Kỳ cuối: Ngày rực rỡ trên Trường Sa Đông

09:01, 18/01/2023

Trong suốt hải trình dài ngày trên biển đảo hầu hết là dông gió lớn, biển động và hầu như không nhìn thấy mặt trời. Ngày đầu năm mới 2023 lên đảo Trường Sa Đông chúng tôi đã tận hưởng một ngày đẹp, nắng vàng tươi rực rỡ từ lúc bình minh cho đến lúc "Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa…" 
 

Trong suốt hải trình dài ngày trên biển đảo hầu hết là dông gió lớn, biển động và hầu như không nhìn thấy mặt trời. Ngày đầu năm mới 2023 lên đảo Trường Sa Đông chúng tôi đã tận hưởng một ngày đẹp, nắng vàng tươi rực rỡ từ lúc bình minh cho đến lúc “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa…” 
Xuồng chuyển tải vào đảo Trường Sa Đông.
Xuồng chuyển tải vào đảo Trường Sa Đông.
Đón năm mới trên Trường Sa Đông 
 
“Đã hết giờ ngủ nghỉ. Toàn tàu báo thức. Báo thức toàn tàu”. Tàu báo thức lúc 4 giờ 30 phút để chuẩn bị lên đảo, nhưng nhiều đồng nghiệp cùng phòng hầu như đã thức dậy sớm hơn, háo hức với “thời tiết đảm bảo, tất cả phóng viên lên đảo”. Bởi đây là điểm đến cuối trong hải trình, chuyến lên đảo hôm trước còn bị hoãn lại do sóng lớn. 
Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông chuẩn bị đón Tết.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông chuẩn bị đón Tết.
Đảo Trường Sa Đông rợp bóng mát cây tra, bàng vuông… Ngày đầu năm mới thật rộn ràng với nhiều hoạt động trang trí bàn thờ trang trọng ảnh Bác Hồ, gói bánh chưng… Cũng như các đảo khác trong quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa Đông có lịch sử quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành oai hùng.
 
Trải qua biết bao gian lao xây dựng và bảo vệ, các cán bộ chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Trường Sa Đông đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, tiến bộ về mọi mặt.
 
Trong điều kiện xa đất liền, việc đảm bảo đời sống bộ đội gặp nhiều khó khăn, để “lấy sức người gặt sức thiên nhiên”, cán bộ, chiến sĩ đã tận dụng từng mét đất, chắt chiu từng giọt nước ngọt trồng rau xanh, nuôi gia cầm, gia súc… tự túc một phần thực phẩm tươi sống, nâng cao đời sống bộ đội.
 
Nắn nót từng nét chữ trên Bản tin tổng hợp cung cấp nhiều nội dung về lời dạy của Bác Hồ, tin trong nước, thế giới, tin hoạt động đơn vị… Thiếu tá Nguyễn Hồng Thơm - Chính trị viên cụm Chiến đấu 2 (đảo Trường Sa Đông) vui vẻ cho biết bản tin được tổng hợp đầu tuần, giúp bộ đội trên đảo nắm bắt các thông tin thời sự, định hướng chỉ đạo của cấp trên. Đặc biệt, lời dạy của Bác Hồ đứng vị trí hàng đầu bản tin, lính đảo dễ dàng đọc được để học tập và làm theo Bác trong chức trách, nhiệm vụ của mình.
 
“Các thông tin được bố trí ngắn gọn, mang tính bao quát dễ đọc, dễ nhớ”- Thiếu tá Thơm nói đó là tiêu chí của bản tin, vì cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn có nhiều kênh tiếp cận thông tin như: nghe đài, xem tivi, đọc sách báo… Thú vị trên bản tin cũng dành một phần thông tin thi đua, nhận xét: mạnh - yếu các hoạt động của các đơn vị, cá nhân. Còn biểu dương một số đồng chí gấp chăn đẹp…
 
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và chính quyền địa phương, nhiều công trình động lực, trọng điểm ở huyện Trường Sa được quan tâm đầu tư xây dựng.
 
Nhận thức sâu sắc, giữ vững chủ quyền là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt của đảo, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, trực chiến, huấn luyện; đảm bảo hậu cần kỹ thuật. Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng đảo vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện… 
Chiến sĩ thư giãn sau giờ làm nhiệm vụ.
Chiến sĩ thư giãn sau giờ làm nhiệm vụ.
Chính nhờ có sự đoàn kết, gắn bó chung lòng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ quần đảo Trường Sa, Thượng tá Nguyễn Hồng Lan - Chính trị viên Đồn Biên phòng Trường Sa, nhắn gửi:
 
“Không ở đâu khó khăn như biên giới biển đảo, nhưng ở nơi khó khăn nhất thì tình cảm được bồi đắp nhiều nhất. Từ chỉ huy, chiến sĩ đến nhân dân đều coi như người một nhà, có việc gì san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhân dịp Xuân mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trường Sa kính chúc đồng bào, nhân dân cả nước đón Tết an bình hạnh phúc, đất nước bình an phát triển. Chúng tôi xin hứa quyết tâm đoàn kết xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển đảo của Tổ quốc”. 
 
