùng chung sức thì có thể vượt qua được khó khăn, nếu chỉ nghĩ đến mình thì đất nước không bao giờ phát triển được. Cha nói, hoài bão của thế hệ ông mong muốn đất nước được độc lập, dân tộc ta đã ngẩng cao đầu. Tuy nhiên, với các cháu phải có hoài bão lớn hơn nữa, làm cho đất nước phát triển ngang tầm với các nước trên thế giới”. 
 
Bạn Trương Trần Gia Bảo - sinh viên Trường ĐH Sư phạm - Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tham gia trung tâm đào tạo ứng dụng, thực hành công nghệ kỹ thuật y sinh mang tên Trần Đại Nghĩa và được nhận học bổng Trần Đại Nghĩa, hỗ trợ sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực thực hành, đưa lý thuyết vào thực hành.
 
Đến thắp hương tại Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, Gia Bảo xúc động: “Em rất khâm phục lý tưởng, con người của bác Trần Đại Nghĩa, khi sẵn sàng từ bỏ vật chất, danh vọng ở nước ngoài để trở về cống hiến cho Tổ quốc, cho nền khoa học kỹ thuật quân sự. Đó cũng là lý tưởng em theo đuổi, cố gắng hết mình làm việc, có thể chia sẻ kiến thức cùng mọi người, đóng góp một phần nhỏ trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, đóng góp cho xã hội”.
 
Trên quê hương Tam Bình, ngôi trường mang tên GS.VS Trần Đại Nghĩa có nhiều hoạt động để giáo dục truyền thống cho các em. Thầy Trần Hữu Phúc - Phó Hiệu trưởng, cho biết: Chúng tôi tổ chức cho các em học sinh về nguồn tham quan quê hương của GS.VS ở xã Hòa Hiệp, liên kết với khu lưu niệm để vào đầu năm học đưa học sinh tham quan, tìm hiểu về ông.
 
Duy trì hội thi truyền thống: “Trần Đại Nghĩa - Tự hào quê hương Tam Bình”. Qua cuộc thi các em hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp của ông, tự hào hơn và phấn đấu học tập tốt hơn. 
 
Vừa qua, đoàn công tác của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng do Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng - Phó Chính ủy Tổng cục làm trưởng đoàn đến khảo sát tại Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa (xã Tường Lộc - Tam Bình).
Những kỷ vật, những câu chuyện kể là bài học để thế hệ hôm nay xây hoài bão cống hiến cho Tổ quốc.

Những kỷ vật, những câu chuyện kể là bài học để thế hệ hôm nay xây hoài bão cống hiến cho Tổ quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng cho biết, đơn vị sẽ đầu tư xây dựng thêm cụm trưng bày xưởng cơ khí quân giới tại nhà trưng bày khu lưu niệm với mong muốn cùng tỉnh Vĩnh Long thực hiện tốt hơn nữa công tác trưng bày, giới thiệu cuộc đời, thân thế sự nghiệp cách mạng của GS.VS Trần Đại Nghĩa.
 
Công trình này sẽ được thực hiện và hoàn thành trước dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long bày tỏ niềm vui và khẳng định công trình ý nghĩa sẽ giúp khu lưu niệm có thêm nhiều hình ảnh, hiện vật sinh động phục vụ tốt hơn khách tham quan, đặc biệt là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.
 
Với mỗi hoài bão lớn, muốn thực hiện được đều bắt đầu từ việc học, tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình để có thể đương đầu với mọi khó khăn. Thế hệ hôm nay noi gương GS.VS Trần Đại Nghĩa để nuôi hoài bão và nỗ lực thực hiện hoài bão…
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY 
·