Với Trường Sa mãi mãi một tình yêu 
 
Không khí đón Tết sớm ở Trường Sa rộn ràng không kém gì đất liền, khắp đảo, trước nhà dân mọi người đều treo cờ Tổ quốc. Trong nhà, mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh kẹo đủ đầy được đặt trang trọng trên bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ gia tiên.
 
Mọi người cũng tận dụng “cây nhà lá vườn” bằng vô số vỏ sò, vỏ ốc biển cùng đèn nhấp nháy trang trí trên cây cảnh. Hôm gặp lại gia đình anh Nguyễn Minh Vinh và chị Võ Thị Sông buổi chào cờ đầu năm mới trên đảo Trường Sa, chị cùng các hộ dân mặc áo dài thướt tha rất trang trọng diễu hành cùng cán bộ, chiến sĩ.
 
Bày tỏ niềm vui, chị Sông nói: “Tôi rất phấn khởi trong ngày năm mới, thật vui và hạnh phúc”. Trong tiếng chuông chùa vọng đưa cùng tiết trời se lạnh, chúng tôi theo gia đình chị và các hộ dân đi lễ chùa thắp nhang, nguyện cầu một năm mới bình an, sóng êm gió nhẹ. Chị Sông bảo đã ăn 5 cái Tết trên đảo, dù điều kiện vật chất khó khăn, dù không ở cạnh người thân, gia đình nhưng những nét văn hóa truyền thống: gói bánh chưng, thờ cúng ông bà, đi chùa lễ Phật… vẫn luôn được bà con trên đảo trân trọng giữ gìn và “năm nào cũng như vậy”. 
 
Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: Tết truyền thống ở trên đảo cũng có nhiều hoạt động như ở đất liền, tuy nhiên, với chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ không có khoảng cách, họ thường quan tâm, hỏi thăm, động viên nhau như gia đình. Bởi giữa trùng khơi, trên đảo chỉ có quân và dân, ngày thường đã gắn kết, Tết đến khi nhà nhà sum họp thì ở đảo độ gắn kết cao giữa mọi người, xích lại gần nhau hơn. 
 
Thật vậy, khi đã xác định đảo là nhà, biển đảo là quê hương, cán bộ, chiến sĩ cũng tìm thấy ở đó môi trường rèn luyện quý giá nhằm hoàn thiện bản thân. Ngày rời đảo về quê ăn Tết với gia đình, chiến sĩ Ngô Đức Tồn (quê Phú Yên) bùi ngùi xúc động: “Em ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ người lính hơn 1 năm và đã hoàn thành nhiệm vụ. Trước khi đi lính em ở nhà rất là “quậy không ai chịu nổi”.
 
Nhờ sự tận tình huấn luyện, chỉ bảo và giúp đỡ của các anh, đồng chí mà em kịp thời sửa chữa sai sót. Về nhà em đã có mục tiêu, định hướng riêng cho bản thân tiếp tục sống và cống hiến cho quê hương”. Có những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên, “em rất nhớ tình cảm anh em bộ đội rất gắn bó. Vui nhất là khi mới ra đảo được ăn Tết, tuy chưa quen biết, nhưng ai nấy đều rất vui, hòa đồng. Khi em bệnh các anh em nấu cháo cho em ăn, chăm sóc thật tận tình” - chiến sĩ Ngô Đức Tồn tâm sự. 
 
Những tình cảm, câu chuyện tốt đẹp ấy vẫn đang được vun đắp bằng tình cảm, quyết tâm mỗi ngày của từng người lính đảo. Là một người con xứ dừa Bến Tre và của miền Tây, Trạm phó Trạm Ra đa 11 Lê Đình Quân không quên nhắn gửi về đất liền: “Rất tự hào nối bước cha ông làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trên đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Mùa xuân thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, trách nhiệm của người lính luôn sẵn sàng chiến đấu. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị giao”.
 
Trải qua hành trình dài xây dựng và phát triển, tầm quan trọng của việc bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển đã được xác định từ sớm. Hơn 500 năm trước, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo về vai trò đặc biệt của Biển Đông đối với sự tồn vong của đất nước: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”.
 
Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ giao thương, tuyến phòng thủ đầu tiên của nước ta và là không gian sinh tồn của dân tộc ta. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta cho thấy, phần lớn những cuộc xâm lăng của ngoại bang đều đến từ hướng Biển Đông.
 
Trong lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955- 7/5/1988) tại đảo Trường Sa ngày 7/5/1988, Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “... Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta…”. 
Chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biển trời tiền tiêu của Tổ quốc.
Chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biển trời tiền tiêu của Tổ quốc.
Huyện Trường Sa hôm nay đã mang diện mạo mới, đời sống của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ngày càng tốt hơn. Trường Sa đã và đang trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
 
Ngày nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn phát huy cao độ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, luôn nhận rõ vinh dự và trọng trách của mình, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với những tình cảm và sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh